Luật Hình Sự

Thủ tục thực nghiệm điều tra

Yêu cầu tiến hành thực nghiệm điều tra vụ án hình sự được Viện kiểm sát đưa ra nhằm phục vụ quá trình xử lý vụ án hình sự. Thông qua việc tái hiện lại hành vi, sự việc, hiện tượng đã diễn ra trước đây, có thể đưa ra kết luận khách quan để phục vụ công tác điều tra. Trong bài viết sau đây, chúng tôi sẽ trình bày thủ tục thực nghiệm điều tra và vai trò của luật trong quá trình thực nghiệm điều tra. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin liên quan. Thủ tục thực nghiệm điều tra và vai trò của luật trong quá trình thực nghiệm điều tra

Thủ tục thực nghiệm điều tra và vai trò của luật trong quá trình thực nghiệm điều tra

Tại sao cần phải thực nghiệm điều tra trong vụ án hình sự?

Kiểm tra những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được về vụ án

Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, có thể áp dụng nhiều phương pháp để kiểm tra chứng cứ như: So sánh chúng với nhau, thu thập chứng cứ mới, nghiên cứu nhân thân của bị can, người làm chứng … Chứng cứ cũng có thể kiểm tra bằng con đường thử nghiệm – một hình thức “thử thách” để xác định giá trị thực của chúng. Trong thực tế điều tra, thực nghiệm điều tra được sử dụng rộng rãi như là một phương tiện hữu hiệu để kiểm tra chứng cứ. Qua thực nghiệm điều tra, điều tra viên có thể xác định được mức độ tin cậy và giá trị xác thực của những tình tiết được phản ánh trong lời khai của những người tham gia tố tụng như bị can, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng hoặc của những vật chứng khác nhau đã thu thập được trong quá trình điều tra vụ án.

Kiểm tra và đánh giá các giả thuyết điều tra

Khi tiến hành thực nghiệm điều tra để kiểm tra các giả thuyết điều tra, điều tra viên không nhằm mục đích kiểm tra chứng cứ riêng lẻ nào đó hoặc tổng hợp các chứng cứ đã thu thập được mà kiểm tra những nhận định, phán đoán hoặc những giải thích của mình được xây dựng dựa trên những chứng cứ đó hoặc những tài liệu trinh sát đã thu thập được.

Thu thập những tài liệu, chứng cứ mới

Thực nghiệm điều tra là một biện pháp điều tra trong tố tụng hình sự. Vì vậy, cũng như các biện pháp điều tra khác được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, nó cũng được sử dụng như là một phương tiện để thu thập chứng cứ (Xem: Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự). Kết quả của thực nghiệm điều tra khẳng định hoặc phủ định sự tồn tại của một tình tiết nào đó trong vụ án hình sự, khẳng định hoặc phủ định những nhận định, phán đoán (giả thuyết) của điều tra viên về vụ án nói chung và về các tình tiết cụ thể của nó. Những tình tiết đã được kiểm tra, những đồ vật, tài liệu được phát hiện có thể trở thành chứng cứ trong vụ án đó. Kết quả thực nghiệm điều tra thường không tạo ra chứng cứ mới mà chỉ phát hiện ra và xác lập chúng.

>>>Xem thêm: Thủ tục đối chất trong Tố tụng hình sự

Phát hiện những nguyên nhân và điều kiện phạm tội, đề xuất các biện pháp phòng ngừa

Kết quả thực nghiệm điều tra giúp cơ quan điều tra phát hiện được những nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hành vi phạm tội. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra sẽ yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp về tổ chức hoặc kỹ thuật để khắc phục và ngăn ngừa, không cho những vụ án tương tự xảy ra.

Nguyên tắc thực nghiệm điều tra

Nghiêm chỉnh tuân theo pháp luật

Thực nghiệm điều tra là một biện pháp điều tra được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, có mục đích thu thập, kiểm tra chứng cứ, kiểm tra các giả thuyết điều tra phục vụ việc điều tra và xử lý vụ án hình sự. Vì vậy, thực nghiệm điều tra chỉ được tiến hành trong khuôn khổ và theo trình tự thủ tục do pháp luật, mà chủ yếu là luật tố tụng hình sự, quy định. Cụ thể, cần quán triệt một số vấn đề sau:

  • “Không được xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người tham gia việc thực nghiệm điều tra”(khoản 2 Điều 204 Bộ luật tố tụng hình sự);
  • Không được gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, tập thể, công dân khi tiến hành thực nghiệm điều tra;
  • Không được gây ảnh hưởng xấu tới phong tục tập quán, đạo đức, điều kiện sinh hoạt bình thường của nhân dân nơi tiến hành thực nghiệm điều tra;
  • Tiến hành thực nghiệm điều tra phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục do luật tố tụng hình sự quy định (các Điều 204, 205 Bộ luật tố tụng hình sự).

Tôn trọng sự thật khách quan

Kết quả thực nghiệm điều tra được cơ quan điều tra sử dụng làm cơ sở để kiểm tra và đánh giá tính khách quan và mức độ tin cậy của lời khai của những người tham gia tố tụng, vật chứng hay giả thuyết điều tra. Vì vậy, bản thân hoạt động này cũng phải được tiến hành trên nguyên tắc tôn trọng sự thật khách quan, tránh mọi biểu hiện áp đặt ý chí chủ quan hay định kiến. Để thực hiện tốt nguyên tắc này, cần phải chú ý những vấn đề sau:

  • Thực nghiệm điều tra phải được tiến hành trong điều kiện tương tự như điều kiện mà hành vi, sự việc, hiện tượng cần kiểm tra đã diễn ra trong thực tế;
  • Không được gò ép, bắt buộc, gợi mớm, lừa phỉnh, dụ dỗ hoặc có những biểu hiện sai trái khác với những người diễn lại hoặc làm thử;
  • Phải có thái độ nghiêm túc, khách quan khi phân tích, đánh giá kết quả thực nghiệm điều tra cũng như bản thân cuộc thực nghiệm điều tra.

