Việc vay tiền bằng giấy không ghi thời hạn trả thường diễn ra giữa những người quen biết, thân thiết nhau. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro khi không xác định thời hạn trả tiền. Phải làm gì khi phát sinh tranh chấp về thời hạn yêu cầu trả tiền? Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ làm rõ về vấn đề này.
Mục Lục
Quy định pháp luật về hợp đồng vay tiền
- Hợp đồng vay tiền có bản chất là hợp đồng vay tài sản.
- Trong đó, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
- Như vậy, “giấy viết tay” vay tiền, “giấy nợ” vẫn được xem là một hợp đồng CÓ HIỆU LỰC và có giá trị pháp lý.
- Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó. Tức là, bên vay được quyền sở hữu và tùy ý định đoạt số tiền đã vay. Nghĩa vụ quan trọng nhất mà bên vay phải thực hiện là trả đúng, đủ số tiền cho bên cho vay khi đến thời hạn.
Căn cứ: Điều 385, Điều 463 – 467 Bộ luật Dân sự năm 2015
Vay tiền bằng giấy không ghi thời hạn có hợp pháp không?
Hiện nay, hợp đồng vay gồm hai loại: Hợp đồng vay không không kỳ hạn và hợp đồng vay có kỳ hạn.
Hợp đồng vay không kỳ hạn gồm:
- Hợp đồng vay không kỳ hạn có lãi suất;
- Hợp đồng vay không kỳ hạn không lãi suất.
Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, nếu không có thỏa thuận khác.
Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.
Như vậy, đối với việc vay tiền bằng giấy không ghi thời hạn, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay trả nợ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, phải thông báo cho bên vay biết trước một thời gian hợp lý để bên vay có thể xoay xở, chuẩn bị số tiền để trả cho bên vay.
Việc xác định khoảng thời gian hợp lý dựa vào các yếu tố như:
- Điều kiện của bên vay;
- Giá trị số tiền vay.
Căn cứ: Điều 468, 469 và 470 Bộ luật Dân sự năm 2015
Cách thức xử lý đối với hợp đồng vay không có kỳ hạn
- Tranh chấp liên quan hoặc phát sinh từ hợp đồng vay không có kỳ hạn (bên vay không trả, bên cho vay không báo trước mà đòi nợ,…) là một tranh chấp dân sự. Do đó, trước tiên, việc giải quyết ưu tiên phương pháp thương lượng, hòa giải.
- Việc các bên có thể tự thương lượng, hòa giải có thể giúp giữ được mối quan hệ vốn có giữa bên vay và bên cho vay. Đồng thời tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của các bên.
- Tuy nhiên, trong trường hợp các bên không thể tự thỏa thuận được. Các bên có quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.
Thủ tục khởi kiện đối với tranh chấp phát sinh từ giấy vay không ghi thời hạn trả
1. Người khởi kiện gửi hồ sơ khởi kiện gồm đến Tòa án có thẩm quyền, gồm:
- Đơn khởi kiện (phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015);
- Bản sao các giấy tờ chứng minh nhân thân người khởi kiện;
- Các tài liệu, chứng cứ khác hiện có để chứng minh yêu cầu khởi kiện.
2. Tòa án có trách nhiệm đưa cho người khởi kiện giấy xác nhận đã nhận đơn.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện có đủ điều kiện thụ lý hay không.
Đồng thời, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện để người khởi kiện đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí.
5. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Khi đó, Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án và giải quyết vụ án theo đúng pháp luật.
CSPL: Điều 189-195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
Như vậy, qua bài viết này, mong quý độc giả nắm được hướng xử lý khi có tranh chấp Vay tiền bằng giấy không ghi thời hạn. Nếu Quý bạn đọc có thắc mắc về vấn đề trên hoặc muốn được tư vấn trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Chuyên Tư Vấn Luật qua hotline 1900 63 63 87.