Luật Hôn Nhân Gia Đình

Hướng dẫn chi tiết thủ tục yêu cầu công nhận cha con

Thủ tục yêu cầu công nhận cha con là thủ tục cần thiết nhằm mục đích giúp cho quan hệ cha con được pháp luật công nhận, cha con ruột có thể hưởng các quyền được quy định trong pháp luật liên quan như quyền nuôi dưỡng, quyền thừa kế… Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn thủ tục yêu cầu công nhận này theo đúng các quy định của pháp luật.

Xác lập quan hệ cha con về mặt pháp luật

Khái quát chung về quyền công nhận cha con

Cha con là mối quan hệ nhân thân, thân thích, ruột thịt, cùng dòng máu về mặt sinh học. Về mặt pháp luật, mối quan hệ cha con được xác định trên cơ sở giấy khai sinh của con được cha mẹ lập khi đăng ký hộ tịch theo Luật Hộ tịch 2014.

Công nhận cha con là quyền của cá nhân khi muốn xác nhận mối quan hệ cha con trên phương diện pháp luật. Khi công nhận cha con, có hai trường hợp xảy ra trên thực tế:

  • Công nhận cha con trên cơ sở tự nguyện, không tranh chấp: trường hợp cha con bị mất liên lạc lâu ngày nay muốn công nhận quan hệ hay có con trước thời kì hôn nhân mà người cha không biết sự tồn tại của con,…
  • Công nhận cha con trên cơ sở giải quyết tranh chấp: tranh chấp về nhận con khi vợ không muốn công nhận quan hệ cha con, người mẹ muốn công nhận quan hệ cha con khi có con trước hôn nhân và cha đứa bé không muốn thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng,…

Việc công nhận mối quan hệ cha con là việc nên làm để đảm bảo quyền lợi cho cha, con và quyền lợi của người mẹ trong một số trường hợp liên quan đến nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái.

dieu kien de xac nhan cha con
Điều kiện liên quan tới chứng minh quan hệ cha con là điều kiện quan trọng

Điều kiện công nhận cha con

Căn cứ Điều 25 Luật Hộ Tịch 2014, điều kiện công nhận cha con bao gồm:

  • Có yêu cầu công nhận quan hệ cha con: người gửi yêu cầu là người thành niên và không bị mất năng lực hành vi dân sự;
  • Có chứng cứ chứng minh quan hệ cha con: thường giấy xét nghiệm AND của cơ quan y tế có trình độ chuyên môn;
  • Khi đăng kí xác nhận quan hệ thì cha, mẹ, con đều phải có mặt.

Đối với điều kiên chứng cứ chứng minh quan hệ cha con, cụ thể ở Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định:

  • Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con;
  • Trường hợp không có văn bản giám định của cơ quan y tế thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

Các điều kiện để công nhận cha con phải được đáp ứng đầy đủ, nhất là điều kiện liên quan tới chứng cứ chứng minh quan hệ cha con.

Người có quyền yêu cầu xác định cha, con

Theo quy định tại Điều 102 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì:

Cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp không có tranh chấp.

Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự trong các trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này:

  • Cha, mẹ, con, người giám hộ;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
  • Hội liên hiệp phụ nữ.

Thủ tục yêu cầu công nhận cha con

Đăng kí nhận cha con ở đâu?

Theo Điều 101 Luật Hôn nhân gia đình 2014, Điều 25, Điều 44 Luật Hộ tịch 2014, cơ quan có thẩm quyền công nhận quan hệ cha con khi có yêu cầu:

  • Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha con thực hiện đăng ký nhận cha con trong trường hợp không có tranh chấp liên quan đến vấn đề công nhận cha con.
  • Nếu yêu cầu công nhận cha con giữa người Việt Nam và người nước ngoài thì Ủy Ban nhân dân cấp huyện sẽ thực hiện đăng kí trong trường hợp người cha muốn nhận con.
  • Trong trường hợp có tranh chấp thì tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha con theo quy định tại Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Lưu ý: yêu cầu công nhận cha con khi đăng kí tại tòa án trong nhiều trường hợp là vụ án dân sự (có tranh chấp) hoặc vụ việc dân sự (khôn có tranh chấp):

