Luật Hình Sự

Hướng xử lý khi người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam

Người nước ngoài định cư tại Việt Nam là hệ quả của nền kinh tế hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, hướng xử lý khi người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam là một vấn đề rất phức tạp vì nó liên quan đến mối quan hệ ngoại giao của các quốc gia. Trong phạm vi bài viết dưới đây, Chuyên tư vấn luật sẽ phân tích những hướng xử lý, những hình phạt dành riêng cho người nước ngoài và thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam đối với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam.

Người nước ngoài phạm tội có bị xử lý như công dân Việt Nam?

>>>Xem thêm: Giải quyết vụ án ly hôn của người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Người phạm tội thuộc đối tượng miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự

  • Người phạm tội thuộc đối tượng hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế. vấn đề trách nhiệm hình sự của người phạm tội được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế có liên quan.
  • Nếu điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của người phạm tội được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Căn cứ: khoản 2 Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

Người phạm tội không thuộc đối tượng miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự

Trong trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao như quy định nêu trên thì người nước ngoài phạm tội vẫn phải chịu hình phạt giống như công dân Việt Nam phạm tội theo pháp luật Việt Nam

Tùy thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, hậu quả của hành vi mà người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam sẽ bị các hình thức xử lý khác nhau theo Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

Các hình phạt dành riêng cho người nước ngoài phạm tội

Trục xuất

Trục xuất là hình phạt đặc thù nhất dành riêng cho người phạm tội là người nước ngoài.

Cụ thể, theo Điều 37 Bộ luật Hình sự, trục xuất là việc buộc người nước ngoài đã bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trục xuất có thể được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung tùy từng trường hợp cụ thể.

Quyền, nghĩa vụ của người bị trục xuất

Điều 8 Nghị định 112/2013/NĐ-CP quy định các quyền và nghĩa vụ của người bị trục xuất như sau:

  • Được biết lý do bị trục xuất, nhận quyết định trục xuất chậm nhất là 48 giờ trước khi thi hành;
  • Được liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước mình để được bảo vệ, trợ giúp;
  • Được thực hiện các chế độ ăn, mặc, sinh hoạt riêng trong thời gian chờ làm thủ tục trục xuất;
  • Được mang theo tài sản hợp pháp ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
  • Được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Người bị trục xuất có nghĩa vụ

  • Thực hiện đầy đủ các quy định trong quyết định trục xuất;
  • Xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh;
  • Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan Công an trong thời gian làm thủ tục trục xuất;
  • Nhanh chóng chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật (nếu có);
  • Hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Những trường hợp người nước ngoài bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam

>>>Xem thêm: Cho người nước ngoài góp vốn chung mua đất có phạm luật không?

Dẫn độ

Trong trường hợp quốc gia có công dân phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam có văn bản yêu cầu dẫn độ người nước ngoài về nước để xử lý thì tùy từng tình huống cụ thể mà cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền tại Việt Nam có thể đồng ý hoặc không đồng ý dẫn độ.

Cụ thể, tại Điều 35 Luật tương trợ tư pháp 2007 quy định: Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể:

  • Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án;
  • Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.

Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 35 Luật tương trợ tư pháp 2007.

Dẫn độ-hình phạt riêng dành cho người nước ngoài phạm tội

Xét xử và thi hành án

Thẩm quyền và thủ tục ra quyết định thi hành án bản án hình sự quy định tại Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể như sau:

  • Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.
  • Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án.

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì quyết định thi hành án phạt tù phải ghi rõ trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người đó phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thi hành án.

>>>Xem thêm: Thủ tục khởi kiện tranh chấp nhà cho ở nhờ trước khi xuất cảnh ra nước ngoài

Quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam

Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 268 BLTTHS năm 2015 thì: “Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài”.

Theo đó,  tình tiết “ở nước ngoài” trong quy định “bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài” có thể được hiểu là bị cáo, bị hại, đương sự là người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ án.

Theo quy định trên, các vụ án về người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam do Tòa án cấp tỉnh thụ lý giải quyết sơ thẩm do có nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến yếu tố ngoại giao, liên quan đến xác định chính xác nhân thân của người phạm tội,…

Trên đây là tư vấn về Hướng xử lý khi người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam. Quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn Luật Hình sự nhanh nhất và kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

5 (12 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết