Luật Hình Sự

Hành vi xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp có bị phạt tù không

Hành vi xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp có bị phạt tù không là vấn đề được Quý khách hàng quan tâm, thắc mắc khi phát hiện các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo pháp luật hình sự. Để giải quyết thắc mắc trên, Luật sư từ Chuyên Tư Vấn Luật xin gửi đến bài viết về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, cấu thành tội phạm và hình phạt của tội phạm trên.

Hành vi xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp

Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là gì?

Theo quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009, quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Như vậy, theo quy định trên, ta có thể hiểu rằng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là các hành vi trái phép xâm phạm quyền và lợi ích của chủ thể sở hữu đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019).

Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:

  • Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
  • Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời.

CSPL: Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh:

  • Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;
  • Người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh bao gồm chủ sở hữu bí mật kinh doanh, người được chuyển giao hợp pháp quyền sử dụng bí mật kinh doanh, người quản lý bí mật kinh doanh.
  • Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;
  • Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;
  • Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;
  • Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được có liên quan đến một trong các hành vi nêu trên;
  • Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật.

CSPL: Điều 127 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý:

Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
  • Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
  • Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ:

  • Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, những sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
  • Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý;
  • Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó;
  • Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hóa hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy.

CSPL: Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

  • Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ;
  • Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ;
  • Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng;
  • Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.

CSPL: Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2022.

Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo pháp luật hình sự

Khách thể

  • Khách thể của tội phạm này chính là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước về quản lý trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
  • Đối tượng tác động của tội phạm này là sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi, xuất xứ hàng hoá hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp khác đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội phạm: được thực hiện bằng các hành vi sau:

  • Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam như: sử dụng các loại nhãn, mác hàng hóa, sản xuất hàng hóa có kiểu dáng như loại hàng hóa đã được Nhà nước bảo hộ… Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
  • Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể ở dạng một từ ngữ, dấu hiệu, biểu tượng hoặc hình ảnh một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, địa phương thuộc một quốc gia nhằm chỉ dẫn hàng hóa đó có nguồn gốc xuất xứ từ quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương nào gắn liền với đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của sản phẩm này. Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý thuộc về tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Các hành vi trên chỉ cấu thành tội phạm, nếu vi phạm với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là người nào từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự 2015.

Mặt chủ quan của tội phạm

  • Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện với lỗi cố ý.
  • Động cơ vụ lợi là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

Hình phạt Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Hình phạt

Theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có hình phạt như sau:

  1. Người phạm tội theo quy định của khoản 1 thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
  2. Người phạm tội theo quy định của khoản 2 thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, áp dụng đối với một trong các trường hợp: Có tổ chức;  Phạm tội 02 lần trở lên; Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên; Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
  3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội: ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
  4. Hình phạt áp dụng đối với pháp nhân phạm tội theo quy định tại khoản 4:
  • Pháp nhân thương mại bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng nếu thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
  • Phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm, nếu pháp nhân phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2;
  • Ngoài hình phạt chính, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

>>>Xem thêm: Xử Lý Vi Phạm Quyền Sở Hữu Trí Tuệ Như Thế Nào?

Luật sư tư vấn Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Luật sư tư vấn

  • Tư vấn các quy định của pháp luật cụ thể về tội đánh bạc và định khung hình phạt.
  • Thực hiện quyền bào chữa cho bị can, bị cáo, người bị tạm giữ
  • Tư vấn về các tình tiết để được xem xét giảm nhẹ hay tăng năng khung hình phạt, chuyển khung hình phạt, các trường hợp chuyển hóa tội phạm.

>>>Xem thêm: Tư vấn luật hình sự

>>>Xem thêm: Dịch vụ luật sư trọn gói trong vụ án hình sự

Muốn tố cáo tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đến các cơ quan chức năng, Quý khách hàng cần hiểu rõ các quy định của pháp luật đối với tội phạm trên. Chính vì vậy, tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, cấu thành tội phạm và hình phạt đã được trình bày cụ thể trong bài viết trên. Nếu có thắc mắc hoặc muốn tìm hiểu thêm về những vấn đề liên quan, Quý khách vui lòng liên hệ với luật sư  tư vấn luật hình sự tại Chuyên Tư Vấn Luật qua hotline 1900.63.63.87 để được hỗ trợ.

 

4.8 (19 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết