Luật Đất Đai

Kiện đòi bồi thường khi đất bị lấy đào thành hố sâu, không thể sử dụng

Yêu cầu bồi thường khi đất bị lấy đào thành hố sâu, không thể sử dụng là kiện đòi bồi thường thiệt hại về tài sản để đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất khi đất bị xâm phạm. Khi nào được kiện đòi tài sản, làm như thế nào để kiện đòi bồi thường là những vấn đề mà người có đất bị thiệt hại phải biết khi khởi kiện. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ tư vấn cụ thể những vấn đề vừa nêu và các vấn đề khác liên quan tới khởi kiện đòi bồi thường.

dat bi lay dao thanh ho sau
Khi lấy đất của người khác đào hố phải bồi thường thiệt hại cho chủ mảnh đất

Bồi thường thiệt hại khi tài sản bị xâm phạm

Bồi thường thiệt hại khi tài sản bị xâm phạm là quyền của người bị thiệt hại để được bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của mình liên quan tới tài sản. Bên có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại có nghĩa vụ phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.

Các thiệt hại khi tài sản bị xâm phạm được quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự 2015:

  • Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
  • Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
  • Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
  • Thiệt hại khác do luật quy định

Các thiệt hại chính là cơ sở để làm căn cứ phát sinh trách nhiệm ngoài hợp đồng. Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gồm:

  • Có hành vi trái pháp luật
  • Có thiệt hại thực tế xảy ra
  • Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.

Đối với hành vi lấy đất của người khác đào thành hố sâu khiến người khác không thể sử dụng thì đây là hành vi trái pháp luật vì đất đai là tài sản của người khác, những người không có quyền sử dụng đất không được chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của người khác theo quy định tại Điều 12 Luật Đất đai 2013.

Việc lấy đất đào thành hố sâu không thể sử dụng dẫn đến tài sản bị hủy hoại, lợi ích gắn liền với việc sử dụng khai thác đất giảm sút và hậu quả gây ra thiệt hại thực tế tới chủ mảnh đất nên bên thực hiện hành vi này phải có nghĩa vụ bồi thường cho bên bị thiệt hại về cả tài sản bị thiệt hại cũng như những thiệt hại trong khoảng thời gian người bị thiệt hại không thể sử dụng đất.

Mức bồi thường khi đất bị lấy đào thành hố sâu, không thể sử dụng

yeu cau boi thuong khi dat bi nguoi khac dao thanh ho sau
Mức bồi thường thiệt hại do các bên thỏa thuận

Dựa trên Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015, nguyên tắc bồi thường thiệt hại là:

  • Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.
  • Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  • Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
  • Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
  • Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
  • Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Dựa trên nguyên tắc này, bên bị thiệt hại có thể thỏa thuận mức bồi thường dựa trên những thiệt hại thực tế của mình trừ các trường hợp được pháp luật quy định khác:

  • Thiệt hại về đất do tài sản bị hủy hoại;
  • Thiệt hại về lợi ích vì mảnh đất bị hủy hoại khiến cho chủ mảnh đất trong khoảng thời gian không thể sử dụng đất, lợi ích từ việc khai thác mảnh đất bị mất.

Ngoài đòi về các khoản bồi thường trên, người bị thiệt hại có thể yêu cầu bên gây thiệt hại khôi phục lại tình trạng ban đầu của mảnh đất theo Điều 185 Bộ luật dân sự 2015.

Khởi kiện đòi bồi thường khi đất bị lấy đào thành hố sâu, không thể sử dụng

Hồ sơ khởi kiện

Hồ sơ khởi kiện bao gồm:

  • Đơn khởi kiện. Trong đó nội dung đơn thể hiện yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại về tài sản;
  • Các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm;
  • Bản sao hợp lệ các loại giấy tờ: Giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, hộ chiếu và sổ hộ khẩu.

Nội dung của đơn khởi kiện phải bao gồm những phần được nêu tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
  • Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện: Tòa án nơi có đất tranh chấp;
  • Thông tin của nguyên đơn, bị đơn và những người có lợi ích liên quan: tên, nơi cư trú, nơi làm việc, số điện thoại, fax hoặc địa chỉ thư điện tử;
  • Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
  • Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Thủ tục khởi kiện đòi bồi thường

kiện đòi bồi thường khi đất bị lấy đào thành hố sâu, không thể sử dụng là giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về Tòa án theo khoản 6 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ đã nêu ở phần trên, người bị thiệt hại tiến hành nộp đơn cho Tòa án qua các cách như nộp trực tiếp, nộp qua đường bưu điện. Khi nhận được đơn thì Tòa án sẽ tiến hành xem xét đơn khởi kiện:

  • Tòa án xem xét đơn khởi kiện trong vòng 03 ngày;
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán tiến hành xem xét đơn khởi kiện và ra một trong số các quyết định: yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện nếu đơn khởi kiện chưa hợp lệ; thụ lý vụ án; chuyển đơn khởi kiện cho Tòa có thẩm quyền; trả lại đơn khởi kiện và nêu rõ lý do.
  • Sau khi ra quyết định, Tòa án thông báo với người nộp đơn để người nộp đơn có thể bổ sung hồ sơ khởi kiện hoặc tiến hành đóng án phí.
  • Sau khi vụ án được thụ lý (người nộp đơn đã đóng án phí), Tòa án phải tiến hành quá trình chuẩn bị xét xử trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày thụ lý.
  • Sau nghiên cứu hồ sơ, tài liệu chứng cứ mà các bên đương sự cung cấp hoặc do tự mình thu thập, Thẩm phán sẽ mở phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án.

Đối với khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thời hiệu khởi kiện là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm theo Điều 588 Bộ luật dân sự 2015.

Trên đây là bài viết tư vấn về kiện đòi bồi thường thiệt hại của chúng tôi. Để có thể được tư vấn chi tiết các vấn đề liên quan tới giải quyết tranh chấp đất đai hoặc các thủ tục khởi kiện, quý bạn đọc vui lòng lòng liên hệ qua hotline của chúng tôi – 1900 63 63 87 để được hỗ trợ. Xin cảm ơn./.

 

4.6 (11 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết