Luật Hôn Nhân Gia Đình

Pháp Luật Về Hôn Nhân Có Yếu Tố Nước Ngoài

Theo Khoản 25 Điều 3 Luật HNGĐ 2014, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình khi:

– Có ít nhất một bên là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

– Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam nhưng căn cứ xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

Tổng quan về cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài

>>Xem thêm: Tư vấn thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài

Áp dụng pháp luật đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Theo quy định tại Điều 122 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 (Luật HNGĐ 2014), nguyên tắc áp dụng pháp luật được thực hiện như sau:

– Quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ có yếu tố nước ngoài. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó;

– Đối với áp dụng pháp luật nước ngoài, trong trường hợp Luật HNGĐ, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng, nếu việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của Luật HNGĐ. Trong trường hợp pháp luật nước ngoài dẫn chiếu trở lại pháp luật Việt Nam thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng.

Thẩm quyền giải quyết các vụ, việc hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài

Căn cứ Điều 123 Luật HNGĐ 2014, thẩm quyền được quy định như sau:

Đối với việc đăng ký hộ tịch: Theo quy định tại Điều 7 Luật Hộ tịch 2014, đối với quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì việc đăng ký hộ tịch thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện;

Chủ thể có thẩm quyền giải quyết hôn nhân có yếu tố nước ngoài

Đối với tranh chấp hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài: Theo Điều 28, Điều 29 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS 2015), những tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Theo Điều 35 và 37 BLTTDS 2015, những yêu cầu, tranh chấp về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của BLTTDS và các quy định khác của pháp luật Việt Nam thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công dân Việt Nam cư trú (Khoản 3 Điều 123 Luật HNGĐ 2014 và Khoản 4 Điều 35 BLTTDS 2015).

Kết hôn có yếu tố nước ngoài

a. Điều kiện kết hôn

Căn cứ Điều 126 Luật HNGĐ 2015, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật HNGĐ về điều kiện kết hôn. Việc kết hôn giữa những người nước ngoài thường trú ở Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân theo các quy định của Luật HNGĐ về điều kiện kết hôn.

b. Thủ tục kết hôn

Thủ tục kết hôn được thực hiện tại Điều 38 Luật Hộ tịch 2014, hướng dẫn tại Điều 30, 31, 32 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn

Hồ sơ gồm:

a) Hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn;

b) Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài là giấy do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng; trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.

Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế chỉ có giá trị 6 tháng, kể từ ngày cấp.

c) Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (như giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú;

d) Ngoài giấy tờ trên, nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn; nếu là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.

Thủ tục để đi đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài

Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm xác minh, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tư pháp tiến hành nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ và xác minh nếu thấy cần thiết. Trưởng phòng Phòng Tư pháp chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra và đề xuất của Phòng Tư pháp trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn.

Bước 3: Đăng ký kết hôn và trao Giấy chứng nhận kết hôn

Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, không thuộc trường hợp từ chối kết hôn đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 33 Nghị định 123/2015/NĐ-CP (một hoặc cả hai bên vi phạm điều cấm hoặc không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam) thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn, Phòng Tư pháp tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ. Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn. Trường hợp một hoặc hai bên nam, nữ không thể có mặt để nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì theo đề nghị bằng văn bản của họ, Phòng Tư pháp gia hạn thời gian trao Giấy chứng nhận kết hôn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn. Hết 60 ngày mà hai bên nam, nữ không đến nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hủy Giấy chứng nhận kết hôn đã ký. Nếu sau đó hai bên nam, nữ vẫn muốn kết hôn với nhau thì phải tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Ly hôn có yếu tố nước ngoài

Căn cứ Điều 127 Luật HNGĐ 2014, việc ly hôn có yếu tố nước ngoài quy định như sau:

  • Thẩm quyền giải quyết: Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật HNGĐ.
  • Pháp luật áp dụng: Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam. Đối với giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

Trên đây là các quy định về hôn nhân có yếu tố nước ngoài  và hướng dẫn chi tiết.Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng qua hotline 1900 63 63 87.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.8 (20 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 754 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *