Luật Hành Chính

Phân biệt công chứng, chứng thực và lập vi bằng

Hiện nay việc công chứng, chứng thực hay lập vi bằng đang được nhắc khá nhiều trong các giao dịch hằng ngày. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu rõ ba khái niệm này, dẫn tới những sai phạm trong việc xác lập các giao dịch cũng như là chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực, lập vi bằng. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Phân biệt công chứng, chứng thực, lập vi bằng

Phân biệt công chứng, chứng thực, lập vi bằng

Khái niệm công chứng, chứng thực và lập vi bằng

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch).  (căn cứ theo

Chứng thực là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận tính chính xác, hợp lệ, hợp pháp của các loại giấy tờ, văn bản, chữ ký cũng như là các yếu tố về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện…của các bên tham gia giao kết hợp đồng.

Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này. Do đó, mặc dù pháp luật vẫn chưa quy định cụ thể nhưng dưới góc độ pháp lý có thể hiện Lập vi bằng là việc thừa phát lại lập văn bản ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc.

Căn cứ: khoản 1 Điều 2 Luật công chứng 2014; Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP

Khi nào cần công chứng, chứng thực, lập vi bằng?

Các trường hợp cần công chứng

  • Khi thực hiện các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất như Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền dụng đất và tài sản gắn liền với đất; Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (Điều 167 Luật Đất đai 2013)
  • Khi thực hiện các hợp đồng liên quan đến nhà ở như Hợp đồng mua bán nhà ở; Hợp đồng tặng cho nhà ở; Hợp đồng đổi nhà ở; Hợp đồng góp vốn nhà ở; Hợp đồng thế chấp nhà ở; Hợp đồng chuyển nhượng mua bán nhà ở thương mại (Điều 122 Luật nhà ở 2014)
  • Khi lập di chúc trong trường hợp: Văn bản thừa kế có liên quan đến nhà ở, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; Di chúc của người hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ; Bản dịch tiếng Việt của di chúc lập bằng tiếng nước ngoài (Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015)
  • Khi thực hiện hợp đồng bán, cho, tặng xe của cá nhân (Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ)

>>>Xem thêm: Giấy Uỷ Quyền Công Ty Có Cần Công Chứng?

Công chứng hợp đồng mua bán nhà ở

Công chứng hợp đồng mua bán nhà ở

Các trường hợp cần phải chứng thực

Theo Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, bao gồm các loại chứng thực như sau:

  • Chứng thực bản sao từ bản chính: là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.
  • Chứng thực chữ ký: là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.
  • Chứng thực hợp đồng, giao dịch: là việc cơ quan có thẩm quyền chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Hiện nay việc chứng thực bản sao từ bản gốc và chứng thực chữ ký pháp luật không có quy định cụ thể do đó việc thực hiện tùy thuộc vào nhu cầu của chủ thể thực hiện.

Còn đối với chứng thực hợp đồng, giao dịch dân sự thì các trường hợp bắt buộc tương tự như quy định về các trường hợp cần công chứng. Do đó khi thực hiện các loại hợp đồng, giao dịch dân sự này thì có thể lựa chọn giữa chứng thực hoặc công chứng.

>> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp mua bán đất có công chứng nhưng chưa sang tên

Các trường hợp nên lập vi bằng

Hiện nay pháp luật chưa có quy định về các trường hợp bắt buộc do đó việc lập vi bằng phụ thuộc vào nhu cầu của các chủ thể tham gia. Dưới đây là các trường thường được các bên tiến hành lập vi bằng.

  • Lập vi bằng ghi nhận hiện trạng tài sản trước khi bị thu hồi đất.
  • Lập vi bằng ghi nhận hiện trạng tài sản trước khi bị cưỡng chế thi hành án.
  • Ghi nhận hiện trạng tài sản trước khi Ngân hàng thu giữ tài sản để xử lý nợ.
  • Lập vi bằng ghi nhận hành vi vu khống, nói xấu trên mạng xã hội.
  • Vi bằng ghi nhận phiên họp Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban giám đốc công ty.
  • Lập vi bằng ghi nhận việc đặt cọc.
  • Lập vi bằng ghi nhận việc gửi giữ tài sản.
  • Xác nhận tình trạng thiệt hại của cá nhân, tổ chức do người khác gây ra.
  • Xác nhận việc từ chối thực hiện công việc của cá nhân, tổ chức mà theo quy định của pháp luật cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện.

Lập vi bằng giao nhận tiền

Lập vi bằng giao nhận tiền

>> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp nhà cho mượn theo hình thức lập vi bằng

Cơ quan thực hiện

  • Tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
  • Thừa phát lại,Văn phòng thừa phát lại và các tổ chức có hành nghề của Thừa phát lại

Căn cứ: khoản 5 Điều 2 Luật Công Chứng 2014; Nghị định 08/2020/NĐ-CP

Bài viết trên phần nào giúp chúng ta phần nào phân biệt được thế nào là công chứng, thế nào là chứng thực cũng như lập vi bằng. Xác định được trường hợp nào cần dùng công cụ nào từ đó tránh khỏi sự nhầm lẫn. Trong quá trình tìm hiểu, nếu quý bạn đọc có bất kỳ khó khăn, vướng mắc hay các vấn đề khác liên quan đến việc công chứng, chứng thực, lập vi bằng hãy gọi ngay vào HOTLINE 1900.63.63.87 để được LUẬT SƯ HÀNH CHÍNH hỗ trợ nhanh nhất.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.9 (16 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết