Luật Hình Sự

Thẩm Quyền Tiến Hành Tố Tụng Hình Sự Của Tòa Án

Theo Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS 2015), cơ quan tiến hành tố tụng gồm Cơ quan điều tra; Viện kiểm sát; Tòa án.

Trên căn cứ này, Điểm c Khoản 2 Điều 34 BLTTHS 2015 cũng quy định, người tiến hành tố tụng tại tòa án bao gồm: Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên.

Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án

  1. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án quy định tại Khoản 1 Điều 44 BLTTHS 2015 như sau:

+ Trực tiếp tổ chức việc xét xử vụ án hình sự; quyết định giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử;

+ Quyết định phân công Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết, xét xử vụ án hình sự; quyết định phân công Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự; quyết định phân công Thẩm tra viên thẩm tra hồ sơ vụ án hình sự;

+ Quyết định thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa;

+ Ra quyết định thi hành án hình sự;

+ Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù;

+ Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù;

+ Quyết định xoá án tích;

+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Khi vắng mặt, Chánh án Tòa án ủy quyền cho một Phó Chánh án Tòa án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án. Phó Chánh án Tòa án phải chịu trách nhiệm trước Chánh án Tòa án về nhiệm vụ được ủy quyền.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án khi tiến hành việc giải quyết vụ án hình sự, Chánh án Tòa án quy định tại Khoản 2 Điều 44 BLTTHS như sau:

+ Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam, xử lý vật chứng;

+ Quyết định áp dụng, đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh;

+ Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hoặc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn;

+ Kiến nghị, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;

+ Quyết định và tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án;

+ Tiến hành hoạt động tố tụng khác theo quy định của BLTTHS.

Phó Chánh án Tòa án, theo quy định tại Khoản 3 Điều 44 BLTTHS 2015, khi được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự thì có những nhiệm vụ, quyền hạn như nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án, trừ trường hợp quyết định phân công Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết, xét xử vụ án hình sự; quyết định phân công Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự; quyết định phân công Thẩm tra viên thẩm tra hồ sơ vụ án hình sự. Ngoài ra, Phó Chánh án Tòa án không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình.

Theo Khoản 4 Điều 44 BLTTHS 2015, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án không được ủy quyền cho Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

  1. Thẩm phán

Theo Khoản 1 Điều 45 BLTTHS 2015, Thẩm phán có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

+ Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa;

+ Tiến hành xét xử vụ án;

+ Tiến hành hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử;

+ Tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.

Đối với Thẩm phán là chủ tọa phiên tòa, ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn trên còn có các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Khoản 2 Điều 45 BLTTHS 2015 như sau:

+ Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ biện pháp tạm giam;

+ Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

+ Quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án;

+ Điều hành việc xét xử vụ án, tranh tụng tại phiên tòa;

+ Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản;

+ Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật;

+ Quyết định triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa;

+ Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án theo quy định của BLTTHS.

Về trách nhiệm của Thẩm phán, theo Khoản 3 Điều 45 BLTTHS 2015, Thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

  1. Hội thẩm nhân dân

Theo Điều 46 BLTTHS 2015, Hội thẩm có những nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm sau:

+ Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa;

+ Tiến hành xét xử vụ án;

+ Tiến hành hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử.

+ Hội thẩm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

  1. Thư ký Tòa án

Theo Điều 47 BLTTHS 2015, Thư ký Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm sau:

+ Kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án triệu tập; nếu có người vắng mặt thì phải nêu lý do;

+ Phổ biến nội quy phiên tòa;

+ Báo cáo Hội đồng xét xử danh sách những người được triệu tập đến phiên tòa và những người vắng mặt;

+ Ghi biên bản phiên tòa;

+ Tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.

+ Thư ký Tòa án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh án Tòa án về hành vi của mình.

Thư ký toà án

  1. Thẩm tra viên

Theo Điều 48 BLTTHS 2015, Thẩm tra viên được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm sau::

+ Thẩm tra hồ sơ vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo sự phân công của Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án;

+ Kết luận việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra với Chánh án Tòa án hoặc Phó Chánh án Tòa án;

+ Thẩm tra viên giúp Chánh án Tòa án thực hiện nhiệm vụ về công tác thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa án và nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án hoặc Phó Chánh án Tòa án.

+ Thẩm tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh án, Phó Chánh án Tòa án về hành vi của mình.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.7 (16 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 894 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *