Luật Dân sự

Người không biết chữ có thể giao kết hợp đồng bằng cách nào?

Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt một hay nhiều nghĩa vụ nào đó. Khi giao kết hợp đồng, các bên phải cùng nhau ký hợp đồng để hợp đồng đó có giá trị pháp lý. Vậy trong trường hợp người giao kết hợp đồng không biết chữ hoặc khuyết tật không thể ký kết hợp đồng thì họ có được giao kết hợp đồng hay không? Và bằng cách nào? Hãy cùng Chuyên tư vấn luật giải đáp các thắc mắc trên thông qua bài viết dưới đây.

Người không biết chữ có thể giao kết hợp đồng bằng cách nào?

Người không biết chữ có thể giao kết hợp đồng bằng cách nào?

Người không biết chữ có được giao kết hợp đồng không?

Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Hợp đồng được giao kết bằng nhiều hình thức, trong đó có bằng văn bản, bằng lời nói, bằng hành vi hoặc bằng phương thức điện tử. Theo đó, việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản (theo khoản 4 Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015).

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 401 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực thì các bên phải thực hiện quyền, nghĩa vụ với nhau theo cam kết.

Như vậy, có thể thấy, việc ký vào hợp đồng không phải là yêu cầu bắt buộc khi các bên giao kết hợp đồng cũng như để xác định thời điểm giao kết hoặc xác định hợp đồng có hiệu lực hay không. Do đó, người không biết chữ hoàn toàn có quyền giao kết hợp đồng.

>>>Xem thêm: Người vừa câm vừa điếc có tự mình thực hiện giao dịch dân sự được không?

Người không biết chữ có thể giao kết hợp đồng bằng cách nào?

Theo khoản 4 Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác đã được thể hiện trên văn bản. Như vậy, ngoài chữ ký ra thì các bên tham gia giao kết hợp đồng có thể thực hiện hành vi khác mà các bên đã đồng ý và ghi vào văn bản. Thông thường các hành vi giao kết khác ở đây là điểm chỉ, lăn tay.

Trong giao dịch dân sự, pháp luật có quy định đối với một số giao dịch cần công chứng, chứng thực thì phải tuân thủ quy định về hình thức, nội dung của Luật Công chứng, các văn bản chuyên ngành, ví dụ như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, tại quy định:

  • Điều 48 Luật Công chứng 2014: việc điểm chỉ sẽ được thay thế cho việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký.
  • Khoản 3 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP: trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ.

Do đó, khi giao kết hợp đồng với người không biết chữ, hình thức điểm chỉ có thể thay thế cho việc ký tay và việc này phải được các bên tham gia giao kết hợp đồng đồng ý trong văn bản.

Điểm chỉ trong giao kết hợp đồng

Điểm chỉ trong giao kết hợp đồng

Yêu cầu khi sử dụng điểm chỉ thay cho chữ ký

Theo khoản 2 Điều 48 Luật Công chứng năm 2014 thì khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng phải sử dụng ngón trỏ phải. Nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái. Trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng, trong trường hợp người yêu cầu công chứng cũng không thể điểm chỉ được thì việc công chứng phải có người làm chứng (khoản 2 Điều 47 Luật Công chứng 2014, khoản 3 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP). Theo đó, người làm chứng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Từ đủ 18 tuổi trở lên;
  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng;
  • Do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định.

>>>Xem thêm: Điểm chỉ thay thế chữ ký thì hợp đồng có hiệu lực không?

Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Căn cứ vào Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự bao gồm:

Người tham gia giao dịch có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập

Năng lực pháp luật dân sự: là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.

Năng lực hành vi dân sự: là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện

Bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí nên chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải hoàn toàn tự nguyện trong việc thể hiện và bày tỏ ý chí của mình. Trước khi tham gia giao dịch dân sự, các chủ thể có quyền tự do quyết định tham gia hay không tham gia giao dịch dân sự, không bị chi phối hoặc không bị ép buộc, cấm đoán, đe doạ.

“Tự nguyện” bao gồm các yếu tố cấu thành là tự do ý chí và bày tỏ ý chí. Nếu một trong hai yếu tố này không có hoặc không thống nhất cũng không thể có tự nguyện. Sự tự nguyện của một bên (hành vi pháp lý đơn phương) hoặc sự tự nguyện của các bên trong một quan hệ dân sự (hợp đồng) là một trong các nguyên tắc được quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Vi phạm điều cấm của luật là những hành vi đi ngược lại nguyên tắc xử sự mà luật quy định, người vi phạm có thể phải chịu hậu quả pháp lý tương ứng với hành vi vi phạm. Các bên không được thỏa thuận về các giao dịch mua bán ma túy, vũ khí hay các tài sản bị cấm lưu thông khác.

Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không trái đạo đức xã hội: Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng, ví dụ: đạo thờ cúng ông bà, tổ tiên; đạo hiếu nghĩa giữa con cái với cha mẹ… Chỉ những giao dịch chứa đựng các điều khoản không đi ngược lại các quy định pháp luật có liên quan, các bên chủ thể xác lập giao dịch dân sự không có mục đích trốn tránh nghĩa vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác giao dịch đó mới phát sinh hiệu lực.

Ngược lại, những giao dịch có đối tượng không phù hợp, mục đích xác lập giao dịch dân sự của các chủ thể không nhằm tạo lập nên quyền và lợi ích hợp pháp thì không phát sinh hiệu lực.

Những giao dịch dân sự có nội dung hoặc mục đích vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức của xã hội sẽ mặc nhiên vô hiệu.

Hình thức của văn bản

Khi giao dịch được xác lập, giao dịch dân sự cần phải được thể hiện dưới hình thức nhất định. Theo quy định của luật, giao dịch dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể. Về nguyên tắc chung, người xác lập giao dịch có quyền lựa chọn hình thức của giao dịch. Tuy nhiên, trong trường hợp pháp luật có quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng hình thức nhất định thì các bên giao kết giao dịch dân sự cần phải tuân hình thức luật định.

Các giao dịch trên thực tế đa dạng, phong phú và hầu hết các bên chủ thể được quyền lựa chọn hình thức giao kết giao dịch. Tuy nhiên, đối với một số giao dịch vì tầm quan trọng của giao dịch đó, giá trị tài sản giao dịch lớn hoặc cần sự kiểm soát của cơ quan Nhà nước đối với giao dịch mà luật quy định giao dịch phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký. Ví dụ như việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013.

Hiện nay, các giao dịch dân sự mà luật quy định hình thức bắt buộc thường có đối tượng là các bất động sản như quyền sử dụng đất, nhà ở. Riêng đối với trường hợp lập di chúc, luật quy định hai hình thức bao gồm: di chúc miệng và di chúc bằng văn bản. Tuy nhiên, đối với trường hợp di chúc miệng thì các bên cần tuân thủ theo các điều kiện chặt chẽ do luật quy định. Đối với các giao dịch dân sự mà luật quy định bắt buộc về hình thức mà các bên có sự vi phạm thì hợp đồng có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu.

Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

>>>Xem thêm: Hợp đồng được ký bằng chữ ký điện tử có hiệu lực pháp luật không?

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến Người không biết chữ có thể giao kết hợp đồng bằng cách nào? Nếu như bạn có bất cứ vướng mắc nào hoặc có nhu cầu tìm hiểu thêm xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được LUẬT SƯ DÂN SỰ tư vấn và hỗ trợ. Xin cảm ơn.

4.7 (20 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 751 bài viết