Luật Hôn Nhân Gia Đình

Hướng dẫn thủ tục đăng ký giám hộ

Thủ tục đăng ký giám hộ là thủ tục bắt buộc đối với người giám hộ được cử, chỉ định. Người giám hộ phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin pháp lý liên quan đến vấn đề trên và hướng dẫn bạn đọc thủ tục đăng ký giám hộ theo quy định pháp luật.

thu tuc dang ky giam ho
Anh, chị ruột là người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên

Quy định của pháp luật về giám hộ

Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được lựa chọn để chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp cho người được giám hộ.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự 2015, những người được giám hộ bao gồm:

  • Người chưa thành niên không có cha, mẹ;
  • Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; không có điều kiện nuôi dạy con và có yêu cầu người giám hộ;
  • Người mất năng lực hành vi dân sự;
  • Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Theo đó, người giám hộ được luật định là người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên và người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự, những người này đương nhiên trở thành người giám hộ mà không cần phải làm thủ tục đăng ký giám hộ.

nguoi giam ho duong nhien cua tre chua thanh nien
Vợ hoặc chồng là người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên bao gồm:

  • Anh ruột hoặc chị ruột.
  • Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
  • Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột.

Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự bao gồm:

  • Vợ hoặc chồng của người mất năng lực hành vi dân sự là người giám hộ.
  • Con của cha và mẹ là người mất năng lực hành vi dân sự.
  • Cha mẹ của người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ.

Trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.

Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ và phải lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.

Điều kiện để trở thành người giám hộ theo Điều 50 Bộ luật dân sự 2015, bao gồm:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
  • Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
  • Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản.
  • Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

Quyền và nghĩa vụ của người giám hộ

trach nhiem cua nguoi giam ho
Người giám hộ phải có nghĩa vụ chăm sóc giáo dục người được giám hộ

Người giám hộ phải chấp hành đúng quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người giám hộ. Nếu vi phạm có thể bị thay đổi người giám hộ. Quyền và nghĩa vụ của người giám hộ cụ thể như sau:

Nghĩa vụ của người giám hộ

Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ chưa đủ mười lăm tuổi được quy định tại Điều 55 Bộ luật dân sự 2015, bao gồm:

  • Chăm sóc, giáo dục người được giám hộ.
  • Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ những giao dịch dân sự mà pháp luật quy định người chưa đủ mười lăm tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện.
  • Quản lý tài sản của người được giám hộ.
  • Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi, bao gồm:

  • Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ những giao dịch dân sự pháp luật quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện.
  • Quản lý tài sản của người được giám hộ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  • Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bao gồm:

  • Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ;
  • Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự;
  • Quản lý tài sản của người được giám hộ;
  • Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
  • Có nghĩa vụ theo quyết định của Tòa án về các nghĩa vụ trong số các nghĩa vụ trên, đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Quyền của người giám hộ

Quyền của người giám hộ theo quy định tại Điều 58 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm:

  • Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;
  • Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;
  • Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
  • Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có quyền theo quyết định của Tòa án trong số các quyền trên.

Đối với tài sản của người được giám hộ là, người giám hộ phải có trách nhiệm quản lý như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của họ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

cac buocdang ky giam ho cho nguoi chua thanh nien
Người giám hộ cần phải làm thủ tục đăng ký giám hộ theo quy định pháp luật

Thủ tục đăng ký người giám hộ

Thủ tục đăng ký giám hộ được quy định tại Điều 20,21 Luật Hộ tịch 2014 cụ thể là:

  1. Chuẩn bị bộ Hồ sơ đăng ký giám hộ.
  2. Nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ.
  3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ hộ tịch.
  4. Công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Hồ sơ đăng ký giám hộ bao gồm:

  • Tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu quy định;
  •  Văn bản cử người giám hộ theo quy định của pháp luật đối với người giám hộ được cử, chỉ định;
  • Giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên đối với người giám hộ đương nhiên;
  • Văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên đối với trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn thủ tục đăng ký giám hộ, đây là thủ tục bắt buộc đối với trường hợp cử, chỉ định; đối với người giám hộ đương nhiên tuy không phải đăng ký nhưng khuyến khích đăng ký để đảm bảo quyền lợi của mình. Quý bạn đọc nếu có thắc mắc xin vui lòng liên hệ Hotline 1900 63 63 87 để được Luật sư tư vấn. Xin cảm ơn./.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.6 (14 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 751 bài viết