Luật Hành Chính

Thủ tục tịch thu tang vật vi phạm hành chính

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là một trong những hình thức xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào về thủ tục tịch thu tang vật vi phạm hành chính? Cùng tìm hiểu nhé!

Thủ tục tịch thu tang vật vi phạm hành chính

Thủ tục tịch thu tang vật vi phạm hành chính

Trình tự, thủ tục tịch thu tang vật vi phạm hành chính

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính.

Về thủ tục tịch thu, khi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, số đăng ký (nếu có), tình trạng, chất lượng của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và phải có chữ ký của người tiến hành tịch thu, người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt và người chứng kiến; trường hợp người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến.

Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay trước mặt người bị xử phạt, đại diện tổ chức bị xử phạt hoặc người chứng kiến. Việc niêm phong phải được ghi nhận vào biên bản. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đang bị tạm giữ, người có thẩm quyền xử phạt thấy tình trạng tang vật, phương tiện có thay đổi so với thời điểm ra quyết định tạm giữ thì phải lập biên bản về những thay đổi này; biên bản phải có chữ ký của người lập biên bản, người có trách nhiệm tạm giữ và người chứng kiến.

Chi phí quản lý, xử lý, bảo quản tang vật

Tại Điều 9 Thông tư 173/2013/TT-BTC có quy định về Chi phí quản lý, xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính. Theo đó, nội dung chi liên quan đến việc quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bao gồm:

  • Chi phí kiểm nghiệm, giám định, xác định giá trị tang vật làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt;
  • Chi cho việc chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã từ thời điểm tạm giữ cho đến khi hoàn thành việc thả vào môi trường tự nhiên theo quy định hoặc chuyển giao theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
  • Chi phí vận chuyển, giao nhận, bảo quản từ khi có quyết định tạm giữ hoặc quyết định tịch thu đến khi hoàn thành việc xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu do vi phạm hành chính. Trường hợp cơ quan ra quyết định tạm giữ hoặc quyết định tịch thu đã được Nhà nước bố trí kho bãi, biên chế, phương tiện vận tải,… thì không được thanh toán các khoản chi phí liên quan đến vận chuyển, bảo quản những tang vật, phương tiện bị tịch thu do vi phạm hành chính đó;
  • Chi đăng tin, thông báo tìm chủ tang vật, phương tiện (nếu có);
  • Chi phí thuê sửa chữa tang vật, phương tiện bị tịch thu do vi phạm hành chính nếu phải sửa chữa mới bán được hoặc giá trị tăng thêm của tang vật, phương tiện lớn hơn so với chi phí sửa chữa (nếu có);
Các loại chi phí quản lý, xử lý, bảo quản tang vật vi phạm hành chính

Các loại chi phí quản lý, xử lý, bảo quản tang vật vi phạm hành chính

  • Chi phí để thực hiện xác định giá trị tang vật, giá khởi điểm bán đấu giá, bán đấu giá cho Hội đồng xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính, Hội đồng xác định giá khởi điểm tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, Hội đồng bán đấu giá tang vật, phương tiện bị tịch thu do vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 9 và Điều 12 Thông tư số 137/2010/TT-BTC;
  • Phí bán đấu giá (trong trường hợp đấu giá thành) hoặc chi phí thực tế, hợp lý (trong trường hợp bán đấu giá không thành) trả cho tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện bán đấu giá. Mức phí áp dụng theo quy định của Bộ Tài chính đối với mức phí bán đấu giá tài sản nhà nước;
  • Chi phí cho Hội đồng thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu: Chủ tịch Hội đồng thanh lý xem xét, quyết định chi trên cơ sở chế độ tài chính của Hội đồng bán đấu giá tài sản quy định tại Thông tư số 137/2010/TT-BTC;
  • Các khoản chi phí thực tế, hợp lý cho việc phá dỡ, tiêu hủy tang vật, phương tiện bị tịch thu do vi phạm hành chính (trừ trường hợp tang vật vi phạm bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải tiêu hủy theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Thẩm quyền tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm

Theo quy định tại Chương II Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, cơ quan có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bao gồm:

  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp gồm: cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh;
  • Công an nhân dân;
  • Bộ đội biên phòng;
  • Cảnh sát biển;
  • Hải quan;
  • Kiểm lâm;
  • Cơ quan thuế;
  • Quản lý thị trường;
  • Thanh tra;
  • Cảng vụ hàng không, cảng vụ hàng hải, cảng vụ đường thủy nội địa;
  • Tòa án nhân dân;
  • Cơ quan thi hành án dân sự;
  • Cơ quan quản lý lao động ngoài nước;
  • Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

>> Xem thêm: Luật sư tư vấn thủ tục lấy lại tài sản là tang vật trong vụ án hình sự

Thời hạn ra quyết định trả tang vật phương tiện vi phạm hành chính

Căn cứ theo quy định tại Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Trong trường hợp vụ việc có hiệu tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh thì thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Sau thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện là 07 ngày thì cơ quan, người có thẩm quyền thu giữ tang vật có trách nhiệm trả lại tang vật, phương tiện cho người bị tạm giữ. Trừ trường hợp gia hạn thời gian tạm giữ thì không quá 30 ngày cơ quan, người có thẩm quyền thu giữ tang vật có trách nhiệm trả lại tang vật, phương tiện cho người bị tạm giữ.

Quy định về thời hạn ra quyết định trả tang vật vi phạm hành chính

Quy định về thời hạn ra quyết định trả tang vật vi phạm hành chính

Tang vật hành chính bị tịch thu được xử lý như thế nào

Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại Điều 82 của Luật này. Theo đó, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được xử lý như sau:

  • Đối với tang vật vi phạm hành chính là tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý thì phải nộp vào ngân sách nhà nước;
  • Đối với giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan tới tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì chuyển cho cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản theo quy định tại điểm d khoản này;
  • Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hoá, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành và tài sản khác thì chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật;
  • Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã được cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển giao cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng thì cơ quan đã ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính tổ chức chuyển giao cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng;
  • Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này thì tiến hành thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xảy ra hành vi vi phạm để thực hiện việc bán đấu giá; trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá thì thành lập hội đồng để bán đấu giá;
  • Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu nhưng không còn giá trị sử dụng hoặc không bán đấu giá được thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phải lập hội đồng xử lý gồm đại diện các cơ quan nhà nước hữu quan. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu phải được lập thành biên bản có chữ ký của các thành viên hội đồng xử lý. Phương thức, trình tự, thủ tục xử lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền phải xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này. Quá thời hạn này mà không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

>> Xem thêm: Khởi kiện và thụ lý vụ án hành chính

Trên đây là thủ tục tịch thu tang vật vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, quý khách vui lòng liên hệ TƯ VẤN LUẬT HÀNH CHÍNH của Chuyên Tư Vấn Luật thông qua hotline 1900.63.63.87. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.8 (14 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết