Luật Lao Động

Hướng dẫn người lao động khiếu nại, tố cáo khi bị chèn ép buộc thôi việc

Thủ tục khiếu nại, tố cáo khi bị chèn ép thôi việc được người lao động thực hiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trước hành vi sai phạm của người sử dụng lao động. Nhằm tháo gỡ những bức xúc của người lao động liên quan đến vấn đề này, chúng tôi xin tư vấn một số thông tin về hướng giải quyết dưới bài viết sau.

Người lao động bị buộc thôi việc mà không có lý do chính đáng

Các trường hợp người sử dụng lao động được quyền cho thôi việc

Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

Căn cứ theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Lao động 2019, các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động gồm:

  • Hết hạn hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này;
  • Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng;
  • Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;
  • Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
  • Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
  • Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
  • Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
  • Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.
  • Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.
  • Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.
  • Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
  • Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.

>>Xem thêm: Điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mới nhất 2021

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người sử dụng lao động

Căn cứ theo quy định tại Điều 36 Bộ luật lao động 2019, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau:

1. Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

2. Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà khả năng lao động chưa hồi phục.

  • Đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn
  • Đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng
  • Quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng
  • Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

3. Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;

4. Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;

5. Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

6. Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

7. Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

luat su tu van luat lao dong
Giải quyết tranh chấp lao động bằng cách thức nào?
Người lao động có quyền khiếu nại đối với quyết định cho thôi việc trái pháp luật

Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

  • Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

  • Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

  • Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

  • Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này hoặc Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên thì người sử dụng lao động không phải báo trước cho người lao động.

Như vậy, những trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động mà không có lý do chính đáng nêu trên thì đều bị xem là hành vi chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Ngoài ra, pháp luật lao động còn quy định về các trường hợp người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, người sử dụng lao động phải gánh chịu hậu quả pháp lý theo quy định của pháp luật lao động đồng thời thực hiện các nghĩa vụ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động như chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc, trợ cấp thôi việc và các khoản tiền khác do các bên thỏa thuận.

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng

>Chi tiết mời quý bạn đọc xem tại: Công ty có quyền cho người lao động nghỉ việc khi chưa hết hợp đồng?

Thủ tục khiếu nại hành vi, quyết định cho thôi việc

Căn cứ theo các quy định tại Chương II, Nghị định số 24/2018/NĐ-CP, thủ tục khiếu nại hành vi, quyết định cho thôi việc được thực hiện như sau:  

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại:

  • Khiếu nại lần đầu: Người sử dụng lao động giải quyết
  • Khiếu nại lần hai: Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

Nội dung đơn khiếu nại:

  • Tên, địa chỉ cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại;
  • Họ tên, địa chỉ, Số CMND của người khiếu nại;
  • Tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức bị khiếu nại;
  • Khiếu nại lần đầu hoặc lần hai đối với quyết định hành chính gì, hành vi hành chính của ai?
  • Nội dung và lý do khiếu nại;
  • Yêu cầu của người khiếu nại.

Chứng cứ kèm theo đơn khiếu nại bao gồm: Hợp đồng lao động, quyết định cho thôi việc, thiệt hại vật chất, tinh thần do hành vi chèn ép thôi việc trái pháp luật gây ra,..

Thời hạn giải quyết khiếu nại:

  • Giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày ( đối với vụ việc phức tạp không quá 45 ngày) kể từ ngày thụ lý;
  • Giải quyết khiếu nại lần hai trong thời hạn 30 ngày (đối với vùng sâu, vùng sa không quá 45 ngày) nếu giải quyết khiếu nại lần đầu không thành.

Thủ tục tố cáo hành vi, quyết định cho thôi việc

Căn cứ theo các quy định tại Mục 2 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP, Điều 30 Luật tố cáo 2018 quy định về thủ tục tố cáo như sau:

Thẩm quyền giải quyết tố cáo: Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

Nội dung đơn tố cáo:

  • Tên, địa chỉ cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo;
  • Họ tên, địa chỉ, Số CMND của người tố cáo;
  • Tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức bị tố cáo;
  • Nội dung và lý do tố cáo;
  • Yêu cầu của người tố cáo.

Chứng cứ kèm theo đơn tố cáo: Các căn cứ chứng minh thiệt hại về vật chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật gây ra; hợp đồng lao động, quyết định cho thôi việc trái pháp luật.

Thời hạn giải quyết tố cáo:  Thời gian ra Quyết định giải quyết tố cáo là 60 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý (đối với vụ việc phức tạp không quá 90 ngày).

khieu nai hanh vi sa thai nguoi lao dong trai quy dinh phap luat
Mẫu đơn khiếu nại hành vi, quyết định cho nghỉ việc trái luật

Thủ tục khởi kiện tranh chấp lao động

Trong trường hợp thủ tục khiếu nại, tố cáo chưa giải quyết được hết yêu cầu thì người lao động có quyền khởi kiện ra Tòa án giải quyết. Căn cứ theo các quy định tại Chương XIV BLLĐ 2019, thủ tục khởi kiện tranh chấp lao động được tiến hành như sau:

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện

Bước 2: Tòa án tiến hành thụ lý đơn khởi kiện

Bước 3: Thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử

Bước 4: Mở phiên Tòa sơ thẩm (nếu hòa giải không thành)

Lưu ý, tại điểm a Khoản 1 Điều 188 BLLĐ 2019, đối với các tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải. Nhưng các bên nên tận dụng giải quyết thông qua cơ quan này vì thời gian giải quyết nhanh gọn trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp và có thể thương lượng, đi đến thống nhất về việc bồi thường cho các bên.

Thu thập và lưu giữ bằng chứng về việc bạn bị chèn ép buộc thôi việc. Điều này có thể bao gồm email, tin nhắn, ghi âm, hợp đồng lao động, hoặc bất kỳ tài liệu nào liên quan đến tình huống của bạn. Chúng sẽ làm bằng chứng hữu ích để chứng minh việc bạn bị đối xử không công bằng. Nếu bạn đọc còn bất kỳ vấn đề thắc mắc hoặc chưa rõ liên quan đến vấn đề này cần được tư vấn, vui lòng liên hệ theo hotline: 1900.63.63.87 để được tư vấn luật lao động chi tiết. Xin cảm ơn.

4.8 (13 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 754 bài viết