Luật Hình Sự

Thực Hiện Những Hành Vi Nào Thì Có Thể Được Gọi Là Tham Nhũng?

Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi, là một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Tham nhũng ngày càng tinh vi, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Thậm chí tham nhũng còn xảy ra trong các lĩnh vực như chính sách, chế độ đối với người có công, giảm nghèo, chính sách đối với dân tộc thiểu số, lĩnh vực văn hóa, tâm linh… Ở đâu có lợi ích, ở đó dễ xảy ra tình trạng tham nhũng. Vậy, thực hiện những hành vi nào thì có thể được gọi là tham nhũng?

Thực hiện hành vi nào bị coi là tham nhũng.

>>Xem thêm: Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ xử lý thế nào?

Quy định pháp luật về hành vi tham nhũng

Theo Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng 2012 quy định các hành vi tham nhũng bao gồm:

  • Tham ô tài sản.
  • Nhận hối lộ.
  • Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
  • Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
  • Giả mạo trong công tác vì vụ lợi.
  • Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi.
  • Nhũng nhiễu vì vụ lợi.
  • Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

>>Xem thêm: TP HCM: Phó Giám đốc bị tố “lạm quyền”, liên tiếp bổ nhiệm cấp dưới?

“Điểm danh” những hành vi tham nhũng gần đây

Đầu tiên là việc cán bộ Thanh tra Chính phủ nhận hàng trăm triệu đồng của người khiếu nại. Sự việc như sau: bà Lê Thị Tích và các con có viết giấy cho gia đình hàng xóm mượn đất để trồng lúa, khoai sống qua ngày. Tuy nhiên, sau đó mảnh đất được bán cho người khác nên bà Tích đòi lại. Vụ kiện đất đai kéo dài nhiều năm, gia đình bà Tích đi khắp nơi đều không có kết quả như mong muốn nên đã ra Hà Nội đưa số tiền 400 triệu đồng chia thành nhiều đợt cho một cán bộ Thanh tra Chính phủ là Hoàng Đức Cần với lời hứa sẽ giúp lấy lại đất. Tuy nhiên, TAND đưa vụ tranh chấp ra xét xử và tuyên buộc gia đình bà Tích phải dỡ hết nhà cửa, giao đất cho người đã được cấp sổ đỏ trước đó. Gia đình bà Tích nhiều lần gọi điện thoại cho ông Hoàng Đức Cần nhưng ông này tránh né. 

Tiếp theo là việc thẩm phán gọi điện cho bị cáo hỏi “chung chi” hay “xử cho rơi tự do”. Tháng 5.2018, thẩm phán Giáp Văn Huyên được lãnh đạo TAND huyện Hiệp Hoà phân công thụ lý giải quyết vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có liên quan đến 3 bị cáo. Đầu tháng 7.2018, Huyên gọi điện thoại triệu tập các bị cáo đến tòa để nhận tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử. Huyên lần lượt gọi từng người vào phòng làm việc riêng của Huyên và yêu cầu nếu muốn xử nhẹ tội thì phải chi tiền.

Thêm một hành vi tham nhũng nữa, đó là việc bác sĩ vòi tiền người nhà bệnh nhân. Vợ chồng anh X. có đứa con nhỏ (5 tuổi) đến Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM chữa bệnh bạch huyết cầu cấp, bị BS N.L.M.T. (công tác tại khu điều trị tổng hợp, khoa hồi sức cấp cứu) với khoảng 27 triệu đồng mặc dù được bảo hiểm y tế 100%. Bác sĩ nói tình trạng sức khỏe bé như thế thì cần kê thuốc kích thích ăn ngon với giá 5 triệu đồng. Cũng là loại thuốc này, vài ngày sau bác sĩ này lại đòi thêm 2,5 triệu đồng. Trong lần bé xuất viện, BS T. yêu cầu đóng 3 triệu đồng để xét nghiệm bên ngoài. Và còn nhiều lần trước đó nữa. Theo anh X., ngày 14-3, khi thấy một người nhà bệnh nhân cầm dao rượt chém BS T. thì anh mới biết mình bị lừa.

Như vậy, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, hiệu quả của công tác phòng, chống vẫn chưa đạt được kết quả mong đợi.

Thẩm quyền giải quyết tham nhũng

Theo quy định tại Điều 62 và Điều 63 của Luật Phòng, chống tham nhũng 2012, khi phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý như sau:

Cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị việc xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Khi phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thông qua hoạt động giám sát có trách nhiệm phát hiện hành vi tham nhũng, yêu cầu hoặc kiến nghị việc xử lý theo quy định của pháp luật.

Chế tài xử lý tham nhũng

Theo quy định tại Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 thì người có hành vi tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự; trong trường hợp bị kết án về hành vi tham nhũng và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải bị buộc thôi việc; đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Người có hành vi tham nhũng là đối tượng trọng yếu nhất của việc xử lý kỷ luật và xử lý hình sự. Vì vậy, pháp luật quy định tương đối đầy đủ hệ thống chế tài áp dụng cho người có hành vi tham nhũng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của họ: chế tài kỷ luật áp dụng cho người có hành vi tham nhũng ở mức độ ít nguy hiểm cho xã hội, còn chế tài hình sự được áp dụng cho người có hành vi tham nhũng gây nguy hiểm cao cho xã hội, bị coi là tội phạm.

Chế tài kỷ luật: là việc áp dụng những hậu quả bất lợi đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng mà theo qui định của pháp luật phải xử lý bằng chế tài kỷ luật. Theo qui định của pháp luật thì chế tài kỷ luật có các hình thức sau tương ứng với mức độ vi phạm của hành vi tham nhũng:

  • Khiển trách
  • Cảnh cáo
  • Hạ bậc lương
  • Giáng chức
  • Cách chức
  • Buộc thôi việc.

Ngoài những quy định chung của chế tài kỷ luật được quy định trong Luật công chức, viên chức thì Luật phòng chống tham nhũng quy định nghiêm khắc hơn, thể hiện ở những nội dung sau:

  • Người có hành vi tham nhũng thì tùy theo tính chất, trong trường hợp bị kết án về hành vi tham nhũng và bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì phải bị buộc thôi việc;
  • Đại biểu quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thì đương nhiên mất quyền đại biểu nếu hành vi tham nhũng của họ bị Tòa án xử phạt bằng một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật. Nếu so với quy định của Luật công chức, viên chức thì chỉ khi phạm tội bị Tòa án phạt tù giam bằng một bản án có hiệu lực pháp luật mới bị đương nhiên thôi việc và đương nhiên mất quyền đại biểu tại các cơ quan quyền lực.

Chế tài hình sự: Nếu hành vi vi phạm đến mức độ nguy hiểm cao gây thiệt hại lớn về tiền và tài sản của Nhà nước thì họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chế tài hình sự bao gồm hình phạt chính, hình phạt bổ sung và biện pháp tư pháp.

Thứ nhất, hình phạt chính quy định áp dụng cho các tội phạm này có:

  • Hình phạt cải tạo không giam giữ
  • Hình phạt tù có thời hạn
  • Hình phạt chung thân
  • Hình phạt tử hình.

Thứ hai, hình phạt bổ sung gồm:

Chế tài xử lý các hành vi tham nhũng
  • Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm làm một số nghề hoặc những công việc nhất định;
  • Tịch thu toàn bộ hoặc một phần tài sản.

Thứ ba, các biện pháp tư pháp được áp dụng đối với người phạm tội tham nhũng bao gồm:

  • Tịch thu vật, tiền bạc liên quan trực tiếp đến tội;
  • Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Trên đây là bài viết về vấn đề “Thực hiện những hành vi nào thì có thể được gọi là tham nhũng?”

Hãy liên hệ với Luật sư của chúng tôi nếu bạn đang có thắc mắc và cần giải quyết các vấn đề về pháp luật, vui lòng liên hệ Chuyên Tư Vấn Luật qua Hotline 1900 63 63 87.

4.8 (15 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết