Luật Hình Sự

Hướng dẫn thủ tục khiếu nại kết luận điều tra vụ án hình sự

Bản kết luận điều tra trong vụ án hình sự là văn bản do Cơ quan điều tra lập khi kết thúc vụ án hình sự, nếu có dấu hiệu tội phạm thì sẽ kèm nội dung đề nghị truy tố bị can. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trường hợp văn bản này bị khiếu nại khi có chủ thể phản đối kết quả điều tra vì cho rằng quá trình điều tra có sai sót. Vậy hướng dẫn thủ tục khiếu nại kết luận điều tra vụ án hình sự sẽ thực hiện thế nào? Trong bài viết dưới đây, Chuyên tư vấn luật sẽ giải đáp thắc mắc của bạn.

Khiếu nại kết luận điều tra vụ án hình sự

Khiếu nại kết luận điều tra vụ án hình sự

Thời hạn khiếu nại

Thời hiệu khiếu nại được quy định tại Điều 471 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể như sau:

  • Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật.
  • Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại

Theo quy định tại Điều 475 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thẩm quyền giải quyết:

  • Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra do Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
  • Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
  • Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xem xét, giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
  • Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện trưởng Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra xem xét, giải quyết.

>>> Xem thêm: Hướng dẫn khiếu nại việc không khởi tố vụ án Hình sự

Nội dung đơn khiếu nại

Theo Điều 8 Luật Khiếu nại 2011 thì việc khiếu nại có thể lập bằng văn bản hoặc khiếu nại trực tiếp. Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

Tài liệu chứng cứ về nội dung khiếu nại

Đưa ra tài liệu, chứng cứ về nội dung khiếu nại vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của người khiếu nại. Theo đó, tại quy định của Điều 12 Luật Khiếu nại 2011 có quy định như sau:

  • Người khiếu nại có quyền đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó.
  • Người khiếu nại cũng có nghĩa vụ trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;

>>> Xem thêm: Hướng dẫn khiếu nại kết luận giám định thương tích

Thủ tục giải quyết khiếu nại

Thụ lý giải quyết khiếu nại

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nại 2011, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do (Điều 27 Luật Khiếu nại 2011).

Thụ lý đơn khiếu nại

Thụ lý đơn khiếu nại

Xác minh nội dung khiếu nại

Xác minh nội dung khiếu nại là một khâu rất quan trọng trong trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, làm sáng tỏ những nội dung còn khúc mắc làm phát sinh khiếu nại và là cơ sở quan trọng để kết luận về nội dung khiếu nại.

Theo quy định thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý (vụ việc phức tạp có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày), nếu trong giai đoạn này người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu kiểm tra lại quyết định, hành vi của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp mà đúng với nội dung khiếu nại thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay. Trong trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cơ quan Thanh tra Nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.

Việc xác minh phải đảm bảo khách quan, chính xác, kịp thời thông qua các hình thức: Kiểm tra, xác minh trực tiếp tại địa điểm phát sinh khiếu nại; kiểm tra xác minh thông qua các tài liệu, chứng cứ mà người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp; các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Quyết định giải quyết khiếu nại

Khi có căn cứ chứng tỏ nội dung khiếu nại là có căn cứ, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản và trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan quản lý cấp trên.

Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận nội dung khiếu nại và căn cứ vào kết luận đó để ra quyết định giải quyết khiếu nại cho từng người hoặc ra quyết định giải quyết khiếu nại kèm theo danh sách những người khiếu nại (khoản 3 Điều 31 Luật Khiếu nại 2011).

Quyền khiếu nại tiếp khi không đồng ý kết quả giải quyết khiếu nại

Nếu sau khi đề nghị người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại vẫn không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại tiếp đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần tiếp theo. Thẩm quyền giải quyết lần tiếp theo được quy định  tại Điều 475 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể như sau:

  • Đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra do Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, giải quyết lần đầu thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp là quyết định có hiệu lực pháp luật.
  • Đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết lần đầu thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu việc giải quyết khiếu nại lần đầu do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.
  • Đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xem xét, giải quyết lần đầu thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát là quyết định có hiệu lực pháp luật.

Mẫu đơn khiếu nại lần 2

Mẫu đơn khiếu nại lần 2

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến Hướng dẫn thủ tục khiếu nại kết luận điều tra vụ án hình sự. Nếu như bạn có bất cứ vướng mắc nào hoặc có nhu cầu tìm hiểu thêm xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ tư vấn và hỗ trợ. Xin cảm ơn.

4.9 (12 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 898 bài viết