Luật Hợp Đồng

Người Thuê Nhà Không Chịu Trả Nhà Xử Lý Như Thế Nào?

Hợp đồng thuê nhà ở là một dạng cụ thể của hợp đồng thuê tài sản được quy định tại Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015, là sự thỏa thuận giữa bên thuê và bên cho thuê nhà. Theo đó, bên cho thuê giao nhà cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê nhà. Vậy khi hợp đồng thuê nhà chấm dứt nhưng người thuê nhà không chịu trả nhà thì phải làm sao?

Xử lý khi người thuê nhà không chịu trả nhà

Các trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê nhà

Căn cứ Khoản 2 Điều 131 Luật Nhà ở 2014 thì các trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê nhà không thuộc sở hữu Nhà nước, bao gồm:

  • Hợp đồng thuê nhà ở hết hạn; trường hợp trong hợp đồng không xác định thời hạn thì hợp đồng chấm dứt sau 90 ngày, kể từ ngày bên cho thuê nhà ở thông báo cho bên thuê nhà ở biết việc chấm dứt hợp đồng.
  • Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.
  • Nhà ở cho thuê không còn.
  • Bên thuê nhà ở chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà khi chết, mất tích không có ai đang cùng chung sống.
  • Nhà ở cho thuê bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa nhà ở hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở cho thuê thuộc diện bị Nhà nước trưng mua, trưng dụng để sử dụng vào các mục đích khác.

Bên cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước 30 ngày về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở quy định tại điểm này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

  • Đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 132 của Luật Nhà ở 2014.

Như vậy, khi thuộc một trong các trường hợp trên thì người thuê nhà có nghĩa vụ phải trả lại nhà cho bên cho thuê.

Khi người thuê nhà không chịu trả nhà thì phải xử lý như thế nào?

Khi rơi vào các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 131 Luật nhà ở 2014 thì bên thuê nhà có nghĩa vụ trả lại nhà cho bên cho thuê, tuy nhiên, nếu người thuê nhà không chịu trả nhà thì xử lý như sau:

  • Theo Khoản 4, 5 Điều 482 Bộ luật Dân sự 2015 thì khi bên thuê chậm trả nhà thuê thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê trả lại nhà, trả tiền thuê trong thời gian chậm trả và phải bồi thường thiệt hạ. Ngoài ra, bên thuê phải trả tiền phạt vi phạm do chậm trả tài sản thuê, nếu có thỏa thuận và phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản thuê (nhà ở) trong thời gian chậm trả.
  • Trong trường hợp, bên cho thuê yêu cầu bên thuê trả lại nhà nhưng bên thuê nhà không chịu trả thì bên cho thuê có thể tố cáo ra chính quyền địa phương hoặc khởi kiện ra Tòa án nơi căn nhà tọa lạc để yêu cầu buộc bên thuê nhà trả lại nhà và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Thủ tục khởi kiện ra Tòa án yêu cầu trả nhà và bồi thường thiệt hại?

Thủ tục khởi kiện ra Tòa án yêu cầu trả nhà

Thủ tục khởi kiện ra Tòa án yêu cầu trả nhà

Khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết hợp pháp mà bên thuê vẫn không chịu trả nhà thì bên cho thuê có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết. Thủ tục khởi kiện được thực hiện như sau:

Thứ nhất, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi có bất động sản, cụ thể là nhà ở cho thuê theo Điểm c Khoản 1 Điều 59 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Thứ hai, hồ sơ cơ bản cần chuẩn bị gồm:

  • Đơn khởi kiện.
  • Bản photo chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu.
  • Bản photo hợp đồng thuê nhà.
  • Bản photo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề người thuê nhà không chịu trả nhà thì phải xử lý như thế nào. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn thêm hoặc đang rơi vào trường hợp trên, hãy liên hệ với Luật sư Hợp Đồng qua hotline 1900 63 63 87 để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất. Xin cảm ơn!

4.57 (18 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 724 bài viết