  • Vụ án dân sự: quy định tại khoản 4 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: đó là tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn, tranh chấp nhận nuôi dưỡng đứa bé khi mẹ con không cho phép,…
  • Vụ việc dân sự: khoản 10 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: thưởng diễn ra khi mẹ bé hoặc những người có quyền lợi trách nhiệm liên quan yêu cầu Tòa án xác định cha cho con trong trường hợp cha không nhận con nhưng mẹ bé muốn tiến hành xác định cha con,…

Hồ sơ yêu cầu công nhận cha con

Hồ sơ yêu cầu công nhận cha con trong trường hợp người cha chủ động nhận con theo Điều 25 Luật Hộ Tịch 2014:

  • Nộp tờ khai theo mẫu quy định;
  • Giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch;
  • Bản sao chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân của các bên.
  • Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.

ho so lam thu tuc nhan cha conMẫu tờ khai đăng kí nhận cha con

Trong trường hợp có tranh chấp yêu cầu công nhận cha con thì hồ sơ gồm:

  • Đơn khởi kiện yêu cầu xác định cha cho con và yêu cầu cấp dưỡng;
  • Giấy tờ tùy thân của các bên;
  • Sổ hộ khẩu;
  • Giấy tờ chứng minh quan hệ cha con;
  • Giấy khai sinh của con.

Thủ tục công nhận cha con

Nếu người cha muốn nhận con thì chỉ cần đáp ứng đủ các điều kiện về công nhận cha con, chuẩn bị hồ sơ và đem đến cơ quan có thẩm quyền đăng kí hộ tịch được nêu ở trên để tiến hành công nhận cha con.

Trong trường hợp có tranh chấp, những cá nhân, tổ chức có quyền nộp đơn khởi kiện yêu cầu công nhận cha con ra Tòa án nơi người cha cư trú. Thủ tục khởi kiện sẽ được giải quyết theo các trình tự thủ tục được quy định tron Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015:

  • Bước 1: Viết đơn khởi kiện có nội dung đầy đủ các phần được quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và chuẩn bị các hồ sơ cần thiết được nêu ở phần trên;
  • Bước 2: Nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp;
  • Bước 3: Sau khi nhận được đơn kiện, Tòa án xem xét đơn kiện trong vòng 08 ngày và ra quyết định có thụ lí vụ án không; thông báo cho người khởi kiện (yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn kiện; trả đơn kiện; thụ lí đơn kiện; chuyển giao đơn kiện);
  • Bước 4: Người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí trong vòng 07 này kể từ ngày nhận được thông báo tạm ứng án phí;
  • Bước 5: Thông báo cho người khởi kiện, các bên liên quan về thụ lí vụ án trong vòng 03 ngày; Chánh án Tòa án tiền hành phân công thẩm phán giải quyết vụ án;
  • Bước 6: Bị đơn và các bên liên quan nộp bản ghi ý kiến về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo;
  • Bước 7: Tòa án tiến hành chuẩn bị xét xử trong 04 tháng kể từ ngày thụ lí vụ án, tiến hành hòa giải tranh chấp giữa các bên.
  • Bước 8: Mở phiên tòa xét xử. Trong 01 tháng từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên xét xử sơ thẩm.
trinh tu thu tuc nhan cha con
Nộp hồ sơ xin nhận cha con tại cơ quan có thẩm quyền

Luật sư hướng dẫn thủ tục yêu cầu công nhận cha con

  • Tư vấn chuẩn bị hồ sơ: Đơn yêu cầu công nhận cha con theo mẫu quy định; Bản sao giấy khai sinh của đứa trẻ
  • Tư vấn thu thập chứng cứ chứng minh quan hệ cha con
  • Nộp đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền
  • Tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, công nhận hoặc không công nhận những vấn đề đã thống nhất

Trên đây là bài viết hướng dẫn về thủ tục yêu cầu công nhận cha con theo quy định của pháp luật. Đây là một thủ tục tố tụng phức tạp nên nên có sự trợ giúp của luật sư để được tư vấn, đại diện hiệu quả. Quý bạn đọc có thắc mắc hoặc cần giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực trên hãy liên hệ Luật sư hôn nhân gia đình thông qua hotline 1900 63 63 87 để được hỗ trợ.

4.8 (10 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 754 bài viết