Luật Hợp Đồng

Thời điểm chuyển rủi ro trong các điều kiện giao hàng của incoterms

Thời điểm chuyển rủi ro trong các điều kiện giao hàng của incoterms là một điều kiện quan trọng mà những người mua bán quốc tế cần phải tìm hiểu để dễ dàng thực hiện việc mua bán trong mối quan hệ hợp đồng mua bán quốc tế. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn mọi người một cách cụ thể về các điều kiện giao hàng trong INCOTERMS.

Thời điểm chuyển rủi ro trong Incoterms 2020
Thời điểm chuyển rủi ro trong Incoterms 2020

Incoterms là gì?

Theo Incoterms 2020, Incoterms là 1 bộ gồm các điều kiện thương mại được viết tắt bằng ba chữ cái, thể hiện tập quán giao dịch giữa các doanh nghiệp trong các hợp đồng mua bán hàng hóa. Incoterms chủ yếu mô tả:

  • Nghĩa vụ: Người bán phải, người mua phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ nào. Ví dụ: ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc vận chuyển hàng hóa hay mua bảo hiểm, ai sẽ thông quan xuất khẩu,..
  • Rủi ro: Khi nào và tại địa điểm nào thì người bán chuyên rủi ro với hàng hóa sang cho người mua.
  • Chi phí: Bên nào phải trả các chi phí nào, ví dụ chi phí vận tải quốc tế, chi phí đóng gói hàng hóa, bốc dỡ hàng,…

Các điều kiện Incoterms mô tả sự phân chia các phần trên bằng 10 tiểu mục được đánh số bằng chữ cái  A, B và số từ 1 đến 10. Các mục A mô tả nghĩa vụ, rủi ro và chi phí người bán chịu, các mục B mô tả nghĩa vụ, rủi ro và chi phí người mua chịu.

>>Xem thêm: Những điểm mới của Incoterms 2020

Điều kiện giao hàng của Incoterms

Điều kiện sử dụng cho một hoặc nhiều phương thức vận tải

Đối với nhóm điều kiện giao hàng cho một hoặc nhiều phương thức vận tải, theo Incoterms 2020 liệt kê ra 7 điều kiện, cụ thể:

  • EXW – Giao tại xưởng
  • FCA – Giao hàng cho người chuyên chở
  • CPT – Cước phí trả tới
  • CIP – Cước phí và bảo hiểm trả tới
  • DAP – Giao hàng tại nơi đến
  • DPU – Giao hàng tại địa điểm dỡ hàng
  • DDP – Giao hàng đã thông quan nhập khẩu

Điều kiện áp dụng cho vận tải biển và vận tải thủy nội địa

Đối với nhóm điều kiện áp dụng cho vận tải biển và vận tải thủy nội địa, theo Incoterms 2020 liệt kê ra 4 điều kiện, cụ thể:

  • FAS – Giao dọc mạn tàu
  • FOB – Giao hàng trên tàu
  • CFR – Tiền hàng và cước phí
  • CIF – Tiền hàng, phí bảo hiểm và cước phí

Điều kiện giao hàng trong Incoterms 2020
Điều kiện giao hàng trong Incoterms 2020

Thời điểm chuyển rủi ro trong Incoterms

Trong điều kiện sử dụng cho một hoặc nhiều phương thức vận tải

Trong Incoterms 2020, thời điểm chuyển rủi ro được liệt kê một cách cụ thể trong từng điều kiện sử dụng cho một hoặc nhiều phương thức vận tải, cụ thể:

  • EXW: Giao hàng tại xưởng có nghĩa là hàng hóa được giao cho người mua khi người bán đặt hàng hóa dưới quyền định đoạt của người mua tại cơ sở của người bán hoặc tại một địa điểm được chỉ định (ví dụ nhà máy hoặc nhà kho, xưởng, v.v…). Địa điểm được chỉ định này không nhất thiết phải là một cơ sở của người bán. Khi giao hàng, người bán không có nghĩa vụ phải xếp hàng lên phương tiện vận tải do người mua chỉ định tới lấy hàng, không phải làm thủ tục hải quan xuất khẩu.
  • FCA: Giao hàng cho người chuyên chở có nghĩa là hàng hóa được giao cho người mua bằng hai cách: Cách thứ nhất, khi mà nơi giao hàng là cơ sở của người bán thì hàng hóa sẽ được giao khi chúng được xếp lên phương tiện vận tải do người mua chỉ định đến lấy hàng. Cách thứ hai, khi mà nơi giao hàng không phải cơ sở của người bán thì hàng hóa sẽ được giao khi chúng được đặt dưới quyền định đoạt của người chuyên chở hoặc một người khác do người mua chỉ định và trên phương tiện vận tải của người bán chở đến nơi giao hàng, sẵn sàng để dỡ xuống. Dù cho có giao hàng ở đâu, thì địa điểm giao hàng sẽ luôn là nơi mà rủi ro được chuyển giao cho người mua và kể từ thời điểm đó mọi chi phí sẽ do người mua chịu.
  • CPT: Cước phí trả tới có nghĩa là người bán giao hàng cho người chuyên chở hoặc người khác do người bán chỉ định tại một nơi thỏa thuận (nếu điểm đó đã được các bên thỏa thuận) và người bán phải ký hợp đồng và trả chi phí vận tải cần thiết để đưa hàng hóa tới địa điểm đến được chỉ định.
  • CIP: Cước phí và bảo hiểm trả tới có nghĩa là hàng hóa và rủi ro được chuyển cho người mua khi người bán giao hàng cho người chuyên chở hoặc một người khác do người bán chỉ định tại một nơi thỏa thuận (nếu điểm đó đã được các bên thỏa thuận) và người bán phải ký hợp đồng và trả chi phí vận tải cần thiết để đưa hàng hóa đến địa điểm được chỉ định. Ngoài ra người bán sẽ phải mua bảo hiểm cho hàng hóa.
  • DAP: Giao hàng tại nơi đến có nghĩa là người bán giao hàng khi hàng hóa được đặt dưới sự định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải và sẵn sàng để dỡ tại nơi đến quy định. Người bán chịu mọi rủi ro liên quan để đưa hàng hóa đến nơi quy định.
  • DPU: Giao hàng đã dỡ tại nơi đến có nghĩa là người bán giao hàng khi hàng hóa được đặt dưới sự định đoạt của người mua, đã dỡ xuống khỏi phương tiện vận tải tại nơi đến quy định. Người bán chịu mọi rủi ro liên quan để đưa hàng hóa đến nơi quy định và dỡ hàng xuống khỏi phương tiện vận tải.
  • DDP: Giao hàng đã thông quan nhập khẩu có nghĩa là người bán giao hàng khi đã thông quan nhập khẩu cho hàng hỏa, đặt hàng hóa dưới sự định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải và sẵn sàng để đỡ tại nơi đến quy định. Người bán chịu mọi rủi ro liên quan để đưa hàng hóa đến nơi quy định.

Trong các điều kiện áp dụng cho vận tải biển và vận tải thủy nội địa

Trong Incoterms 2020, thời điểm chuyển rủi ro được liệt kê một cách cụ thể trong từng điều kiện áp dụng cho vận tải biển và vận tải thủy nội địa, cụ thể:

  • FAS: Giao hàng dọc mạn tàu có nghĩa là hàng hóa được giao cho người mua khi hàng hóa được đặt dọc mạn con tàu do người mua chỉ định (ví dụ đặt trên cầu cảng hoặc trên xà lan) tại cảng giao hàng chỉ định. Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng của hàng hóa di chuyển khi hàng hóa đang ở dọc mạn tàu, và người mua chịu mọi chi phí và rủi ro kể từ thời điểm này.
  • FOB: Giao hàng lên tàu có nghĩa là người bán giao hàng lên con tàu do người mua chỉ định tại cảng xếp hàng chỉ định hoặc mua lại hàng hóa đã được giao như vậy. Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng của hàng hóa di chuyển khi hàng hóa được xếp lên tàu, và người mua chịu mọi chi phí kể từ thời điểm này trở đi.
  • CFR: Tiền hàng và cước phí có nghĩa là người bán phải giao hàng lên tàu hoặc mua hàng để giao hàng như vậy. Rủi ro về mất mát hay hư hỏng hàng hóa chuyển giao khi hàng được giao lên tàu. Người bán phải ký hợp đồng và trả các chi phí và cước phí cần thiết để đưa hàng hóa đến cảng đến quy định.
  • CIF: Tiền hàng, phí bảo hiểm và cước phí có nghĩa là người bán phải giao hàng lên tàu hoặc mua hàng để giao hàng như vậy. Rủi ro về mất mát hay hư hỏng hàng hóa chuyển giao khi hàng được giao lên tàu. Người bán phải ký hợp đồng và trả các chi phí và cước phí cần thiết để đưa hàng hóa đến cảng đến quy định. Người bán có nghĩa vụ ký kết hợp đồng bảo hiểm để bảo hiểm những rủi ro của người mua nếu mất mát hư hỏng hàng hóa.

Thời điểm chuyển rủi ro trong các điều kiện giao hàng
Thời điểm chuyển rủi ro trong các điều kiện giao hàng

Trách nhiệm của người mua và người bán trên điều khoản Incoterms

Về người mua

  • Trả tiền hàng theo hợp đồng đã thỏa thuận.
  • Chịu mọi chi phí và rủi ro kể từ khi nhận hàng tại cơ sở của người bán (chi phí kiểm tra hàng hóa, chi phí về giấy tờ, thủ tục để nhận hàng và thông quan xuất khẩu, chi phí mua bảo hiểm, chi phí mà người bán đã bỏ ra để hỗ trợ cho mình…).
  • Làm thủ tục và chịu các chi phí để thực hiện thông quan xuất khẩu, quá cảnh, nhập khẩu hàng hóa.

Về người bán

  • Chuẩn bị hàng theo đúng hợp đồng đã thỏa thuận, giao hàng cho người mua tại cơ sở của người bán hoặc tại địa điểm quy định.
  • Giúp người mua làm thủ tục xuất khẩu khi có yêu cầu với chi phí của người mua (Nếu điều đó quy định trong hợp đồng).
  • Giao cho người mua các chứng từ có liên quan đến hàng hóa.
  • Không phải chịu chi phí bốc hàng lên phương tiện vận tải do người mua chỉ định nếu không có quy định khác đi trong hợp đồng mua bán

>> Xem thêm: Cách viết hợp đồng thương mại quốc tế hiện nay

Như vậy, thời điểm chuyển rủi ro khi mua bán hàng hóa tùy thuộc vào điều kiện mà các doanh nghiệp lựa chọn để thực hiện. Nếu Quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến hợp đồng cần luật sư tư vấn hợp đồng thì xin vui lòng liên hệ qua hotline 1900.63.63.87 để được giải đáp chi tiết. Xin cảm ơn.

4.71 (14 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 719 bài viết