Thủ tục thực nghiệm điều tra

Thủ tục thực nghiệm điều tra

Thủ tục thực nghiệm điều tra

Ban hành quyết định thực nghiệm điều tra Căn cứ vào điểm d khoản 2 Điều 36, điểm đ Khoản 2 Điều 41, điểm d Khoản 1 Điều 45  BLTTHS 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể nhất định trong việc ban hành quyết định thực nghiệm điều tra. Đồng thời tại Khoản 1 Điều 204 BLTTHS 2015 quy định:

  • Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.
  • Nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác.

Nghĩa vụ thông báo về thực nghiệm điều tra

Theo Khoản 2 Điều 204 BLTTHS 2015 quy định trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc thực nghiệm điều tra. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải ghi rõ vào biên bản.

Biên bản thực nghiệm điều tra

Biên bản thực nghiệm điều tra vụ án hình sự là văn bản ghi lại toàn bộ quá trình diễn ra hoạt động thực nghiệm điều tra hiện trường. Nội dung biên bản ghi rõ ngày giờ, địa điểm diễn ra hoạt động thực nghiệm điều tra và có chữ ký của những người tham gia. Căn cứ tại Khoản 1 Điều Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 quy định: “Kiểm sát viên báo cáo với Lãnh đạo đơn vị để ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành thực nghiệm điều tra đối với những vụ án cần kiểm tra và xác minh những tài liệu, những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án. Kiểm sát viên cần nghiên cứu nội dung, kế hoạch thực nghiệm điều tra, kiểm sát việc thực nghiệm điều tra, bảo đảm việc thực nghiệm điều tra và lập biên bản thực nghiệm điều tra tuân thủ đúng các quy định tại Điều 153 và Điều 154 BLTTHS”.

Quyền đề nghị dừng thực nghiệm điều tra, hoãn thực nghiệm điều tra, tiến hành thực nghiệm điều tra lại

Quyền đề nghị dừng thực nghiệm điều tra, hoãn thực nghiệm điều tra thuộc về kiểm sát viên phụ trách vụ án theo tinh thần theo điểm d Khoản 1 điều 42 BLTTHS 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự và tại Khoản 3 Điều 4 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Thông qua đó cho thấy đây là một hạn chế của Luật sư hiện nay khi tham gia vụ án hình sự vì họ chỉ được có mặt nhưng không được thực hiện được quyền giám sát, kiến nghị.

Vai trò của luật trong quá trình thực nghiệm điều tra

Xác minh sự thật khách quan của vụ án

Để kiểm tra, đánh giá chứng cứ, lời khai của các đối tượng và người có liên quan, đảm bảo khách quan, đúng người, đúng tội, đúng bản chất vụ việc, cơ quan điều tra (hoặc Viện Kiểm sát) tiến hành thực nghiệm điều tra. Từ việc dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống… sẽ giúp lực lượng chức năng có được góc nhìn tổng quát, sinh động và đánh giá khách quan về toàn bộ vụ án;  phát hiện tính logic, hoặc mâu thuẫn, bất hợp lý trong lời khai, tài liệu, chứng cứ đã thu thập được; đồng thời khai thác thêm những thông tin, chứng cứ về vụ án, về hành vi phạm tội của các đối tượng mà các biện pháp điều tra khác chưa thu thập được.

Đảm tính khách quan, đúng quy định pháp luật của cơ quan điều tra

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thủ tục tiến hành thực nghiệm điều tra, cụ thể tại Khoản 3 Điều 204 quy định: “Điều tra viên chủ trì tiến hành thực nghiệm điều tra và việc thực nghiệm điều tra phải có người chứng kiến. Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Cơ quan điều tra có thể mời người có chuyên môn tham gia. Trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng có thể tham gia.” Từ đó, có thể thấy luật đã quy định chặt chẽ về việc giảm sát quá trình thực nghiệm điều tra đồng thời cho phép mời các chuyên gia có chuyên môn cũng như các bên vụ án tham gia nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch và làm đúng theo quy định pháp luật của cơ quan điều tra.

>>>Xem thêm: Trả hồ sơ điều tra bổ sung khi nào trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự?

Thu thập thêm chứng cứ bảo vệ thân chủ

Trong quá trình giám sát điều tra, nếu thấy những tài liệu, chứng cứ điều tra vụ án mà Cơ quan điều tra thu thập chưa đầy đủ, có những mâu thuẫn thì Viện Kiểm sát có thể tiến hành thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra do Viện Kiểm sát tiến hành cũng được thực hiện theo quy định tại Điều 204 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Khi đó, việc thực nghiệm điều tra có thể thu thập thêm các chứng cứ hữu ích mà chưa thể thu thập được để bảo vệ quyền lợi của thân chủ

Trên đây là một số tư vấn sơ lược về Thủ tục thực nghiệm điều tra và vai trò của luật trong quá trình thực nghiệm điều tra. Để tìm hiểu các vấn đề pháp lý liên quan về lĩnh vực hợp đồng dân sự quý khách có thể truy cập TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ để tham khảo một cách chi tiết và kịp thời nhất, đồng thời bạn đọc vui lòng liên hệ qua số HOTLINE 1900.63.63.87 để được tư vấn và hỗ trợ. 

4.5 (18 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 898 bài viết