Luật Hôn Nhân Gia Đình

Hướng xử lý đối với hành vi bạo hành con riêng của vợ hoặc chồng

Con riêng của vợ hoặc chồng cũng được coi là thành viên trong gia đình. Người thực hiện hành vi bạo hành, đánh đập con riêng cũng phải chịu trách nhiệm theo các tội về “xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình”. Như vậy, hướng xử lý đối với hành vi bạo hành con riêng của vợ hoặc chồng là gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc trên.

Hướng xử lý đối với hành vi bạo hành con riêng của vợ hoặc chồng

Trách nhiệm hành chính

Hành vi bạo hành con riêng của vợ hoặc chồng thông thường chỉ bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, trừ khi ở mức độ nghiêm trọng thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự Theo Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hành vi bạo hành ngược đãi con riêng của vợ, chồng

  • Bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng
  • Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
  1. a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
  2. b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
Ngược đãi, bạo hành con

>>>Xem thêm: Cha mẹ có hành vi bạo hành con cái sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trách nhiệm hình sự

Trường hợp hành vi đã bị xử lý hành chính mà vẫn còn vi phạm, hoặc hành vi hành hạ, ngược đãi gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm cho người bị hành hạ bị giày vò về tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ tinh thần, bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe. Khi đó, hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi bạo hành, ngược đãi con riêng của vợ, chồng được quy định tại Điều 185 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

  • Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể con mà thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
  • Bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
  1. a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
  2. b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

Cần lưu ý rằng: nếu hành vi đánh đập, hành hạ được thực hiện với lỗi cố ý thì tùy từng trường hợp cụ thể (mục đích, hậu quả thực tế) mà người đó có thể bị truy cứu hình sự về các tội như: tội cố ý gây thương tích; tội bức tử; tội giết người… với các hình phạt tương ứng.

Nghĩa vụ bồi thường dân sự

Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định tại Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015. Trường hợp bạo hành gây thiệt hại về sức khỏe được bồi thường theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

  • Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
  • Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
  • Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Trường hợp bạo hành gây thiệt hại về tính mạng được bồi thường theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015:

  • Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
  • Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
  • Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

>>>Xem thêm: Pháp luật quy định như thế nào về bạo hành gia đình?

Thủ tục tố giác, trình báo, khởi kiện

Thủ tục tố giác, trình báo: Hành vi ngược đãi, bạo hành con riêng của vợ hoặc chồng có dấu hiệu tội phạm khi gây hậu quả nghiêm trọng khiến nạn nhân bị tổn hại về sức khỏe. Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, cá nhân có quyền tố giác về tội phạm với cơ quan có thẩm quyền theo Khoản 1 Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Bước 1: Xác định cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo Căn cứ Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC các cơ quan sau có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:

  • Cơ quan điều tra; Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trừ Đội An ninh Công an cấp huyện
  • Viện kiểm sát các cấp
  • Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

Bước 2: Công dân đến trình báo tại các cơ quan kể trên Công dân có thể trình báo bằng lời (trực tiếp hoặc gọi điện thoại) hoặc bằng văn bản (gửi trực tiếp đến các cơ quan hoặc gửi qua đường bưu điện) theo khoản 4 Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 Khi tố giác, báo tin về tội phạm tới cơ quan có thẩm quyền, cá nhân, cơ quan, tổ chức tố giác, báo tin về tội phạm cần cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu và trình bày rõ những hiểu biết của mình liên quan đến tội phạm mà mình tố giác, báo tin. Bước 3: Theo dõi kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

  • Khi hết thời hạn 03 ngày kể từ ngày tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà chưa nhận được thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
  • Khi hết thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự mà chưa nhận được văn bản thông báo kết quả giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Thủ tục khởi kiện: Điều 13 Bộ luật dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Do đó, nếu một người bị xâm phạm quyền dân sự như quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe có quyền yêu cầu người gây ra thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Hai bên có quyền thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại tuy nhiên, nếu không thỏa thuận được thì người bị thiệt hại có thể thực hiện thủ tục khởi kiện đòi bồi thường. Giấy tờ cần chuẩn bị Hồ sơ khởi kiện bao gồm các giấy tờ sau:

  • Đơn khởi kiện (Theo mẫu số 23-DS Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP)
  • Chứng cứ, tài liệu kèm theo để chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (giấy giám định thương tật do hành vi bạo hành gây ra…)
  • Hộ khẩu, chứng minh nhân dân.
  • Hồ sơ liên quan đến người khởi kiện, đương sự và người có liên quan.

Trình tự giải quyết

  • Người khởi kiện nộp đơn đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết
  • Tòa án nhận và xử lý đơn khởi kiện
  • Nộp tạm ứng án phí có giá ngạch theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.
  • Tòa án kiểm tra, đánh giá hồ sơ, chuẩn bị xét xử.
  • Tòa án mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm (nếu có)
  • Tòa án ban hành bản án/quyết định. Bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật và quyền, nghĩa vụ của các bên trong bản án phát sinh khi không có kháng cáo, kháng nghị.
Mẫu đơn tố giác tội phạm
Mẫu đơn tố giác tội phạm

>>>Xem thêm: Thời hạn giải quyết đơn tố giác tội phạm là bao lâu?

Trên đây là tư vấn về hướng xử lý đối với hành vi bạo hành con riêng của vợ hoặc chồng. Quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn luật hình sự nhanh nhất và kịp thời. Xin cảm ơn! *Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.7 (16 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 755 bài viết