Luật Hợp Đồng

Đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại

Khi một bên có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại thì sẽ xử lý ra sao? Trong trường hợp nào được đơn phương chấm dứt hợp đồng? Nếu đơn phương chấm dứt trái luật thì bên đơn phương có phải chịu chế tài nào hay không? Pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào? Hãy cùng Chuyên Tư Vấn Luật tìm hiểu bài viết dưới đây để trả lời cho các câu hỏi trên.

Quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại

Quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại

Trường hợp nào được đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại?

Như đã đề cập, đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ gồm đơn phương đúng luật và đơn phương trái luật. Theo đó, một bên được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau (khoản 1 Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 – viết tắt là BLDS 2015):

  • Bên còn lại vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng;
  • Các bên có thỏa thuận trường hợp nào được đơn phương và bên đơn phương đã thực hiện theo thỏa thuận đó;
  • Pháp luật có quy định. Đối với từng loại hợp đồng cụ thể thì pháp luật sẽ quy định trường hợp nào được đơn phương chấm dứt.

Luật thương mại cũng có đề cập đến vấn đề này nhưng sử dụng một thuật ngữ khác để gọi tên, đó là đình chỉ thực hiện hợp đồng. Theo đó, tại Điều 310 Luật thương mại 2005 có quy định: đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây (trừ các trường hợp hành vi vi phạm được miễn trách tại Điều 294):

  • Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng;
  • Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Có thể thấy rằng, hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại đúng luật được quy định tương tự nhau tại Bộ luật dân sự và Luật Thương mại.

Đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại trái luật là gì?

Đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại trái luật là trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 428 BLDS 2015.

Trong trường hợp này, bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng.

Làm sao để đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật?

Cần thông báo cho bên kia khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại

Cần thông báo cho bên kia khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại

Để đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại đúng luật, ngoài việc thuộc các trường hợp được phép như phân tích tại phần trên. Bên đơn phương cần phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường (khoản 2 Điều 428 BLDS 2015).

Hậu quả của đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại

Căn cứ theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 428 BLDS 2015 và Điều 311 Luật Thương mại 2005, Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Hậu quả pháp lý của đơn phương chấm dứt hợp đồng như sau:

  • Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp.
  • Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.
  • Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.

Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng có giống nhau không?

Đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại và hủy bỏ hợp đồng thương mại là hai chế tài hoàn toàn khác nhau và riêng biệt trong luật điều chỉnh về hợp đồng thương mại.

Tuy nhiên, căn cứ để đơn phương và hủy bỏ hợp đồng là giống nhau (Điều 423, 424, 425, 426 BLDS 2015 và Điều 312, 313 Luật Thương mại 2005). Và trên thực tế, nhiều khi vẫn thường nhầm lẫn giữa hai chế tài này.

Xét về hậu quả pháp lý của hai chế tài này đều là không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ như đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp (khoản 1 Điều 427 BLDS 2015 và khoản 1 Điều 314 Luật thương mại 2005).

Tuy nhiên, có một điểm khác nhau cơ bản để phân biệt hai chế tài này (khoản 1, 2 Điều 427 BLDS 2015 và khoản 2 Điều 314 Luật Thương mại 2005) đó là:

  • Đối với hủy bỏ hợp đồng thì hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.
  • Còn đối với đơn phương chấm dứt thì hợp đồng vẫn có hiệu lực đến thời điểm có thông báo chấm dứt, các công việc các bên đã thực hiện vẫn được ghi nhận và phải thanh toán đầy đủ.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến vấn đề “Đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại” chúng tôi gửi đến bạn đọc. Nếu có nhu cầu tư vấn soạn thảo hợp đồng hoặc tư vấn thêm đối với các vấn đề liên quan hợp đồng thương mại, hãy đừng ngần ngại liên hệ với Chuyên Tư Vấn Luật qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn.

5 (11 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 781 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *