Luật Hành Chính

Yêu cầu hủy quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vi phạm hành chính là chủ yếu. Khi nhận thấy quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng hoặc không hợp lý, người bị cho rằng vi phạm hành chính liên quan đến môi trường có quyền yêu cầu hủy quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Quý khách có thể lựa chọn một trong hai thủ tục là khiếu nại và khởi kiện hành chính yêu cầu hủy quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.  Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn quý khách hàng thủ tục khiếu nại, khởi kiện yêu cầu hủy quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường

Thực hiện thủ tục khiếu nại yêu cầu hủy quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người dân có quyền khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu cơ quan đó hủy quyết định xử phạt.

Đơn khiếu nại và hồ sơ khiếu nại

Khoản 2 Điều 8 Luật khiếu nại 2011, đơn khiếu nại phải ghi rõ những nội dung sau: ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Mẫu đơn khiếu nại được ban hành kèm theo Nghị định 124/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật khiếu nại có hiệu lực từ ngày 10/12/2020 Hồ sơ giải quyết khiếu nại theo Khoản 1 Điều 34 Luật khiếu nại 2011 bao gồm:
  • Đơn khiếu nại hoặc bản ghi lời khiếu nại;
  • Tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp;
  • Biên bản kiểm tra, xác minh, kết luận, kết quả giám định (nếu có);
  • Biên bản tổ chức đối thoại (nếu có);
  • Quyết định giải quyết khiếu nại;
  • Các tài liệu khác có liên quan.

Trình tự thụ lý và giải quyết khiếu nại

Bước 1: Thụ lý giải quyết khiếu nại
  • Nghiên cứu và xem xét thụ lý khiếu nại
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nại 2011 thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung và cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại thì thụ lý khi trong đơn khiếu nại có đầy đủ chữ ký của những người khiếu nại và có văn bản cử người đại diện theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 124/2020/NĐ-CP.
  • Thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý khiếu nại
Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thông báo việc thụ lý hoặc không thụ lý bằng văn bản đến người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết. Trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung và cử người đại diện để thực hiện việc khiếu nại thì văn bản thông báo việc thụ lý hoặc không thụ lý được gửi đến một trong số những người đại diện. Bước 2: Xác minh nội dung khiếu nại
  • Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại
a, Sau khi thụ lý khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại. Nội dung kiểm tra lại bao gồm: Căn cứ pháp lý ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính; thẩm quyền ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính; nội dung của quyết định hành chính, việc thực hiện hành vi hành chính; trình tự, thủ tục ban hành, thể thức và kỹ thuật trình bày quyết định hành chính; các nội dung khác(nếu có).
  1. b) Sau khi kiểm tra lại, nếu thấy khiếu nại là đúng thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay. Nếu thấy chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiến hành xác minh.
  • Giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại
Người giải quyết khiếu nại tự mình xác minh hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của mình tiến hành xác minh nội dung khiếu nại. Người giải quyết khiếu nại hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ xác minh ban hành Quyết định xác minh nội dung khiếu nại, trong đó xác định rõ người thực hiện xác minh, quyền và nghĩa vụ của người thực hiện xác minh, thời gian, nội dung xác minh.
  • Tiến hành xác minh nội dung khiếu nại
  1. a) Làm việc trực tiếp với người khiếu nại, người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại
Người giải quyết khiếu nại hoặc người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại làm việc trực tiếp và yêu cầu người khiếu nại hoặc người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan đến nhân thân, nội dung khiếu nại. Nội dung làm việc được lập thành biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần, nội dung và có chữ ký của các bên. Trường hợp người khiếu nại không hợp tác, không làm việc, không ký vào biên bản làm việc thì biên bản được lấy chữ ký của người làm chứng hoặc đại diện chính quyền địa phương. Biên bản được lập thành ít nhất hai bản, mỗi bên giữ một bản.
  1. b) Làm việc trực tiếp với người có quyền, lợi ích liên quan
Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại hoặc người được giao nhiệm vụ xác minh làm việc trực tiếp với người có quyền, lợi ích liên quan và yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại. Nội dung làm việc được lập thành biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần, nội dung và có chữ ký của các bên. Biên bản được lập thành ít nhất hai bản, mỗi bên giữ một bản.
  1. c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng
Trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại, người giải quyết khiếu nại hoặc người được giao nhiệm vụ xác minh gửi văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại. Trường hợp làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan để yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng thì lập biên bản làm việc. Biên bản được lập thành ít nhất hai bản, mỗi bên giữ một bản.
  1. d) Tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng
Người giải quyết khiếu nại hoặc người được giao nhiệm vụ xác minh khi tiếp nhận thông tin, tài liệu, bằng chứng do người khiếu nại hoặc người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cung cấp trực tiếp phải lập biên bản giao nhận.
  1. đ) Xác minh thực tế
Khi cần thiết, người giải quyết khiếu nại hoặc người được giao nhiệm vụ xác minh tiến hành xác minh thực tế để thu thập, kiểm tra, xác định tính chính xác, hợp pháp, đầy đủ của các thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung vụ việc khiếu nại. Việc xác minh thực tế phải lập thành biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần làm việc, nội dung, kết quả xác minh, ý kiến của những người tham gia xác minh và những người khác có liên quan.
  1. e) Trưng cầu giám định
Người giải quyết khiếu nại quyết định việc trưng cầu giám định khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận nội dung khiếu nại. Người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức có liên quan có thể đề nghị người giải quyết khiếu nại trưng cầu giám định. Khi xét thấy đề nghị của người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức có liên quan có cơ sở thì người giải quyết khiếu nại quyết định trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định thực hiện bằng văn bản trong đó nêu rõ tên cơ quan, tổ chức giám định, thông tin, tài liệu cần giám định, nội dung yêu cầu giám định, thời hạn có kết luận giám định.
  1. g) Làm việc với các bên có liên quan trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại
Trường hợp kết quả xác minh khác với thông tin, tài liệu, bằng chứng do người khiếu nại, người bị khiếu nại cung cấp thì người giải quyết khiếu nại hoặc người được giao nhiệm vụ xác minh phải tổ chức làm việc với người khiếu nại, người bị khiếu nại; trường hợp cần thiết thì mời cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan tham gia làm việc. Nội dung làm việc phải được lập thành biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham gia, nội dung, ý kiến của những người tham gia, những nội dung đã được thống nhất, những vấn đề còn ý kiến khác nhau và có chữ ký của các bên. Biên bản được lập thành ít nhất ba bản, mỗi bên giữ một bản.
  1. h) Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại. Thời hạn tạm đình chỉ không vượt quá thời gian còn lại của thời hạn giải quyết khiếu nại. Khi xét thấy lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định hủy bỏ ngay quyết định tạm đình chỉ. Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại Người được giao nhiệm vụ xác minh phải báo cáo trung thực, khách quan kết quả xác minh nội dung khiếu nại bằng văn bản với người giải quyết khiếu nại. Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại phải bao gồm các nội dung: Đối tượng xác minh; thời gian tiến hành xác minh; người tiến hành xác minh; nội dung xác minh; kết quả xác minh; kết luận và kiến nghị nội dung giải quyết khiếu nại. Trong báo cáo phải thể hiện rõ thông tin về người khiếu nại, người bị khiếu nại, quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, căn cứ để khiếu nại; kết quả xác minh đối với từng nội dung được giao xác minh; kết luận nội dung khiếu nại được giao xác minh là đúng toàn bộ, sai toàn bộ hoặc đúng một phần; kiến nghị giữ nguyên, hủy bỏ toàn bộ hoặc sửa đổi, bổ sung một phần quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; kiến nghị về việc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Bước 3: Tổ chức đối thoại
  • Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.
  • Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.
  • Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.
  • Việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại.
  • Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Bước 4: Ra quyết định giải quyết khiếu nại
  • Căn cứ quy định của pháp luật, kết quả xác minh nội dung khiếu nại, kết quả đối thoại (nếu có), Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Giám đốc Sở hoặc cấp tương đương ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
  • Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải có các nội dung: Ngày, tháng, năm ra quyết định; tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại; nội dung khiếu nại; kết quả xác minh nội dung khiếu nại; kết quả đối thoại (nếu có); căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; kết luận nội dung khiếu nại; giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại; việc bồi thường thiệt hại cho người bị khiếu nại (nếu có); quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
  • Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận nội dung khiếu nại và căn cứ vào kết luận đó để ra quyết định giải quyết khiếu nại cho từng người hoặc ra quyết định giải quyết khiếu nại kèm theo danh sách những người khiếu nại.
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại; người giải quyết khiếu nại lần hai; người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; cơ quan quản lý cấp trên.

Quyền khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện hành chính

Theo Khoản 1 Điều 7 Luật khiếu nại 2011, trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai Khiếu nại lần hai đến một trong những đối tượng sau: + Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu; + Khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Mẫu đơn khiếu nại
>>>Xem thêm: Có bắt buộc khiếu nại trước khi khởi kiện vụ án hành chính không?

Khởi kiện yêu cầu hủy quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Đơn khởi kiện và hồ sơ khởi kiện

Khi nộp đơn khởi kiện, người khởi kiện cần chuẩn bị đủ hồ sơ khởi kiện bao gồm đơn khởi kiện, các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện; bản chính quyết định hành chính hoặc chứng cứ chứng minh về hành vi hành chính bị khiếu kiện và tất cả các quy định có liên quan; bản chính quyết định giải quyết khiếu nại hoặc chứng cứ chứng minh việc đã khiếu nại (nếu có); giấy ủy quyền (nếu người khởi kiện cử người đại diện), bản sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân; bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ bản chính, bản sao). Đơn khởi kiện Người khởi kiện có thể tự mình làm đơn khởi kiện hoặc nhờ các tổ chức hành nghề luật làm đơn. Nội dung và hình thức của đơn khởi kiện phải tuân theo quy định tại Điều 118 Luật tố tụng hành chính 2015. Theo đó, đơn khởi kiện phải có các nội dung chính như sau: – Ngày, tháng, năm làm đơn; – Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính; – Tên, địa chỉ; số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; – Nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nội dung giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính; – Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có); – Yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết; – Cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện Đây là những hồ sơ tài liệu có liên quan đến yêu cầu khởi kiện. Là căn cứ để Tòa án dựa vào đó xác định vấn đề và giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật. Nguồn của chứng cứ được quy định tại Điều 81 Luật tố tụng hành chính 2015 bao gồm:
  1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
  2. Vật chứng.
  3. Lời khai của đương sự.
  4. Lời khai của người làm chứng.
  5. Kết luận giám định.
  6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
  7. Kết quả định giá, thẩm định giá tài sản.
  8. Văn bản xác nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
  9. Văn bản công chứng, chứng thực.
  10. Các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Đối với khởi kiện yêu cầu hủy quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường, các tài liệu chứng cứ có thể bao gồm: các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện; bản chính quyết định hành chính hoặc chứng cứ chứng minh về hành vi hành chính bị khiếu kiện và tất cả các quy định có liên quan; bản chính quyết định giải quyết khiếu nại hoặc chứng cứ chứng minh việc đã khiếu nại (nếu có). Giấy tờ tùy thân Chúng ta phải cung cấp cho tòa giấy tờ tùy thân của người khởi kiện cũng như giấy tờ tùy thân của người bị kiện(nếu có), cùng với đó là những giấy tờ chứng minh mối quan hệ với những người có liên quan trong yêu cầu khởi kiện để tòa án xem xét về quyền khởi kiện để làm căn cứ giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Trình tự thụ lý và giải quyết yêu cầu khởi kiện

  • Thụ lý vụ án
Theo điều 125 Luật tố tụng hành chính 2015, Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo cho người khởi kiện biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí; trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì thông báo cho người khởi kiện biết về việc thụ lý vụ án. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai cho Tòa án.
  • Thông báo về việc thụ lý vụ án
Theo Điều 126 Luật tố tụng hành chính 2015, Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán đã thụ lý vụ án phải thông báo bằng văn bản cho người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
  • Phân công thẩm phán giải quyết vụ án
Điều 127 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định: Trên cơ sở báo cáo thụ lý vụ án của Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án bảo đảm đúng nguyên tắc vô tư, khách quan, ngẫu nhiên. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án. Đối với vụ án phức tạp, việc giải quyết có thể phải kéo dài thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán dự khuyết để bảo đảm xét xử theo đúng thời hạn quy định của Luật này. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu Thẩm phán được phân công không thể tiếp tục tiến hành được nhiệm vụ thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán khác tiếp tục nhiệm vụ; trường hợp đang xét xử mà không có Thẩm phán dự khuyết thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu và thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp.

Quyền kháng cáo bản án hành chính

  • Người có quyền kháng cáo
Điều 204 Luật tố tụng hành chính quy định đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm Đương sự bao gồm người khởi kiện, người bị kiện và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (khoản 7 Điều 3 Luật tố tụng hành chính). Nên những trường hợp kháng cáo dẫn đến xét xử phúc thẩm có thể do người khởi kiện hoặc người bị kiện hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
  • Đối tượng kháng cáo và nội dung kháng cáo
Đối tượng kháng cáo: Theo Điều 204 Luật Tố tụng hành chính, đối tượng mà đương sự, người đại diện của đương sự có quyền làm đơn kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là bản án, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm. Nội dung kháng cáo: Người có quyền kháng cáo có thể kháng cáo toàn bộ hoặc một phần nội dung của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Thời hạn kháng cáo Theo điều 206 Luật tố tụng hành chính, Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết. Đối với trường hợp đương sự đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo kể từ ngày tuyên án. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú hoặc nơi có trụ sở trong trường hợp người có quyền kháng cáo là cơ quan, tổ chức. Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giữ hoặc bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày làm đơn kháng cáo theo xác nhận của người có thẩm quyền của nhà tạm giữ, trại tạm giam. Ngoài ra, Luật tố tụng hành chính còn có quy định kháng cáo quá hạn đối với những trường hợp có lý do khách quan, gặp trở ngại vì các sự kiện bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh… khiến cho người có quyền kháng cáo không thực hiện được quyền kháng cáo; trong trường hợp này người làm đơn kháng cáo quá hạn phải có bản tường trình ghi rõ lý do; sau đó Tòa án cấp phúc thẩm sẽ mở phiên họp xem xét việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn kháng cáo quá hạn theo quy định tại Điều 208 Luật tố tụng hành chính 2015.
Thủ tục tố tụng hành chính 
>>>Xem thêm: Đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính là gì?

Căn cứ yêu cầu hủy quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Điều kiện ban hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường được ban hành khi có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường được quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 55/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bao gồm: Các hành vi vi phạm các quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường; Các hành vi gây ô nhiễm môi trường; Các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải; Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ (sau đây gọi chung là cơ sở) và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ tập trung (sau đây gọi chung là khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung); Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chế phẩm sinh học; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hoạt động lễ hội, du lịch và khai thác khoáng sản; Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; Các hành vi vi phạm hành chính về đa dạng sinh học bao gồm: Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật và bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền; Các hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm quy định khác về bảo vệ môi trường được quy định cụ thể tại Chương II Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

Thẩm quyền, hình thức, thủ tục ban hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được quy định tại Chương III Nghị định 155/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 55/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp Công an nhân dân Thanh tra chuyên ngành Các lực lượng khác như: Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Thanh tra nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thanh tra chuyên ngành thủy sản, Quản lý thị trường, Thuế, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa có quyền xử phạt theo thẩm quyền đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có liên quan đến lĩnh vực mình quản lý Cũng tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 55/2021/NĐ-CP quy định cụ thể hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường sẽ bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau:
  • Cảnh cáo
  • Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Những người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường lập biên bản theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình thì thời hạn ra quyết định xử phạt đối đa là 30 ngày kể từ ngày lập biên bản. >>>Xem thêm: Trình tự, thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại

Thông tin liên hệ luật sư

Để tìm hiểu thông tin về chúng tôi, đánh giá chúng tôi có thể đáp ứng được các yêu cầu của Quý khách hàng hay không. Xin đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua các hình thức sau:
  • Email: chuyentuvanluat@gmail.com.
  • Tổng đài điện thoại: 1900.63.63.87.
  • ZALO:Công Ty Luật Long Phan
  • FACEBOOK: Chuyên tư vấn Pháp luật
  • Trụ sở và Văn phòng làm việc:
  1. Trụ sở công ty: Tầng 14 Tòa nhà HM Tower, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh.
  2. Văn phòng giao dịch: 277/45 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 15, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh.
Trên đây là tư vấn về Yêu cầu hủy quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn luật hành chính nhanh nhất và kịp thời. Xin cảm ơn! *Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.6 (17 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 953 bài viết