Luật Doanh Nghiệp

Luật sư giải quyết tranh chấp tín dụng với ngân hàng

Giải quyết tranh chấp tín dụng với ngân hàng cho doanh nghiệp là vấn đề được các doanh nghiệp băn khoăn, thắc mắc khi vay vốn, vay tiền với ngân hàng và xảy ra tranh chấp hợp đồng tín dụng. Để giải quyết vấn đề trên. Luật sư tới từ Chuyên Tư Vấn Luật xin gửi đến bài viết về phương thức giải quyết tranh chấp, trình tự, thủ tục khởi kiện, cùng với đó là các quy định của pháp luật có liên quan đến giải quyết tranh chấp tín dụng với ngân hàng cho doanh nghiệp.

Luật sư giải quyết tranh chấp tín dụng với ngân hàng

Hợp đồng tín dụng theo quy định của pháp luật

Theo Khoản 14 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.

Theo quy định của pháp luật, quan hệ cho vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng được xác lập và thực hiện thông qua công cụ pháp lý là hợp đồng tín dụng.

Mà theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy, hợp đồng tín dụng là thỏa thuận bằng văn bản giữa tổ chức tín dụng (gọi là bên cho vay) với khách hàng là tổ chức, cá nhân (gọi là bên vay), theo đó tổ chức tín dụng thỏa thuận ứng trước một số tiền cho khách hàng sử dụng trong một thời hạn nhất định, với điều kiện có hoàn trả cả gốc và lãi dựa trên sự tín nhiệm.

Bên cạnh đó, theo Điều 7 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán ngày 11/1/2019 quy định về lãi suất trong hợp đồng tín dụng:

  • Lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất.
  • Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, Tòa án áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định lãi, lãi suất.

>>>Xem thêm: Giải Quyết Tranh Chấp Hợp Đồng Tín Dụng

Đặc điểm của tranh chấp hợp đồng tín dụng

Tranh chấp hợp đồng tín dụng có các đặc điểm như sau:

  • Giá trị của tranh chấp hoạt động tín dụng có giá trị lớn hoặc rất lớn.
  • Tranh chấp hợp đồng tín dụng được giải quyết dựa trên nguyên tắc tự do thỏa thuận. Trong khuôn khổ pháp luật của các bên tham gia tranh chấp.
  • Tranh chấp hợp đồng tín dụng luôn có sự tham gia của một bên là tổ chức tín dụng. Phần lớn các tranh chấp hợp đồng tín dụng thì nguyên đơn là tổ chức tín dụng cho vay, bị đơn là bên đi vay.
  • Đa phần các tranh chấp liên quan đến hợp hợp đồng tín dụng chính là các tranh chấp liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả vốn, lãi của bên vay cho tổ chức tín dụng, về mức lãi suất vay, về vấn đề bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng.
  • Tranh chấp hợp đồng tín dụng thường là tiền đề làm phát sinh và gắn liền với một quan hệ hợp đồng khác: hợp đồng bảo đảm tiền vay thông qua hình thức cầm cố, thế chấp hoặc bảo lãnh của bên thứ ba.
  • Tranh chấp HĐTD phát sinh từ sự xung đột về lợi ích giữa các bên tham gia tranh chấp.

>>>Xem thêm: Phân biệt các loại hợp đồng tín dụng và hệ quả pháp lý khi khách hàng lựa chọn

Các hình thức giải quyết tranh chấp tín dụng với ngân hàng

Cũng giống như các loại tranh chấp hợp đồng khác, tùy thuộc vào tính chất, các tranh chấp tín dụng có thể là tranh chấp dân sự hoặc tranh chấp kinh doanh, thương mại. Đều giải quyết bằng các phương thức thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án theo quy định của pháp luật.

Thương lượng

Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng

Theo quy định tại Khoản 1  Điều 317 Luật Thương mại 2005, thương lượng là một trong những hình thức mà các bên có thể lựa chọn để giải quyết khi xảy ra tranh chấp thương mại.

Có thể hiểu hình thức giải quyết tranh chấp thương lượng giữa các bên là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tự nguyện bàn bạc, thỏa thuận, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào.

Trong quá trình thực hiện giải quyết tranh chấp bằng hình thức thương lượng hòa giải giữa các bên sẽ không có sự ràng buộc của quy định pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết. Kết quả của quá trình giải quyết tranh chấp sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên.

