Luật Doanh Nghiệp

Hướng giải quyết hợp đồng được ký trước khi doanh nghiệp được thành lập có tranh chấp

Hướng giải quyết hợp đồng được ký trước khi doanh nghiệp được thành lập có tranh chấp. Người thành lập doanh nghiệp có thể ký kết các hợp đồng trước khi doanh nghiệp thành lập chính thức. Như vậy, các hợp đồng được ký kết trước khi doanh nghiệp thành lập thuộc quyền và nghĩa vụ của ai ? Doanh nghiệp có phải chịu trách nhiệm gì liên quan không?  Bài viết dưới đây sẽ giải đáp vấn đề này. 

Hợp đồng được ký kết trước khi doanh nghiệp được thành lập

Hợp đồng được ký kết trước khi doanh nghiệp được thành lập

Mục đích ký kết hợp đồng

Vì mục đích thành lập và hoạt động của doanh nghiệp

Theo khoản 1 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2020 thì người thành lập doanh nghiệp được ký hợp đồng phục vụ cho việc thành lập, hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.

Mục đích ký các hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp này nhằm để ổn định, chuẩn bị kĩ lưỡng cho việc thành lập, đảm bảo sự hoạt động của doanh nghiệp trong thời điểm trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Hợp đồng trước đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể gồm những dạng sau:

  • Là những hợp đồng được ký kết trước khi đăng ký kinh doanh liên quan đến hoạt động phục vụ cho việc thành lập, hoạt động công ty ví dụ như: Hợp đồng thuê trụ sở, Hợp đồng dịch vụ pháp lý với văn phòng/công ty luật để thực hiện thủ tục thành lập công ty,…
  • Là các hợp đồng, giao dịch khác liên quan đến hoạt động của công ty: Hợp đồng thỏa thuận góp vốn, Hợp đồng thỏa thuận về quản lý điều hành,…

>>>Xem thêm: Thủ Tục Giải Quyết Tranh Chấp Hợp Đồng Kinh Tế

Không vì mục đích thành lập và hoạt động của doanh nghiệp

Trong trường hợp hợp đồng được người thành lập công ty ký kết nhưng không phải để phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước khi đăng ký kinh doanh thì sẽ không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp 2020 mà thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Lúc này việc chịu trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng hoàn toàn là của cá nhân đứng ra ký kết.

Trách nhiệm pháp lý khi doanh nghiệp được cơ quan chấp thuận thủ tục đăng ký

Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, theo khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp đã ký kết và các bên phải thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác.

Có thể thấy quy định này là hoàn toàn hợp lý bởi vì suy cho cùng, mục đích của hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp là để phục vụ lợi ích cho doanh nghiệp. Vì vậy khi doanh nghiệp đã được công nhận trước pháp luật, doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng nhân danh chính mình.

Các bên tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng

Các bên tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng

>>>Xem thêm: Hướng dẫn giải quyết tranh chấp giao dịch đổi đất

Trách nhiệm pháp lý khi doanh nghiệp không được cơ quan chấp thuận thủ tục đăng ký

Trường hợp doanh nghiệp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, theo khoản 3 Luật Doanh nghiệp 2020, người ký kết hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng; trường hợp có người khác tham gia thành lập doanh nghiệp thì cùng liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của bên còn lại khi giao kết hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp, tức là quyền và nghĩa vụ của họ vẫn được đảm bảo dù công ty có được thành lập hay không.

Hướng giải quyết tranh chấp hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp

Thông qua thương lượng

Thương lượng là phương thức đầu tiên trong quá trình tiến hành giải quyết tranh chấp. Đây là hình thức giải quyết tranh chấp không chính thức, không có sự can thiệp của bất kỳ cơ quan nhà nước hay bên thứ ba nào. Thương lượng thể hiện quyền tự do thỏa thuận và tự do định đoạt của các bên. Theo đó, các bên cùng bàn bạc, thảo luận về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên nhằm đưa ra biện pháp, phương hướng giải quyết tranh chấp.

Lựa chọn giải quyết tranh chấp hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp thông qua thương lượng có những ưu và nhược điểm sau:

  • Ưu điểm: không đòi hỏi thủ tục phức tạp, không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý, hạn chế tối đa chi phí cho các bên và có thể duy trì khả năng hợp tác, ít phương hại đến mối quan hệ giữa các bên.
  • Nhược điểm: khi một hoặc cả hai bên không có thái độ nỗ lực hợp tác, thiếu sự thiện chí, trung thực trong quá trình thương lượng thì khả năng thành công là rất thấp, kết quả thương lượng thường bế tắc và kết quả thương lượng không được đảm bảo bằng cơ chế pháp lí mang tính bắt buộc.

Thông qua hòa giải

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp đã phát sinh. Hòa giải không nhằm phân định ai đúng, ai sai trên cơ sở các bằng chứng và quyền, nghĩa vụ pháp lý để ra phán quyết như Trọng tài hay Tòa án, do đó bên thứ ba cũng không đưa ra các giải pháp mà chỉ giúp các bên thương lượng tìm được lợi ích chung, hướng đến giải pháp mà cả hai bên đều chấp nhận và tự nguyện tuân thủ.

Lựa chọn giải quyết tranh chấp hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp thông qua hòa giải có những ưu và nhược điểm sau:

  • Ưu điểm: đơn giản, nhanh chóng, ít tốn kém, các bên hòa giải thành thì không có kẻ thắng người thua nên sẽ không gây ra tình trạng đối đầu giữa các bên, vì vậy duy trì được quan hệ hợp tác vốn có giữa các bên.
  • Nhược điểm: hòa giải có thể không được tiến hành nếu như không có sự đồng ý của các bên và kết quả hòa giải không được bảo đảm bằng cơ chế pháp lý mang tính bắt buộc.

Thông qua Tòa án

Thủ tục thủ lý

Khi tranh chấp hợp đồng ký trước đăng ký doanh nghiệp phát sinh, nếu các bên không tự thương lượng, hòa giải với nhau thì có thể được giải quyết tại Tòa án.  Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng của Tòa án được xác định theo 04 bước:

  • Bước 1: Thẩm quyền theo vụ việc
  • Bước 2: Thẩm quyền theo cấp xét xử
  • Bước 3: Thẩm quyền theo lãnh thổ
  • Bước 4: Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn

Sau khi xác định đúng thẩm quyền giải quyết thì Tòa án có thẩm quyền nhận đơn khởi kiện và xem xét đơn khởi kiện. Trường hợp đơn khởi kiện hợp lệ thì Tòa án thông báo cho nguyên đơn về việc nộp lệ phí và tiền tạm ứng án phí. Sau khi nhận được biên lai phí và tiền tạm ứng án phí thì Tòa án sẽ thụ lý vụ án. Tòa án sau đó giải quyết tranh chấp theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định.

Giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án

Giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án

>>>Xem thêm: Giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Thông tin liên hệ Luật sư

Trên đây là tư vấn về Hướng giải quyết hợp đồng được ký trước khi doanh nghiệp được thành lập có tranh chấp. Quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT DOANH NGHIỆP nhanh nhất và kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.7 (10 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 719 bài viết