Luật Doanh Nghiệp

Miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics

Miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics là một trong những quy định đặc thù được ghi nhận trong Luật Thương mại 2005. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, tùy vào các tình huống cụ thể mà có thể xác định trường hợp nào sẽ được miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistic loại hình dịch vụ này.

Trường hợp miễn trách nhiệm

Kinh doanh dịch vụ logistics trong luật Thương mại

Dịch vụ logistics là một loại hình dịch vụ phổ biến hiện nay, theo đó có thể hiểu một cách khái quát rằng đây là dịch vụ trung gian vận chuyển hàng hóa từ người bán đến người mua một cách nhanh chóng và tối ưu nhất.

Dịch vụ logistics

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khái niệm dịch vụ logistics được quy định tại Điều 233 Luật thương mại 2005:

Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Dịch vụ logistics được phiên âm theo tiếng Việt là dịch vụ lô-gi-stíc.

Theo đó, có thể hiểu rằng dịch vụ logistics là việc thương nhân thực hiện một hoặc một số công việc nhất định để đưa hàng hóa tới tay khách hàng nhằm hưởng mức thù lao theo thỏa thuận. Ở đây, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics đóng vai trò là trung gian vận chuyển nhằm giúp hàng hóa được vận chuyển từ người bán đến tay người mua một cách thuận lợi nhất.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics

Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics là doanh nghiệp có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Điều 4 Nghị định 163/2017/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2017 Quy định về kinh doanh dịch vụ logistics quy định chi tiết về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, cụ thể:

  • Thương nhân kinh doanh các dịch vụ cụ thể thuộc dịch vụ logistics phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ đó.
  • Thương nhân tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, ngoài việc phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ cụ thể, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.
  • Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics: Ngoài việc đáp ứng các điều kiện trên thì nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới được cung cấp dịch vụ logistics và đáp ứng một số điều kiện liên quan khác.
  • Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế có quy định khác nhau về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, nhà đầu tư được lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư quy định tại một trong các điều ước đó.

Như vậy, thương nhân cần đáp ứng một số điều kiện nhất định để tiến hành kinh doanh dịch vụ logistics theo đúng quy định của pháp luật.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics

>>>Xem thêm: Dịch vụ thành lập công ty Logistics tại TP.HCM

Các trường hợp miễn trừ trách nhiệm

Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có được hưởng miễn trừ trách nhiệm hay không. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm bao gồm:

Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm tại Điều 294 Luật Thương mại 2005, cụ thể bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

  • Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận.
  • Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
  • Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
  • Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

Ngoài ra, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hoá phát sinh trong các trường hợp sau đây:

  • Tổn thất là do lỗi của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;
  • Tổn thất phát sinh do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;
  • Tổn thất là do khuyết tật của hàng hoá;
  • Tổn thất phát sinh trong những trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tập quán vận tải nếu thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức vận tải;
  • Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận;
  • Sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Toà án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng.
  • Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về việc mất khoản lợi đáng lẽ được hưởng của khách hàng, về sự chậm trễ hoặc thực hiện dịch vụ logistics sai địa điểm không do lỗi của mình.

CSPL: Điều 237 Luật Thương mại 2005.

Như vậy, khi xảy ra tranh chấp, tùy vào tình huống cụ thể mà các thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có thể căn cứ vào những trường hợp trên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Cách giải quyết tranh chấp trong kinh doanh dịch vụ logistics

Khi có tranh chấp xảy ra, các bên có thể lựa chọn một trong các phương pháp sau để giải quyết:

Hòa giải

Thông thường, hòa giải là phương pháp đầu tiên được sử dụng khi có tranh chấp xảy ra. Theo quy định của pháp luật hiện hành, khái niệm về hòa giải thương mại được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 24 tháng 02 năm 2017 về hòa giải thương mại:

Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.

Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại cũng được quy định tại điều 6 Nghị định trên, theo đó:

Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.

Như vậy, khi các bên trong tranh chấp có thỏa thuận về việc hòa giải thì hòa giải có thể được tiến hành ở bất kỳ giai đoạn nào thời gian giải quyết tranh chấp.

