Vay vốn ngân hàng là hoạt động rất phổ biến, dùng dòng tiền đó để đầu tư kinh doanh hoặc chi tiêu phục vụ cuộc sống hằng ngày. Đối với vay vốn ngân hàng có sử dụng tài sản là nhà để thế chấp thì khi không có khả năng trả nợ, ngân hàng sẽ xử lý tài sản bảo đảm như thế nào? Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề này.
>>Xem thêm:Hệ quả của Hợp đồng thế chấp tài sản chung không có xác nhận của vợ hoặc chồng
Mục Lục
1. Như thế nào được xem là nợ xấu?
Theo định nghĩa của ngân hàng thì nợ xấu là những khoản nợ vay tại các tổ chức tín dụng đã đến hạn thanh toán nhưng chưa được khách hàng vay thanh toán đầy đủ và đã quá hạn trên 90 ngày tính từ ngày bắt đầu đến hạn trả.
Phân loại mức độ nợ xấu tại các ngân hàng theo quy định tại Điều 3 phụ lục Xác định nợ xấu ban hành kèm nghị quyết 42/2017:
- Nhóm 1: Dư nợ đủ tiêu chuẩn (là các khoản nợ có đủ khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng thời hạn. Nhưng nếu quá hạn từ 1 đến 10 ngày, vẫn nằm trong nhóm đủ tiêu chuẩn, nhưng sẽ bị phạt lãi quá hạn 150%.
- Nhóm 2: Dư nợ cần chú ý: các khoản nợ quá hạn từ 10 đến dưới 90 ngày
- Nhóm 3: Dư nợ dưới tiêu chuẩn: các khoản nợ quá hạn từ 90 đến 180 ngày
- Nhóm 4: Dư nợ có nghi ngờ : các khoản nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày/
- Nhóm 5: Dư nợ có khả năng mất vốn: là các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày.
2. Quyền của ngân hàng khi xử lý tài sản thế chấp.
Đối với những trường hợp quy định tại (Điều 299 BLDS):
- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
- Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
- Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Với những trường hợp nêu trên, bên nhận thế chấp có quyền thực hiện các công việc quy định tại khoản 7 Điều 323 BLDS 2015: Bên nhận thế chấp có quyền xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi bên thế chấp nhà cho ngân hàng để vay tiền mà không thực hiện đúng nghĩa vụ khi đã đến hạn thì bên nhận thế chấp là ngân hàng có quyền XỬ LÝ CĂN NHÀ THẾ CHẤP để trừ nợ.
3. Quyền thu giữ tài sản bảo đảm của ngân hàng.
Theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết 42/2017, những trường hợp ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm như sau:
- Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm khi phát sinh nợ xấu;
- Khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên bảo đảm không thực hiện nghĩa vụ quy định tại Điều 199 BLDS;
- Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật;
- Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật;
- Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền; không đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm để thi hành án theo quy định của pháp luật.
Như vậy, với những trường hợp nêu trên, ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi phát sinh nợ xấu.
4. Điều kiện để ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm.
Thứ nhất, luật cho phép các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm của mình về các trường hợp xử lý bảo đảm khác, đồng thời ghi nhận các trường hợp xử lý bảo đảm bắt buộc theo quy định tại một văn bản luật cụ thể. Trong trường hợp này, các xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận.
Thứ hai, theo quy định của BLDS tại điều 299, khi rơi vào các trường hợp sau thì ngân hàng được quyền xử lý tài sản bảo đảm:
- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
- Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
Trên đây là bài viết “Thế chấp nhà bị nợ xấu như thế nào thì bị ngân hàng bán đấu giá tài sản”. Quý bạn đọc có nhu cầu tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ qua hotline 1900 63 63 87 để được hỗ trợ.
*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.