Luật Hành Chính

Bị Phạt Vi Phạm Hành Chính Trong Đất Đai Không Đúng Thì Khởi Kiện Được Không?

Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước nhưng không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, vẫn nhiều trường hợp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai không đúng. Trong những trường hợp đó, người bị xử phạt có khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của bản thân không? Thông qua bài viết, chúng tôi sẽ làm rõ về vấn đề này.

Khởi kiện khi bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai không đúng
Khởi kiện khi bị Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai không đúng?

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là gì?

Điều 12 Luật Đất đai 2013 có ghi nhận những hành vi bị cấm trong pháp luật đất đai bao gồm:

  • Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai;
  • Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố;
  • Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích;
  • Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất;
  • Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này;
  • Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai;
  • Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật;
  • Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Khi có những hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.

Đối với các trường hợp vi phạm không nghiêm trọng (chưa đến mức bị xử phạt vi phạm hình sự), người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong sử dụng đất đai hoặc trong việc thực hiện các hoạt động dịch vụ về đất đai. Theo Điều 5 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, các hình thức xử phạt chính bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền. Ngoài ra, còn có các hình thức xử phạt bổ sung gồm:

  • Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
  • Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 06 tháng đến 09 tháng hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 09 tháng đến 12 tháng.

Thủ tục khởi kiện khi cơ quan, tổ chức, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai không đúng

Thủ tục khởi kiện bị phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai không đúng
 Khởi kiện khi bị phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai không đúng

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ (Điều 118 Luật Tố tụng Hành chính 2015).

Người bị phạt vi phạm hành chính không đúng chuẩn bị hồ sơ khởi kiện bao gồm Đơn khởi kiện; kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm hại.

Trường hợp người khởi kiện không thể nộp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện vì lý do khách quan thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

Bước 2: Nộp đơn khởi kiện (Điều 119 Luật Tố tụng Hành chính 2015).

Người khởi kiện nộp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng một trong các phương thức sau:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án.
  • Gửi qua dịch vụ bưu chính.
  • Gửi trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Bước 3: Nhận và xem xét đơn khởi kiện (Điều 121 Luật Tố tụng Hành chính 2015).

Sau khi nhận được đơn khởi kiện:

  • Đối với trường hợp nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận đơn, Tòa án ghi vào sổ nhận đơn và cấp ngay Giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện
  • Đối với trường hợp gửi qua dịch vụ bưu chính, Tòa án ghi vào sổ nhận đơn và trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện.
  • Đối với trường hợp nhận đơn trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy, ghi vào sổ nhận đơn và trả lời cho người khởi kiện biết qua thư điện tử.

Việc nhận đơn khởi kiện được ghi vào sổ nhận đơn và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Bước 4: Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện (Điều 122 Luật Tố tụng Hành chính 2015).

Sau khi nhận được đơn khởi kiện, nếu thấy đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản và nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người khởi kiện nhận được thông báo của Tòa án. Thời gian sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Bước 5: Thụ lý vụ án (Điều 125 Luật Tố tụng hành chính 2015)

Trường hợp người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 118 của Luật này thì Thẩm phán tiếp tục việc thụ lý vụ án; nếu họ không sử đổi, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện.

Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo cho người khởi kiện biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí; trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì thông báo cho người khởi kiện biết về việc thụ lý vụ án.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai cho Tòa án.

Thẩm phán thụ lý vụ án vào ngày người khởi kiện nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì ngày thụ lý vụ án là ngày Thẩm phán thông báo cho người khởi kiện biết việc thụ lý. Việc thụ lý vụ án phải được ghi vào sổ thụ lý.

Thẩm quyền giải quyết

cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong vụ án hành chính
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong vụ án hành chính

Căn cứ vào những điều đã phân tích ở trên và Căn cứ Khoản 3 Điều 32 Luật Tố tụng Hành chính 2015 thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

Như vậy, thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Trên đây là bài viết về vấn đề Bị phạt vi phạm hành chính trong đất đai có khởi kiện được không? Quý khách hàng có những thắc mắc, câu hỏi về vấn đề này, vui lòng liên hệ Luật sư hành chính qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn trực tiếp.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

5 (12 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết