Luật Hình Sự

Hình phạt tù do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

Hình phạt tù đối với hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy được quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự . Theo đó, bên cạnh hình phạt tù, người phạm tội còn có thể phải chịu các hình phạt hành chính bổ sung trong trường hợp cần thiết. Tùy vào mức độ nguy hiểm và hậu quả của hành vi mà chủ thể phạm tội có thể chịu các khung hình phạt khác nhau.

Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Bộ luật Hình sự

  • Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 thì khái niệm cháy được hiểu là: Cháy được hiểu là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường.
  • Theo đó, phòng cháy chữa cháy có thể hiểu là hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và làm giảm thiểu tối đa thiệt hại mà đám cháy có thể gây ra.
  • Khoản 1 điều 5 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 quy định về trách nhiệm phòng cháy chữa cháy, theo đó: Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy có thể hiểu rằng, vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy là việc cá nhân, tố chức, hộ gia đình, cơ quan… có hành vi không tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến việc gây ra hậu quả và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hiện hành.

Cấu thành tội phạm của Điều 313 Bộ Luật Hình sự

Đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy, để cấu thành hành vi phạm tội được quy định tại Điều 313 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, cần phải đáp ứng đầy đủ các yếu tố sau:

Chủ thể

Đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy, chủ thể thực hiện hành vi là chủ thể thường và phải đảm bảo các điều kiện sau:

  • Đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự: từ đủ 16 tuổi trở lên.
  • Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
  • Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

CSPL: Khoản 1 Điều 12, Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015.

Khách thể

Hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy xâm phạm đến việc đảm bảo an toàn công cộng, tính mạng, sức khỏe của công dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước và công dân. Có thể thấy đây là một trong các lĩnh vực cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người dân cũng như tài sản khác. Việc đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy hiệu quả giúp giảm tối đa nguy cơ nguy hiểm cho con người nói riêng và xã hội nói chung.

Quy định về phòng cháy, chữa cháy

Mặt chủ quan

Đối với hành vi trên, yếu tố lỗi của chủ thể phạm tội là lỗi vô ý theo Điều 11 Bộ luật Hình sự 2015:

Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

  • Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;
  • Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Theo quy định trên, lỗi vô ý của chủ thể phạm tội được chia thành hai trường hợp:

  • Vô ý vì quá tự tin: Người có hành vi vi phạm có thể nhìn thấy trước việc không tuân thủ những quy định trên thì có thể gây ra đám cháy dẫn đến thiệt hại nhưng cho rằng đám cháy sẽ không xảy ra, hoặc tin rằng có thể khắc phục được.
  • Vô ý do cẩu thả: Người có hành vi vi phạm không tuân thủ đúng hoặc bỏ qua những nguy hiểm có thể xảy ra mặc dù trên thực tế các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đã tuyên truyền, khuyến khích người dân tuân thủ những quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Mặt khách quan

Tội phạm được thể hiện ở những hành vi cụ thể như:

  • Không tuân thủ các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy: Không trang bị đầy đủ các thiết bị, dụng cụ chuyên dụng để phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
  • Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy như: hút thuốc lá, sử dụng những nguyên vật liệu dễ bắt cháy tại những khu vực nguy hiểm, bảo quản vật liệu dễ gây cháy nổ chưa đúng cách…
  • Hậu quả: đối với hành vi phạm tội trên: hậu quả là yếu tố bắt buộc để cấu thành tội phạm. cụ thể, đám cháy phải xảy ra trên thực tế và gây ra những thiệt hại nhất định. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hậu quả mà chủ thể phạm tội sẽ bị xử lý bởi các chế tài khác nhau.

Quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy mới nhất

Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về khung hình phạt đối với hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy như sau:

Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

  • Làm chết người;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

  • Làm chết 02 người;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

  • Làm chết 03 người trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
  • Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, đối với tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thì mức phạt tù cao nhất lên đến 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể chịu các biện pháp phạt bổ sung như có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hỏa hoạn xảy ra

Luật sư bào chữa tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

  • Luật sư tư vấn giải quyết các vấn đề liên quan đến hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
  • Hướng dẫn soạn thảo các văn bản, bào chữa cho khách hàng.
  • Luật sư đại diện giải quyết với cơ quan chức năng theo yêu cầu.
  • Luật sư đại diện trực tiếp tham gia tranh tụng tại Tòa án để bảo vệ quyền lợi ích của khách hàng.
  • Tư vấn về các quy định khác liên quan đến phòng cháy, chữa cháy.

Trên đây là những hướng dẫn của Luật sư về hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy, các yếu tố cấu thành tội phạm, hình thức xử lý đối với hành vi trên. Nếu còn những thắc mắc về những thông tin khác cũng như những câu hỏi liên quan quý khách hàng có thể liên hệ luật sư của Chuyên Tư Vấn Luật qua hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn cụ thể.

4.9 (20 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 894 bài viết