Hợp đồng mua bán thanh toán bằng ngoại tệ có vô hiệu không? là câu hỏi mà nhiều cá nhân, doanh nghiệp khi soạn thảo hợp đồng thường hay gặp phải. Trong quá trình mua bán hàng hóa quốc tế và cả trong nước, những trường hợp nào được phép thanh toán, giao dịch bằng ngoại tệ, làm sao để soạn thảo, sử dụng hợp đồng đúng quy định,…là những nội dung sẽ được chúng tôi giải đáp qua bài viết. Xin mời quý khách tham khảo.
Thanh toán bằng ngoại tệ
Mục Lục
Quy định về tiền thanh toán trong hợp đồng mua bán
Căn cứ theo Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 2005 (sửa đổi, bổ sung 2013) quy định về nguyên tắc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam như sau:
Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cũng căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN( sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 03/2019/TT-NHNN):
- Các trường hợp được phép sử dụng ngoại tệ là những trường hợp đặc biệt trong giao dịch như: Cơ quan hải quan, công an, bộ đội biên phòng và các cơ quan Nhà nước khác tại các cửa khẩu của Việt Nam và kho ngoại quan được niêm yết bằng ngoại tệ và thu bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ người không cư trú đối với các loại thuế, phí thị thực xuất nhập cảnh, phí cung ứng dịch vụ và các loại phí, lệ phí khác theo quy định của pháp luật.
- Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối (sau đây gọi tắt là tổ chức tín dụng được phép) được giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận bằng ngoại hối trong phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức khác được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối được giao dịch và niêm yết bằng ngoại tệ trong phạm vi cung ứng dịch vụ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Người cư trú là tổ chức có tư cách pháp nhân được điều chuyển vốn nội bộ bằng ngoại tệ chuyển khoản giữa tài khoản của tổ chức đó với tài khoản của đơn vị phụ thuộc không có tư cách pháp nhân và ngược lại.
- Người cư trú được góp vốn bằng ngoại tệ chuyển khoản để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Có thể thấy, các chủ thể được quyền giao dịch bằng ngoại hối là những chủ thể đặc biệt, thông thường có một bên là tổ chức cá nhân nước ngoài. Đồng thời, thông qua quy định này cũng cho thấy, việc sử dụng ngoại hối trong giao dịch sẽ chỉ được cho phép đối với những chủ thể đặc biệt và những giao dịch không thanh toán được bằng tiền Việt Nam đồng.
Như vậy, việc sử dụng ngoại hối để thanh toán hợp đồng có thể sẽ vi phạm về nguyên tắc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó, việc sử dụng vàng để thanh toán hợp đồng cũng không được pháp luật cho phép. Căn cứ Điều 19 Nghị định 24/2021/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán là một trong những trường hợp sử dụng vàng bị cấm.
Hợp đồng mua bán thanh toán bằng ngoại tệ
Hợp đồng mua bán vô hiệu do thanh toán bằng ngoại tệ
Các quy định pháp luật hiện hành có quy định về vấn đề vi phạm về thanh toán ngoại tệ sẽ là căn cứ để hợp đồng vô hiệu. Vì việc thanh toán bằng ngoại tệ phải được thực hiện theo luật định, những trường hợp không được thanh toán bằng ngoại tệ nhưng vẫn thực hiện thỏa thuận thì được xem là vi phạm điều cấm của luật. Thế nên, căn cứ quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015, thì hợp đồng mua bán sẽ vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật.
Bên cạnh đó, việc thanh toán bằng ngoại tệ chỉ được phép đối với một số trường hợp đặc biệt như đã đề cập tại mục trước nên trường hợp các bên có thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ trong hợp đồng nhưng không đáp ứng điều kiện để thanh toán bằng ngoại tệ theo quy định thì sẽ bị xử phạt hành chính. Mức xử lý đối với thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ theo hướng là hành vi trái pháp luật và bị xử phạt mức độ phụ thuộc vào số tiền các bên đã thanh toán cho nhau.
Cụ thể, căn cứ Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt đối với vi phạm về hoạt động ngoại hối cụ thể là ghi và thanh toán hợp đồng bằng USD như sau:
- Phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm sau đây: Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: c) Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bàng ngoại tệ có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật
- Trường hợp bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng: Giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật.
- Trường hợp bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng: thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra còn có các hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm.
Nói tóm lại, khi hợp đồng có điều khoản về thanh toán bằng ngoại tệ thì có thể bị xử phạt về hành chính, hợp đồng sẽ bị vô hiệu một phần đối với điều khoản này.
>>>Xem thêm: Hợp đồng thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ có được không
Trường hợp hợp đồng mua bán không vô hiệu
Những trường hợp hợp đồng không bị vô hiệu
Như đã đề cập tại mục trước thì việc thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ có thể dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu theo quy định. Tuy nhiên, đối với trường hợp các bên thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ nhưng đã thay thế bằng một thỏa thuận khác hoặc thực hiện nghĩa vụ thanh toán tại hợp đồng không bằng ngoại tệ thì hợp đồng vẫn có thể không bị vô hiệu.
Việc thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ nhưng thực tế không thanh toán bằng ngoại tệ hoặc các bên đã xác lập một thỏa thuận thanh toán khác đúng quy định để thay thế thỏa thuận thanh toán ngoại tệ trong hợp đồng, thì sẽ không vi phạm pháp luật về thanh toán ngoại tệ. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp, Tòa án có thể xem xét để hợp đồng không bị tuyên vô hiệu.
Việc thỏa thuận thanh toán mua bán bằng ngoại tệ là một vấn đề có tính rủi ro pháp lý cao. Vì vậy, các chủ thể trong quá trình thỏa thuận hợp đồng cần phải lưu ý để thực hiện đúng.
Công ty nước ngoài không có trụ sở ở Việt Nam có được giao dịch ngoại hối không?
Căn cứ theo khoản 16 Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN( sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 03/2019/TT-NHNN) quy định như sau:
Người không cư trú thực hiện theo quy định sau:
- Được chuyển khoản bằng ngoại tệ cho người không cư trú khác;
- Được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán tiền xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ chuyển khoản cho người cư trú. Người cư trú được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người không cư trú.
- Nhà đầu tư nước ngoài được đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ chuyển khoản khi tham gia đấu giá trong các trường hợp sau:
- Mua cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
- Mua cổ phần, phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
- Mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác thực hiện thoái vốn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Trường hợp trúng đấu giá, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện chuyển vốn đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối để thanh toán giá trị mua cổ phần, phần vốn góp. Trường hợp đấu giá không thành công, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài số tiền đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ sau khi đã trừ đi các chi phí phát sinh liên quan (nếu có).
Người không cư trú bao gồm doanh nghiệp nước ngoài nên vì vậy, đối với những giao dịch ngoại hối được đề cập ở trên thì doanh nghiệp nước ngoài không có trụ sở tại Việt Nam có quyền được thanh toán bằng ngoại hối.
Luật sư soạn thảo hợp đồng mua bán theo quy định
Luật sư tư vấn soạn thảo hợp đồng
- Tư vấn các nội dung pháp lý về hợp đồng mua bán
- Hỗ trợ khách hàng soạn thảo hợp đồng mua bán
- Đại diện khách hàng tham gia thỏa thuận mua bán
- Thực hiện các công việc khác theo yêu cầu của khách hàng.
Nội dung tư vấn pháp lý của công ty chúng tôi về vấn đề hợp đồng vô hiệu do thanh toán bằng ngoại hối gói gọn tại bài viết. Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc về quy định, có nhu cầu tư vấn soạn thảo hợp đồng hoặc mong muốn được giải đáp thêm về các vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ qua hotline 1900.63.63.87 của chúng tôi để được tư vấn chính xác và kịp thời.