Luật Hợp Đồng

Nên giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế bằng Tòa án hay bằng Trọng tài?

Nên chọn Tòa án hay Trọng tài để giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế. Khi xảy ra tranh chấp hợp đồng kinh tế mà các bên không thể giải quyết thông qua hình thức hòa giải thì việc sử dụng phương thức giải quyết thông qua Tòa án hoặc thông qua Trọng tài là phương thức giải quyết mà các bên lựa chọn. Vậy uu và nhược điểm của các phương thức này là gì? Bài viết sau sẽ tư vấn về nội dung này.

Tòa án

Tòa án

Giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế bằng Tòa án

Giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế là thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Khi xảy ra tranh chấp các bên có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết mà không cần phải có thỏa thuận trong hợp đồng. Tranh chấp hợp đồng kinh tế thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm:

  • Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
  • Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
  • Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
  • Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
  • Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

>> Xem thêm: Trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động tại Tòa án

Giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế bằng Trọng tài

Trọng tài viên

Trọng tài viên

Khác với giải quyết tranh chấp bằng tòa án để sử dụng trọng tài khi xảy ra tranh chấp giữa các bên thì phải được các bên thống nhất lựa chọn để giải quyết tranh chấp. Việc thỏa thuận lựa chọn giữa các bên có thể lập ra trước hoặc sau khi có tranh chấp. Các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài Thương mại 2010 bao gồm:

  • Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
  • Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại;
  • Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.

Ưu và nhược điểm của giải quyết tranh chấp bằng Tòa án và Trọng tài

Giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng Tòa án hay bằng Trọng tài đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Doanh nghiệp có thể dựa trên so sánh về ưu điểm và nhược điểm của các phương thức giải quyết mà lựa chọn cơ quan giải quyết cho phù hợp.

>> Xem thêm: Giải Quyết Tranh Chấp Hợp Đồng Thương Mại Quốc Tế

Giải quyết tranh chấp

Giải quyết tranh chấp

Ưu và nhược điểm của giải quyết tranh chấp bằng Tòa án

Ưu điểm khi giải quyết tranh chấp bằng Tòa án:

  • Chi phí thường thấp hơn khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Mức án phí được tính theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
  • Phán quyết của Tòa án có giá trị thi hành cao vì được thi hành bằng sự cưỡng chế của Nhà nước.
  • Trình tự giải quyết được quy định chặt chẽ.

Nhược điểm khi giải quyết tranh chấp bằng Tòa án:

  • Thời gian giải quyết vụ án thường dài. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, thời hạn để chuẩn bị xét xử vụ án là 02 tháng có thể gia hạn. Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì thời hạn để mở phiên tòa tối đa là 02 tháng.
  • Trình độ chuyên môn của Thẩm phán có thể không cao bằng Trọng tài viên.

Ưu và nhược điểm của giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài

Ưu điểm khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài:

  • Thời gian giải quyết nhanh chóng
  • Khi các bên trong tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì có thể lựa chọn ngôn ngữ trong quá trình tố tụng để phù hợp với doanh nghiệp.
  • Các bên có thể lựa chọn địa điểm giải quyết tranh chấp.
  • Trình độ chuyên môn của các Trọng tài viên trong lĩnh thương mại thường cao hơn Thẩm phán.
  • Tính bảo mật thông tin của các bên cao.

Nhược điểm khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài:

  • Chi phí để giải quyết tranh chấp thường lớn hơn chi phí để giải quyết vụ án bằng Tòa án. Chi phí để giải quyết vụ án được tính theo quy định do Trung tâm trọng tài ấn định.
  • Phán quyết của Trọng tài có thể bị hủy bởi Tòa án nếu như trong trường hợp luật định. Một trong các bên có thể làm đơn yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài nếu phán quyết vi phạm quy định của pháp luật về Phán quyết trọng tài.
  • Khung pháp lý cho cơ chế phối hợp thi hành phán quyết trọng tài thương mại vẫn còn nhiều lỗ hổng khiến tính cưỡng chế của phán quyết trọng tài không cao.

Trên đây là những ưu và nhược điểm khi giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế bằng Tòa án và bằng Trọng tài. Tùy vào hợp đồng giữa các bên về chủ thể và nội dung mà các bên có thể lựa chọn Tòa án hay Trọng tài để giải quyết cho phù hợp. Bạn đọc có thắc mắc có thể liên hệ TƯ VẤN LUẬT HỢP ĐỒNG qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn.

Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo, tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc góp ý vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

5 (18 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 724 bài viết