Luật Hành Chính

Gửi đơn tố cáo ở đâu? Cơ quan nào tiếp nhận giải quyết?

Gửi đơn tố cáo ở đâu cho phù hợp với quy định pháp luật có vai trò quan trọng trong việc giải quyết tố cáo một cách kịp thời, nhanh chóng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về cách thức gửi đơn tố cáo và cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận. Tất cả những vấn đề trên sẽ được giải đáp đến Quý bạn đọc thông qua bài viết dưới đây.

Gửi đơn tố cáo ở đâu

Gửi đơn tố cáo ở đâu

Khái niệm về tố cáo

Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018, tố cáo là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được áp dụng đối với hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng:

  • Cán bộ, công chức, viên chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
  • Người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức;
  • Người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
  • Cơ quan, tổ chức.

Trong khi đó, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực áp dụng với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc chấp hành quy định của pháp luật, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Lưu ý khi nộp đơn tố cáo

Khi nộp đơn tố cáo, cần phải lưu ý ghi rõ trong đơn những thông tin được quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Tố cáo năm 2018, gồm có:

  • Ngày, tháng, năm tố cáo;
  • Địa chỉ của người tố cáo;
  • Cách thức liên hệ với người tố cáo;
  • Hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo;
  • Người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan.

Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.

Ngoài ra, một lưu ý quan trọng khác chính là việc người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.

>>>Xem thêm: Hình thức và nội dung cần thiết của một đơn tố cáo

Các hình thức tố cáo hiện nay

Trình bày trực tiếp

Tố cáo trực tiếp là tố cáo được thực hiện bằng cách trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Khi tố cáo trực tiếp, người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

Trình bày bằng đơn

Tố cáo gián tiếp là việc tố cáo được thực hiện bằng đơn tố cáo. Khi lựa chọn hình thức tố cáo gián tiếp, trong đơn tố cáo cần phải ghi rõ những thông tin về ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan.

Người dân nộp đơn tố cáo ở đâu?

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ liên quan, người dân tiến hành nộp đơn tố cáo ở cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận tố cáo. Căn cứ theo khoản 3 Điều 23 Luật Tố cáo năm 2018 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Người tố cáo có trách nhiệm tố cáo đến đúng địa chỉ tiếp nhận tố cáo mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã công bố.

Mẫu đơn tố cáo

Mẫu đơn tố cáo

Thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo

Căn cứ theo Điều 13 Luật Tố cáo năm 2018, đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước, thẩm quyền giải quyết tố cáo thuộc về:

  • Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã;
  • Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện;
  • Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh;
  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
  • Tổng cục trưởng, Cục trưởng và cấp tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ;
  • Người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ;
  • Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang Bộ;
  • Thủ tướng Chính phủ.

Đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Tòa án nhân dân, căn cứ theo Điều 14 Luật Tố cáo năm 2018, thẩm quyền giải quyết tố cáo thuộc về:

  • Chánh án Tòa án Nhân dân cấp huyện;
  • Chánh án Tòa án Nhân dân cấp tỉnh;
  • Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao;
  • Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.

Theo quy định tại Điều 15 Luật Tố cáo năm 2018, thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Viện kiểm sát nhân dân thuộc về các chủ thể sau:

  • Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân cấp huyện;
  • Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh;
  • Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân cấp cao;
  • Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.

Đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Kiểm toán nhà nước, thẩm quyền giải quyết tố cáo thuộc về Tổng Kiểm toán Nhà nước (Điều 16 Luật Tố cáo năm 2018).

Căn cứ theo Điều 17 Luật Tố cáo năm 2018, thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan khác của Nhà nước thuộc về:

  • Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
  • Thường trực Hội đồng Nhân dân;
  • Người đứng đầu cơ quan khác của Nhà nước.

Theo quy định tại Điều 18 Luật Tố cáo năm 2018, thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc về:

  • Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;
  • Người đứng đầu cơ quan nhà nước quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, căn cứ theo Điều 19, Luật Tố cáo 2018 , thẩm quyền giải quyết tố cáo thuộc về:

  • Người đứng đầu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ;
  • Người đứng đầu cơ quan nhà nước được giao quản lý doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Căn cứ theo Điều 20 Luật Tố cáo năm 2018, thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thuộc về cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.

Đối với hành vi vi phạm pháp luật của người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức, thẩm quyền giải quyết tố cáo thuộc về người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý trực tiếp người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức (căn cứ theo Điều 21 Luật Tố cáo năm 2018).

Thủ tục tiếp nhận đơn tố cáo

Căn cứ theo Điều 24 Luật Tố cáo năm 2018, thủ tục tiếp nhận đơn tố cáo được thực hiện như sau:

  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo;
  • Trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày;
  • Trường hợp đủ điều kiện thụ lý thì ra quyết định thụ lý tố cáo theo quy định tại Điều 29 Luật Tố cáo năm 2018;
  • Trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo.

>> xem thêm: Quy trình giải quyết tố cáo mới nhất năm 2024

Dịch vụ luật sư tư vấn tố cáo sai phạm

  • Tư vấn các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của các bên trong tố cáo;
  • Tư vấn cách xác định cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn tố cáo;
  • Tư vấn soạn thảo đơn tố cáo và chuẩn bị các tài liệu kèm theo;
  • Tư vấn về trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết tố cáo;
  • Tư vấn về những điểm cần lưu ý khi soạn thảo đơn tố cáo, nộp đơn tố cáo tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Dịch vụ luật sư tư vấn tố cáo

Dịch vụ luật sư tư vấn tố cáo

Người có quyền tố cáo cần thực hiện việc tố cáo đúng thẩm quyền tiếp nhận, xử lý đơn để tránh tình trạng mất nhiều thời gian trong giải quyết vấn đề.  Thủ tục và trình tự tố cáo được quy định chi tiết trong luật tố cáo hiện hành. Quý bạn đọc có thắc mắc về nội dung trên hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư hành chính của chúng tôi, xin vui lòng gọi vào số HOTLINE 1900.63.63.87 để được hỗ trợ giải đáp.

4.8 (18 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết