Luật Hợp Đồng

Những lưu ý khi các bên thỏa thuận lựa chọn PICC làm luật áp dụng trong hợp đồng

PICC (Principles of International Commercial Contracts) là tên viết tắt của Bộ nguyên tắc Hợp đồng thương mại quốc tế, được lập nên để tạo ra sự thống nhất phục vụ cho việc điều chỉnh hợp đồng thương mại quốc tế và giải quyết các vấn đề phát sinh. PICC chỉ áp dụng trong một số trường hợp nhất định, bao gồm trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi PICC. Vậy khi lựa chọn bộ nguyên tắc này, chúng ta cần phải chú ý những điều gì? Hãy cùng Chuyên tư vấn luật tìm hiểu về Những lưu ý khi các bên thỏa thuận lựa chọn PICC làm luật áp dụng trong hợp đồng

Thỏa thuận áp dụng PICC trong hợp đồng thương mại quốc tế

Thỏa thuận áp dụng PICC trong hợp đồng thương mại quốc tế

Đặc điểm đặc thù của PICC

Từ trước tới nay, những nỗ lực nhằm thống nhất luật thương mại của các nước trên thế giới đã được thực hiện thông qua những văn bản bắt buộc (ví dụ Công ước Quốc tế ), các luật lệ do các tổ chức liên quốc gia lập ra (ví dụ Liên Minh châu Âu) hoặc các văn bản luật mẫu (Model laws). Tuy nhiên, khiếm khuyết của các văn bản này là chúng không có tính khái quát hoặc chỉ có tính lý thuyết mà không có khả năng thực thi. Chính vì vậy mà ngày càng có nhiều người kêu gọi

thống nhất hòa hợp luật pháp bằng cách sử dụng những văn bản không mang tính bắt buộc, sự xuất hiện của PICC chính là kết quả của ý kiến trên.

Bộ nguyên tắc PICC không tạo thành một văn kiện có tính ràng buộc chính thức như một Công ước mà các quốc gia có nghĩa vụ phải trực tiếp áp dụng hoặc nội luật hóa vào trong pháp luật của mình. Ngoài sự phù hợp với hầu hết các quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế thì một ưu điểm nổi bật khác của PICC đó là cho phép sự huỷ bỏ, hạn chế hay sửa đổi hiệu lực áp dụng từ bất kỳ điều khoản nào trong PICC. Vì ở PICC, các điều khoản chủ yếu là các điều khoản tùy nghi, không mang tính bắt buộc, vậy nên tùy từng trường hợp cụ thể các bên có thể linh hoạt thực hiện các thao tác đối với các điều khoản, quy định sao cho phù hợp với quan hệ của mình giao kết nhất. Đây là một trong những yếu tố quyết định khiến cho PICC được áp dụng rất nhiều trong các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Bởi dù có hài hoà, thống nhất các quy định thì từng trường hợp cụ thể chắc chắn sẽ vẫn còn những sự thừa thãi hoặc chưa phù hợp, nên việc cho phép sự linh hoạt này là hoàn toàn hợp lý.

Điều kiện áp dụng PICC

PICC được áp dụng khi:

  • Các bên ký hợp đồng thoả thuận rằng hợp đồng của họ sẽ được PICC điều chỉnh;
  • Các bên thoả thuận rằng hợp đồng của họ sẽ được điều chỉnh bằng “những nguyên tắc cơ bản của Luật”, “lex mercatoria”, hoặc bằng những nguyên tắc tương tự;
  • Các bên không lựa chọn luật cụ thể để điều chỉnh hợp đồng.

Điều kiện áp dụng Bộ nguyên tắc Hợp đồng thương mại quốc tế

Điều kiện áp dụng Bộ nguyên tắc Hợp đồng thương mại quốc tế

Sự tương thích của PICC với pháp luật quốc gia Việt Nam

Các quy định “gốc” của pháp luật Việt Nam điều chỉnh về hình thức, nội dung hợp đồng dân sự, thương mại chủ yếu có trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khi đối chiếu, so sánh pháp luật Việt Nam với PICC về cơ bản có sự phù hợp, tương đối giống nhau. Song vẫn còn tồn tại những nội dung còn chưa tương thích mà Việt Nam có thể lấy làm quy chuẩn sửa đổi, phát triển pháp luật quốc gia. Ở đây, Chuyên tư vấn luật xin nêu sơ lược như sau:

  • Ký kết hợp đồng:

Về cơ bản quy định của pháp luật Việt Nam đã tương thích với PICC. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam còn thiếu khá nhiều quy định để xử lý các trường hợp khá phổ biến trong thực tiễn giao kết hợp đồng như: Văn bản xác nhận; giao kết hợp đồng phụ thuộc vào việc thống nhất những điểm nhất định hoặc theo một hình thức nhất định; giao kết hợp đồng với những điều khoản chủ ý để

ngỏ; các hành vi không trung thực khi giao kết hợp đồng; nghĩa vụ giữ bí mật, điều khoản về tính hoàn chỉnh; mâu thuẫn giữa một điều khoản của điều kiện giao dịch chung và một điều khoản do các bên thỏa thuận và điều kiện giao dịch chung có xung đột.

So với PICC, một số nội dung của BLDS đã có nhưng những nội dung tương ứng chưa rõ, thiếu tính xác định (ví dụ: Định nghĩa “đề nghị giao kết hợp đồng”) hoặc còn cứng nhắc và chưa thực sự lưu ý đến nguyên tắc thiện chí, trung thực và hợp tác thông qua đàm đàm phán hợp đồng (ví dụ: Quy định về thông báo đề nghị đến chậm) hoặc chưa thể hiện tính linh hoạt xuất phát từ nguyên tắc tự do hợp đồng (ví dụ: Thiếu quy định về hợp đồng được ký kết với những nội dung được các bên để ngỏ, quy định về chấm nhận giao kết hợp đồng bằng hành vi thực tế).

>>> Xem thêm: Hợp Đồng Thương Mại Quốc Tế

  • Về hợp đồng vô hiệu:

Đối với căn cứ để một giao dịch dân sự bị coi là vô hiệu, BLDS và PICC đều quy định các căn cứ là nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa và có đối tượng không thể thực hiện được ngay từ ban đầu. Tuy nhiên, theo PICC, thông thường một hợp đồng được giao kết thì có hiệu lực thi hành nhưng hợp đồng có thể bị hủy bỏ với tác động hồi tố, nếu khi giao kết hợp đồng có những yếu tố vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện ký kết hợp đồng (lừa dối, đe dọa, nhầm lẫn). Trong những trường hợp này, PICC quy định quyền của một bên được hủy bỏ giao dịch và quyền này được thực hiện trực tiếp giữa các bên với nhau nếu bên có quyền không thực hiện quyền hủy bỏ, thì giao dịch vẫn có hiệu lực. Trong một số hoàn cảnh nhất định PICC quy định quyền hủy bỏ hợp đồng cũng bị loại trừ.

  • Về giải thích hợp đồng

BLDS không có quy định giải thích tuyên bố đơn phương, hành vi thực tế, giải thích điều khoản do một bên đưa ra (hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung) và giải thích hợp đồng trong trường hợp hợp đồng được ký bằng các ngôn ngữ khác nhau.

  • Về nội dung hợp đồng

Khác với cơ cấu của BLDS, PICC có một chương về nội dung hợp đồng (Chương V), theo đó PICC quy định nội dung hợp đồng trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và không thể xác định được các nội dung đó từ các điều khoản hợp đồng (ví dụ: Quy định về nghĩa vụ hợp đồng, trong đó bao gồm cả các nghĩa vụ hiểu ngầm, mức độ của nghĩa vụ, chất lượng, giá cả, các loại nghĩa vụ). Với những quy định của chương này, PICC hướng dẫn các bên khắc phục những lỗ hổng mà họ chưa hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng. Hướng dẫn của PICC luôn dựa theo nguyên tắc, thiện chí, trung thực để đưa ra, ví dụ: Mức giá hoặc chất lượng thích hợp hoặc xác định nghĩa vụ ở mức thích hợp.

BLDS và LTM không có một phần quy định chung như nêu trên để áp dụng chung cho mọi loại hợp đồng mà quy định về cách xác định các nội dung trên rải rác trong các quy định về hợp đồng cụ thể. Điều này dẫn đến sự thiếu nhất quán về  nội dung của hợp đồng.