>>>Xem thêm: Cách tính lãi suất trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng

Hòa giải

Bên cạnh hình thức thương lượng, theo Khoản 2 Điều 317 Luật Thương mại 2005 là một hình thức giải quyết tranh chấp giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.

Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định về khái niệm hòa giải thương mại như sau: Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.

Theo quy định của pháp luật thương mại, các bên có thể giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại nếu có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, Điều 4 Nghị định 22/2-17/NĐ-CP quy định nguyên tắc Nguyên tắc khi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại:

  • Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
  • Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
  • Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.

Trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải tranh chấp thương mại được quy định tại Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

Sau khi tiến hành hòa giải, khi đạt được kết quả hòa giải thành các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành. Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Trường hợp không đạt được kết quả hòa giải thành, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

Đối với quy định giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại thì tại khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010: Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này.

Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của Trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện. Theo Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010, điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài gồm:

  • Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài.
  • Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
  • Khi đã có đủ các điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại như có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực… thì các bên thực hiện các bước theo trình tự tố tụng trọng tài.
  • Nộp đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo
  • Bị đơn nộp bản tự bảo vệ (theo Điều 35 Luật Trọng tài thương mại 2010)
  • Thành lập Hội đồng trọng tài.
  • Hòa giải (theo Điều 58 Luật Trọng tài thương mại 2010).
  • Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp (theo Điều 55 Luật Trọng tài thương mại 2010).
  • Hội đồng trọng tài ra phán quyết.
  • Áp dụng trong trường hợp: các bên thỏa thuận đưa ra những tranh chấp đã hoặc sẽ phát sinh giữa họ ra giải quyết tại Trọng tài. Trọng tài sau khi xem xét sự việc tranh chấp, sẽ đưa ra phán quyết có giá trị cưỡng chế thi hàng đối với các bên.

Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án

Giải quyết tranh chấp tại Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực Nhà nước để đưa ra phán quyết buộc các bên có nghĩa vụ thi hành. Và bản án của Tòa án sẽ được thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục giải quyết được quy định tại Chương XII, XIII, XIV Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015:

Về hồ sơ

Đơn khởi kiện: Nội dung của đơn khởi kiện phải được đảm bảo nội dung theo khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Mẫu đơn khởi kiện theo mẫu số 23 – DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ – HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 13/01/2017.

>>>Xem thêm: Mẫu đơn khởi kiện

Tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện: Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

Cơ sở pháp lý: Khoản 4, Khoản 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Trình tự, thủ tục giải quyết

Bước 1: Người khởi kiện chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, nộp hồ sơ đến Tòa án Nhân dân cấp huyện/cấp tỉnh để yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Bước 2: Người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định

Bước 3: Người khởi kiện nộp biên lai tiền tạm ứng án phí, từ đó Tòa án ra thông báo thụ lý và tiến hành thủ tục giải quyết theo yêu cầu khởi kiện.

Cơ sở pháp lý: Điều 30, Điều 37, Điều 146, 191, 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Luật sư tư vấn tranh chấp tín dụng cho doanh nghiệp

  • Tư vấn về chiến lược giải quyết tranh chấp; phân tích và đánh giá về tính pháp lý quyền, nghĩa vụ của các bên trong tranh chấp hợp đồng tín dụng;
  • Tư vấn cụ thể về cách thức, biện pháp giải quyết tranh chấp;
  • Đại diện cho khách hàng trong việc đàm phán giải quyết tranh chấp với bên tranh chấp;
  • Tham gia điều tra, thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ, tài liệu theo đúng thủ tục luật định;
  • Tư vấn, hỗ trợ khách hàng soạn thảo, chuẩn bị hồ sơ xuất trình trước tòa án trong phiên xét xử.
  • Đại diện theo ủy quyền hoặc là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự;
  • Bào chữa cho thân chủ của mình trước Tòa án bằng kiến thức chuyên môn;
  • Cung cấp các chứng cứ cần thiết cho Tòa án.

Thông qua phân tích trên, muốn giải quyết được tranh chấp tín dụng với ngân hàng, trước hết, quý khách hàng cần hiểu rõ các quy định của pháp luật có liên quan. Từ đó, lựa chọn một trong các hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật sao cho phù hợp. Nếu quý khách hàng còn có những thắc mắc về giải quyết tranh chấp tín dụng với ngân hàng cho doanh nghiệp, hoặc cần tư vấn pháp luật hãy liên hệ với Luật sư của Chuyên Tư Vấn Luật qua hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn chuyên sâu.

4.6 (10 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 727 bài viết