Giải quyết tranh chấp

Thương lượng

Bên cạnh biện pháp hòa giải, theo quy định tại Khoản 1 Điều 317 Luật Thương mại 2005, thương lượng cũng là một trong các biện pháp giải quyết tranh chấp. Việc các bên cùng ngồi lại và đưa ra ý kiến, quan điểm của mình giúp bên còn lại có thể hiểu và cân nhắc về các vấn đề liên quan đến tranh chấp giữa các bên.

Hiện nay, thương lượng có thể được diễn ra thông qua hai hình thức là thương lượng trực tiếp và thương lượng gián tiếp.

  • Thương lượng trực tiếp: Đây là quá trình các bên mà các bên trong tranh chấp trực tiếp gặp nhau và cùng thảo luận, bàn bạc về vấn đề tranh chấp giữa các bên. Hình thức này có thể giúp các bên dễ dàng bày tỏ quan điểm, ý kiến và thiện chí của mình về vấn đề tranh chấp để đưa ra một hướng giải quyết chung phù hợp nhất.
  • Thương lượng gián tiếp: Đây là hình thức các bên gửi các tài liệu, giấy tờ, chứng cứ nhằm bày tỏ quan điểm và yêu cầu của mình đối với bên còn lại và thông qua việc đợi phản hồi của đối phương để tìm ra phương pháp giải quyết tranh chấp phù hợp nhất.

Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp thể hiện sự tự nguyện và thiện chí của các bên. Nếu một trong các bên không có thiện chí thì việc thương lượng có thể kéo dài và không đạt được kết quả như mong đợi.

Giải quyết tại Tòa án hoặc trọng tài

Trong trường hợp không thể giải quyết tranh chấp bằng các phương pháp mang tính tự nguyện như hòa giải hoặc thương lượng, các bên có thể chọn giải quyết bằng Trọng tài hoặc Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đối với Trọng tài thương mại:

Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp được quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010, cụ thể:

  • Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
  • Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
  • Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Hồ sơ khởi kiện tại trọng tài thương mại được quy định tại Điều 30 Luật Trọng tài thương mại 2010 bao gồm đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo. Đơn khởi kiện phải bao gồm các nội dung cơ sau:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
  • Tên, địa chỉ của các bên; tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
  • Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;
  • Cơ sở và chứng cứ khởi kiện, nếu có;
  • Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và giá trị vụ tranh chấp;
  • Tên, địa chỉ người được nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.
  • Kèm theo đơn khởi kiện, phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan.

Trường hợp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Tòa án:

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp vụ việc dân sự, hợp đồng dân sự thuộc về Tòa án theo quy định tài Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Hồ sơ khởi kiện bao gồm đơn khởi kiện và các tài liệu chứng có liên quan: Nội dung đơn khởi kiện thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 189 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Đơn khởi kiện theo mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự, cụ thể:

  • Đơn khởi kiện phải bao gồm các nội dung như sau:
  • Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
  • Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
  • Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
  • Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

Bên cạnh việc nộp đơn khởi kiện, người nộp đơn còn phải cung cấp các tài liệu chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Theo quy định tại khoản 5, điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu chứng cứ, chứng minh kèm theo (các giấy tờ, biên bản liên quan đến việc giao kết hợp đồng, các tài liệu chứng cứ chứng minh thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng),…

Như vậy, hiện nay có nhiều phương pháp giải quyết tranh chấp khác nhau. Tùy thuộc vào vụ việc cụ thể cũng như tình thần thiện chí của các bên mà có thể cân nhắc lựa chọn biện pháp giải quyết phù hợp nhất.

Tư vấn miễn trừ trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics

  • Soạn hồ sơ thành lập doanh nghiệp Logistics.
  • Tư vấn các vấn đề sau thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistic.
  • Tư vấn về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics.
  • Tham gia quá trình tố tụng theo yêu cầu của đương sự.
  • Hỗ trợ theo gói Tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp.

Trên đây là những hướng dẫn của Luật sư về vấn đề kinh doanh dịch vụ logistics, cách giải quyết tranh chấp trong kinh doanh dịch vụ logistics, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. Nếu còn những thắc mắc về những thông tin khác cũng như những câu hỏi liên quan quý khách hàng có thể liên hệ luật sư của Chuyên Tư Vấn Luật qua hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn cụ thể.

4.5 (14 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 724 bài viết