  • Về thực hiện hợp đồng

Qua rà soát cho thấy, khá nhiều nội dung về thực hiện hợp đồng của BLDS được quy định tại phần thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện hợp đồng chưa phù hợp quy định của PICC, ví dụ: Thời điểm thực hiện hợp đồng, địa điểm thực hiện hợp đồng, thực hiện một lần hay thực hiện nhiều lần, thực hiện từng phần v.v… Nguyên nhân của sự không tương thích này là BLDS dự liệu chủ yếu để áp dụng cho các quan hệ dân sự, dân sinh nhỏ lẻ. Ngược lại PICC dự liệu dùng để áp dụng cho các quan hệ thương mại quốc tế, có tính chất thường xuyên, có giá trị lớn, dài hạn và dựa trên nguyên tắc xuyên suốt là tin tưởng, trung thành và thiện chí.

Khá nhiều quy định được điều chỉnh trong PICC không có trong quy định của BLDS và LTM, cụ thể như quy định về công cụ thanh toán, đồng tiền thanh toán, chi phí thực hiện hợp đồng, thanh toán khấu trừ và quy định về xin phép khi thực hiện hợp đồng. Đây là những vấn đề phát sinh thường xuyên trong các hợp đồng thương mại quốc tế cần được điều chỉnh và quy định của PICC đáp ứng các yêu cầu này.

>>> Xem thêm: Có được lựa chọn Trọng tài để giải quyết tranh chấp khi không có thỏa thuận trọng tài?

Tòa án, Trọng tài tại Việt Nam có hay không chấp nhận áp dụng PICC để giải quyết tranh chấp khi các bên lựa chọn sử dụng?

Đối với Tòa án

Căn cứ quy định tại Điều 664, Bộ luật Dân sự 2015

  • Thứ nhất, các bên chỉ được quyền chọn luật để điều chỉnh các quan hệ mà pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định.
  • Thứ hai, hậu quả của việc áp dụng pháp luật được các bên lựa chọn không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
  • Thứ ba, các bên chỉ có quyền chọn các quy phạm pháp luật thực chất trong một hệ thống pháp luật cụ thể hoặc trong các tập quán quốc tế cụ thể để điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên.

Theo đó, Tòa án của một quốc gia có thể không áp dụng nguồn luật mà các bên lựa chọn hoặc được dẫn chiếu bởi quy phạm xung đột khi hậu quả của việc áp dụng pháp luật đó trái với các điều kiện nêu trên.

Đối với Trọng tài

Như đã đề cập ở trên, khi giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài mà có lựa chọn luật áp dụng, Tòa án quốc gia sẽ xem xét đến tính trật tự công. Còn đối với Trọng tài, hiện Luật Trọng tài thương mại năm 2010 của Việt Nam không có quy định về vấn đề này. Trên lý thuyết, trong đa số các trường hợp trọng tài sẽ áp dụng luật mà các bên lựa chọn. Tuy nhiên, trong thực tế, trọng tài thường xuyên phải tính đến các quy phạm mệnh lệnh bắt buộc của nước nơi phán quyết sẽ phải được xin công nhận và cho thi hành, để đảm bảo phán quyết sẽ không bị từ chối công nhận và thi hành theo Điều V Công ước New York 1958. Nhưng trước đó, cần phải giải thích cho các bên về sự cần thiết áp dụng pháp luật của nước này để không vấp phải sự phản đối của các bên. Tức, luật mà các bên lựa chọn sẽ không bị loại bỏ hoàn toàn. Khi nhận thấy cần phải áp dụng một quy phạm mệnh lệnh thì trọng tài sẽ áp dụng thay vì áp dụng luật mà các bên lựa chọn.

Trọng tài thương mại

Trọng tài thương mại

Chế định bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại quốc tế qua Luật Thương mại Việt Nam và PICC

Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế dành mục 4 chương 7 để thống nhất các vấn đề về bồi thường thiệt hại. Luật Thương mại Việt Nam cũng có những quy định về chế định bồi thường thiệt hại trong các Điều 303, 306. Tuy nhiên, những quy định trên lại có các thuật ngữ, cách giải thích và thực tiễn áp dụng khác nhau.

  • Về phạm vi thiệt hại được đền bù

Khi xác định thiệt hại, hai nguồn luật trên đều giới hạn phạm vi thiệt hại được đền bù. Luật Thương mại Việt Nam bao gồm hai loại thiệt hại là tổn thất thực tế, trực tiếp và khoản lợi đáng lẽ được hưởng. PICC thì đưa ra những quy định cụ thể, rõ ràng và phạm vi bồi thường rộng hơn. Cụ thể, ở Điều 7.4.2 Bộ nguyên tắc đưa ra: Nguyên tắc bồi thường toàn bộ, bao gồm cả những thiệt hại vật chất (tổn thất và lợi ích bị mất đi) và cả những thiệt hại phi tiền tệ bắt nguồn từ nỗi đau thể chất hoặc tinh thần, trong đó có thiệt hại do mất uy tín (loại thiệt hại mà bên bị thiệt hại đòi bồi thường trong một số tranh chấp điển hình). Qua các quy định trên có thể thấy rằng Bộ nguyên tắc còn quan tâm tới những thiệt hại phi tiền tệ, trong khi đó Luật Thương mại Việt Nam Điều 302 thì không có quy định rõ ràng về phạm vi thiệt hại có bao gồm thiệt hại phi vật chất hay không. Tuy nhiên, trong Điều 307 BLDS thì có đề cập tới những thiệt hại về tinh thần phải được bồi thường do hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

  • Về tính dự đoán trước của thiệt hại

Bộ nguyên tắc Unidroit có quy định tại Điều 7.4.4. Xét quy định tại Điều 302 Luật Thương mại Việt Nam thì không có tính dự đoán trước, song có thể từ tính trực tiếp và thực tế mà suy luận ra tính dự đoán trước.

  • Nghĩa vụ chứng minh thiệt hại

Điều 304 Luật Thương mại quy định nghĩa vụ này thuộc về bên yêu cầu bồi thường thiệt hại. Họ phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Bộ nguyên tắc Unidroit thì đòi hỏi ở Điều 7.4.3 rằng những thiệt hại chỉ được bồi thường khi chúng được thiết lập với một mức độ đầy đủ tính xác thực. Bộ nguyên tắc unidroit còn quy định thêm trường hợp khi không thể thiết lập với một mức độ đầy đủ tính xác thực về khoản tiền bồi thường thì thiệt hại được xác định tùy theo Tòa án.

  • Điều khoản tiền lãi

PICC có quy định chi tiết về tiền lãi về việc không thanh toán (Điều 7.4.9), đối với việc xác định tỷ lệ lãi suất trung bình cho vay ngắn hạn của ngân hàng cho đồng tiền thanh toán của hợp đồng. Cụ thể tại Điều 7.4.10 quy định: “Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, tiền bồi thường thiệt hại do không thực hiện nghĩa vụ không phải là nghĩa vụ thanh toán làm phát sinh tiền lãi từ ngày không thực hiện”. Theo Luật Thương mại Việt Nam, Điều 306 quy định về tiền lãi: “Trong trường hợp bên vi phạm chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian trả chậm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Ở đây, có thể thấy sự khác biệt giữa luật thương mại Việt Nam trong việc sử dụng lãi suất nợ quá hạn so với lãi suất vay của Bộ nguyên tắc Unidroit – loại lãi suất bị cho là trong một số trường hợp đã bồi thường vượt quá cho bên bị vi phạm và không được áp dụng phổ biến so với lãi suất tiết kiệm.

>>> Xem thêm: Chọn trọng tài thương mại hay tòa án làm cơ quan tài phán khi doanh nghiệp có tranh chấp?

Dịch vụ luật sư tư vấn của Chuyên tư vấn luật

Hiện nay, Chuyên tư vấn luật có đội ngũ Luật sư hoạt động nghề nghiệp nhiều năm với kinh nghiệm dày dặn. Chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp dịch vụ tư vấn liên quan đến việc ký kết hợp đồng thương mại, các trình tự thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ hiệu quả tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của quý khách hàng. Cụ thể:

  • Tư vấn soạn thảo, điều khoản,… đảm bảo lợi ích hợp pháp của các bên, dự kiến được các rủi ro có thể phát sinh trong tương lai để điều chỉnh hợp đồng thương mại phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật.
  • Tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan giúp hạn chế tối đa các tranh chấp có thể xảy ra.
  • Tư vấn hỗ trợ giải quyết các tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.
  • Tư vấn các trình tự, thủ tục cho các vấn đề pháp lý cụ thể.
  • Tư vấn luật áp dụng, lựa chọn chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nếu có phát sinh…

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến Những lưu ý khi các bên thỏa thuận lựa chọn PICC làm luật áp dụng trong hợp đồng. Nếu như bạn cần gửi hồ sơ, yêu cầu tư vấn hoặc có nhu cầu đặt lịch gặp trực tiếp luật sư vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI tư vấn và hỗ trợ. Xin cảm ơn.

 

4.6 (13 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 719 bài viết