Luật Hôn Nhân Gia Đình

Chồng có hành vi bạo lực nhưng không đồng ý ly hôn xử lý như thế nào?

Chồng có hành vi bạo lực nhưng không đồng ý ly hôn là một tình trạng đang diễn ra ở một số gia đình hiện nay. Vậy để bảo vệ quyền và lợi ích cho người vợ trong trường hợp này cũng như giải quyết vấn đề bạo lực gia đình, pháp luật đã có những quy định như thế nào để xử lý tình trạng trên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

hướng xử lý khi chồng có hành vi bạo lực nhưng không đồng ý ly hôn

Hướng xử lý khi chồng có hành vi bạo lực nhưng không đồng ý ly hôn

Quy định về ly hôn

Ly hôn là gì?

Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Ly hôn là phương án lựa chọn cuối cùng khi những mâu thuẫn giữa vợ chồng trở nên trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

>> Xem thêm: Quy Định Pháp Luật Về Ly Hôn

Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:

  • Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
  • Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
  • Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn, vì vậy họ sẽ có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn đối với hôn nhân của chính mình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể sẽ do chủ thể khác được pháp luật quy định yêu cầu giải quyết ly hôn hoặc sẽ giới hạn quyền của chồng nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của hai bên.

quyền ly hôn đơn phương khi chồng có hành vi bạo lực

Đơn phương ly hôn khi chồng có hành vi bạo lực gia đình

Đơn phương ly hôn khi chồng có hành vi bạo lực gia đình

Quy định về các hành vi bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Theo quy định tại Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007, các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

  • Hành hạ, ngược đãi đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
  • Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
  • Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
  • Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
  • Cưỡng ép quan hệ tình dục;
  • Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
  • Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
  • Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
  • Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Bạo lực gia đình là một vấn đề không còn mới mẻ hay xa lạ trong cuộc sống hiện nay, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách xử lý đúng đắn khi gặp hành vi bạo lực gia đình để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của mình. Vì vậy pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình ra đời nhằm giúp mọi người giải quyết vấn đề này.

Quyền ly hôn đơn phương khi chồng có hành vi bạo lực

Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về ly hôn theo yêu cầu của một bên có quy định:

  • Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
  • Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Vì vậy, trong trường hợp chồng có hành vi bạo lực gia đình nhưng không đồng ý ly hôn thì vợ hoặc cha, mẹ, người thân thích khác có quyền đơn phương yêu cầu ly hôn nếu đáp ứng những điều kiện trên.

>> Xem thêm: Có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn khi bị bạo lực gia đình

quyền ly hôn đơn phương khi chồng có hành vi bạo lực

Thủ ly hôn khi chồng có hành vi bạo lực

Thủ tục ly hôn khi chồng có hành vi bạo lực

Hồ sơ khởi kiện ly hôn

  • Đơn khởi kiện ly hôn;
  • Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
  • Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân của vợ, chồng (bản sao chứng thực);
  • Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực);
  • Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất; Đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao chứng thực).

Trình tự ly hôn khi chồng có hành vi bạo lực

  • Nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền (Tòa án nơi chồng cư trú);
  • Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ, Tòa án kiểm tra xử lý đơn và ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí;
  • Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí;
  • Tòa án ra quyết định thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí theo quy định tại Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
  • Tòa án tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Thời gian giải quyết vụ án ly hôn

  • Thời hạn xét xử trung bình của một vụ án ly hôn là từ 4 đến 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
  • Thời hạn mở phiên tòa thông thường từ 1 đến 2 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

>>Xem thêm: Tư Vấn Thủ Tục Ly Hôn Đơn Phương

Luật sư tư vấn ly hôn khi chồng có hành vi bạo lực

Luật sư thực hiện các công việc sau để vấn xử lý khi chồng có hành vi bạo lực nhưng không đồng ý ly hôn:

  • Tư vấn các quy định pháp luật về hành vi bạo lực gia đình và quyền yêu cầu ly hôn;
  • Tư vấn cho khách hàng hướng xử lý khi chồng có hành vi bạo lực nhưng không đồng ý ly hôn;
  • Tư vấn, hỗ trợ soạn thảo đơn khởi kiện ly hôn và các văn bản, đơn từ khác;
  • Trao đổi và hướng dẫn khách hàng thu thập tài liệu chứng cứ, cung cấp thông tin;
  • Tham gia vào quá trình TỐ TỤNG giải quyết ly hôn;
  • Tư vấn, hỗ trợ các vấn đề khác liên quan đến quá trình yêu cầu giải quyết ly hôn.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về Cách xử lý khi chồng có hành vi bạo lực nhưng không đồng ý ly hôn. Nếu quý khách còn có thắc mắc về vấn đề ly hôn hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác liên quan đến TƯ VẤN PHÁP LUẬT HÔN NHÂN GIA ĐÌNH, hãy liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE: 1900.63.63.87 để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể hơn.

Trân trọng cảm ơn!

4.8 (16 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 754 bài viết