Thủ tục sa thải nhân viên tự ý bỏ việc có thể khác nhau tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia, công ty và hợp đồng lao động cụ thể. Thủ tục sa thải nhân viên cần phải đảm bảo quy định về pháp luật lao động để tránh việc phát sinh tranh chấp. Luật sư lao động sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về trình tự thủ tục trong bài viết dưới đây.
Thủ tục sa thải nhận viên tự ý bỏ việc
Mục Lục
Định nghĩa sa thải người lao động
Sa thải là việc người sử dụng lao động (NSDLĐ) chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động (NLĐ) vì lý do lỗi của NLĐ gây ra. Đây là biện pháp xử lý kỷ luật lao động nặng nhất mà pháp luật lao động cho phép NSDLĐ được quyền lựa chọn khi xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ khi NLĐ vi phạm vào một trong các trường hợp quy định tại Điều 125 Bộ Luật Lao động năm 2019 (BLLĐ 2019) và được cụ thể hóa trong bản Nội quy lao động.
Như vậy, về căn cứ pháp lý, để xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải thì hai yếu tố cần và đủ để NSDLĐ có thể áp dụng gồm:
- Hành vi vi phạm của NLĐ phải thuộc các trường hợp quy định tại Điều 125 BLLĐ 2019;
- Hành vi đó đã được quy định cụ thể tại bản Nội quy lao động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, khi xử lý kỷ luật lao động, NSDLĐ phải tuân thủ Điều 127 BLLĐ 2019, theo đó, cấm NSDLĐ xâm phạm thân thể NLĐ hoặc áp dụng các hình thức phạt tiền, cắt lương thay cho việc xử lý kỷ luật lao động. NSDLĐ còn phải tuân thủ quy định về các trường hợp NSDLĐ không được xử lý kỷ luật đối với NLĐ quy định tại khoản 2 Điều 122 BLLĐ 2019.
>> Xem thêm: Có được sa thải lao động nữ đang mang thai không?
Sa thải là hình thức xử lý kỷ luật lao động nặng nhất
Thế nào là nghỉ việc có lý do chính đáng?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 125 BLLĐ 2019, trường hợp nghỉ việc được coi là có lý do chính đáng bao gồm:
- Thiên tai, hỏa hoạn;
- Bản thân, nhân thân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
- Trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động
Bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền là trường hợp nghỉ việc có lý do chính đáng
Trường hợp sa thải người lao động tự ý bỏ việc
Điều kiện về lý do
- NLĐ tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng
- Hình thức kỷ luật sa thải được quy định áp dụng đối với hành vi tự ý bỏ việc trong bản Nội quy lao động.
CSPL: khoản 4 Điều 125 BLLĐ 2019
Hình thức kỷ luật sa thải đối với hành vi tự ý bỏ việc phải được quy định trong Nội quy lao động
Điều kiện về thủ tục
Bước 1: Xác định thời hiệu xử lý kỷ luật lao động (Điều 123 BLLĐ 2019);
Bước 2: Tạo chứng cứ chứng minh hành vi của NLĐ đã vi phạm kỷ luật lao động (ví dụ: bản chấm công, xác nhận của phòng nhân sự,…);
Bước 3: Đối chiếu hành vi vi phạm của NLĐ với nội quy lao động để xác định hình thức xử lý kỷ luật là sa thải;
Bước 4: Hoàn thiện bộ hồ sơ xử lý kỷ luật sa thải;
Bước 5: Xác định thẩm quyền xử lý kỷ luật sa thải;
Bước 6: Xác định thành phần tham dự phiên họp xử lý kỷ luật sa thải;
Thành phần bắt buộc: Tổng giám đốc hoặc người được ủy quyền; Đại diện ban chấp hành công đoàn cơ sở; Người lao động; Người đại diện theo pháp luật của NLĐ (trường hợp NLĐ chưa đủ 15 tuổi).
Phiên họp xử lý kỷ luật phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên
Bước 7: Thông báo cho NLĐ và các thành viên có liên quan tham dự phiên họp xử lý kỷ luật sa thải và xác nhận của NLĐ đã nhận được thông báo này;
Bước 8: Tổ chức phiên họp xử lý kỷ luật sa thải (Phải được ghi thành biên bản);
Bước 9: Ban hành quyết định xử lý kỷ luật sa thải;
Bước 10: Gửi quyết định xử lý kỷ luật sa thải đến các thành phần tham dự họp.
CSPL: Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
>>>Xem thêm: Quy Trình Xử Lý Kỷ Luật Sa Thải Nhân Viên
Thông báo về hành vi tự ý bỏ việc của người lao động
Đây không phải là một thủ tục bắt buộc trong quy trình xử lý kỷ luật lao động. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro không đáng có dẫn đến tranh chấp, việc thông báo cho NLĐ biết về hành vi vi phạm của mình cũng là một bước để thủ tục xử lý kỷ luật lao động được chặt chẽ hơn.
Thông báo cho NLĐ biết về hành vi vi phạm để tránh những rủi ro không đáng có
Thông báo có thể được gửi dưới dạng văn bản giấy hoặc thư điện tử, nội dung nhằm xác nhận hành vi tự ý bỏ việc của NLĐ. Nội dung cần có đầy đủ căn cứ theo quy định của pháp luật về việc xử lý kỷ luật lao động và nội quy lao động của doanh nghiệp, hành vi vi phạm của NLĐ (cụ thể thời gian, căn cứ vào bảng chấm công, xác nhận của phòng nhân sự,…).
Luật sư tư vấn sa thải nhân viên tự ý bỏ việc
Luật sư tư vấn trong trường hợp sa thải nhân viên tự ý bỏ việc có thể thực hiện các công việc sau:
- Xem xét hợp đồng lao động của nhân viên để hiểu rõ các điều khoản và điều kiện liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng
- Nghiên cứu và phân tích các quy định pháp luật và quyền lợi lao động áp dụng trong quốc gia hoặc khu vực nơi công ty hoạt động.
- Hướng dẫn và tư vấn về quy trình sa thải đúng theo quy định pháp luật và hợp đồng lao động.
- Tư vấn xử lý tranh chấp lao động, hướng dẫn đàm phán, thương lượng theo quy định pháp luật.
- Tư vấn về các quyền lợi tiền lương, phúc lợi hoặc các khoản đền bù khác mà nhân viên có thể có quyền nhận sau khi nghỉ việc.
Lưu ý rằng các quy định và quy trình có thể thay đổi tùy theo từng trường hợp và quốc gia. Việc tìm kiếm sự tư vấn từ luật sư hoặc chuyên gia pháp lý về lao động là một ý kiến tốt để đảm bảo tuân thủ đúng quy trình và luật pháp cụ thể. Trên đây là bài viết chi tiết vềsa thải nhân viên tự ý bỏ việc. Nếu bạn đọc còn bất kỳ vấn đề thắc mắc hoặc chưa rõ liên quan đến vấn đề này cần được tư vấn, vui lòng liên hệ theo hotline: 1900.63.63.87 để được tư vấn luật lao động chi tiết. Xin cảm ơn.
>>>Bài viết có thể bạn quan tâm: