Luật Hình Sự

Tình tiết giảm nhẹ nào khi lỡ tay làm chết người

Theo quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung) có quy định về tội danh và hình phạt đối với Tội vô ý làm chết người. Thực tiễn xét xử cho thấy, việc Tòa án quyết định về hình phạt đối với người phạm tội này thì Tòa án xem xét vào từng trường hợp nhất định, cũng như các tình tiết giảm nhẹ nhằm định lượng mức trách nhiệm pháp lý chính xác phù hợp với tính chất nguy hiểm của người phạm tội.

Lỡ tay làm chết người có thể bị phạt tù

Thế nào là lỡ tay làm chết người?

Theo khoa học pháp lý hình sự thì điều kiện để một hành vi được xem là tội phạm khi chúng đáp ứng đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, tương tự đối với Tội vô ý làm chết người, thì các cấu thành cơ bản của tội này như sau:

  • Khách thể:

Khách thể của tội vô ý làm chết người là quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền sống của con người. Đây cũng là quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong chính Hiến Pháp năm 2013. Và khách thể này bị xâm phạm thông qua đối tượng tác động đó là con người.

  • Mặt khách quan:

Vô ý làm chết người là trường hợp người phạm tội tuy thấy chính hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra còn có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Hành vi vô ý làm chết người được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.

Tội vô ý làm chết người là tội phạm có cấu thành vật chất, vì vậy hậu quả chết người xảy ra là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này. Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vô ý.

  • Mặt chủ quan:

Ý thức của người phạm tội là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa tội vô ý làm chết người và tội giết người. Đó là lỗi của người phạm tội, người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội của mình dưới hình thức lỗi do vô ý bao gồm cả vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin.

  • Chủ thể:

Chủ thể của tội vô ý làm chết người là chủ thể thường và bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đểu có thể là chủ thể của tội vô ý làm chết người. Căn cứ theo các quy định của pháp luật thì chủ thể của tội vô ý làm chết người phải có độ tuổi từ đủ 16 trở lên.

Phân tích các tình tiết giảm nhẹ khi lỡ tay làm chết người

Tình tiết giảm nhẹ khi lỡ tay làm chết người

Trên thực tế, đối với các vụ án về “Tội vô ý làm chết người” thông thường người phạm tội có thể được hưởng các tình tiết giảm nhẹ sau theo quy định tại Điều 51 BLHS, tùy thuộc vào từng trường hợp, vụ án cụ thể bao gồm các tình tiết:

  • Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

 “Ngăn chặn tác hại của tội phạm” là khi tội phạm đã được thực hiện và người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động của khách quan nên đã bằng những khả năng có thể để ngăn chặn không cho tác hại của tội phạm xảy ra.

“Làm giảm bớt tác hại của tội phạm” là khi tội phạm đã được thực hiện, tác hại của tội phạm đang xảy ra và người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động khách quan nên đã bằng những khả năng có thể để không cho tác hại của tội phạm xảy ra lớn hơn.

  • Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

 “Sửa chữa” được hiểu là sửa lại, chữa lành những cái bị hành vi phạm tội làm hư hỏng. Ví dụ: A có hành vi phá hoại tài sản là chiếc xe của B. Nhưng sau đó, A đã tự nguyện đem chiếc xe của B đem đi bảo hành, sửa chữa tại trung tâm sửa chữa.

“Bồi thường thiệt hại” được hiểu là dùng tiền hoặc tài sản của mình đưa cho người bị thiệt hại để bù đắp lại những thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra. Thiệt hại ở đây bao gồm cả những thiệt hại có thể được định giá (thiệt hại về vật chất, thể chất) và những thiệt hại không thể định lượng, thiệt hại vô hình (thiệt hại về danh dự, tinh thần). Ví dụ: A có hành vi vô ý làm chết người, A và gia đình A đã chủ động liên lạc đến gia đình nạn nhân bồi thường 10 triệu đồng tiền mai táng, tổn thất tinh thần cho thân nhân nạn nhân.

“Khắc phục hậu quả” là trường hợp hành vi phạm tội gây ra những hậu quả không phải dưới dạng thiệt hại về vật chất, không thể sửa chữa hay bồi thương được, buộc người phạm tội phải có những hành động tích cực nhằm khắc phục những hậu quả đó. Chẳng hạn, trong quá trình sản xuất nhựa, Công ty A do vô ý đã rò rỉ chất thải ra ngoài môi trường làng chài nuôi cá xung quanh. Sau khi biết được sự việc, ngay lập tức Công ty A đã phát tin tức, ra sức thành lập các nhóm công nhân vớt chất thải ngày đêm nhằm hạn chế kịp thời thiệt hại có thể xảy ra cho môi trường cũng như các làng chài xung quanh.

  • Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

Phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật thì được xem là một trong những tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên trong trường hợp, người phòng vệ thực hiện hành vi bảo vệ các lợi ích chính đáng lại chống trả quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm phạm và có căn cứ chứng minh cho việc quá mức cần thiết này thì họ sẽ chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá.

  • Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

Theo quy định tại Điều 23 BLHS thì tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.

Lỡ tay làm chết người bị phạt tù thế nào?

Các hình phạt khi lỡ tay làm chết người

Theo quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự 2015, người lỡ tay làm chết người có thể bị các hình phạt như sau:

  • Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
  • Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Trên đây là toàn bộ các thông tin về chủ đề “Tình tiết giảm nhẹ nào khi lỡ tay làm chết người.”. Trường hợp quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật, giải quyết hỗ trợ các vấn đề pháp lý, xin vui lòng gọi ngay đến Luật sư Phan Mạnh Thăng qua hotline 1900 63 63 87 để được hỗ trợ tận tình.

4.6 (14 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 923 bài viết