Luật Lao Động

Thủ Tục Giải Quyết Tranh Chấp Lao Động

Thủ tục trong tố tụng dân sự về lao động bao gồm thủ tục giải quyết tranh chấp lao động và giải quyết yêu cầu về lao động. Trong đó tranh chấp lao động là những tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ, về lợi ích của các bên trong lao động, tranh chấp lao động có thể phát sinh mà không có vi phạm pháp luật. Tranh chấp lao động có thể có các quy mô khác nhau như tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích.

Đặc biệt đối với các tranh chấp lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết trừ một số trường hợp đặc biệt tại điểm a,b,c,d,đ khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động 2012 để đản bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nhanh chóng tiếp tục quan hệ lao động, các bên có thể kiện thẳng ra Tòa mà không cần qua thủ tục thương lương, hòa giải.

Các khía cạnh trong giải quyết tranh chấp lao động theo pháp luật

Các khía cạnh trong giải quyết tranh chấp lao động theo pháp luật

Bước 1: Khởi kiện

a. Người có quyền khởi kiện: Người lao động, tập thể người lao động và người sử dụng lao động.

Theo quy đinh tại Điều 186 BLTTDS thì ” Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.” Ngoài ra, trong trường hợp cần được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể lao động thì tổ chức đại diện tập thể lao động cũng có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể lao động được quy định tại khoản 2 Điều 187 BLTTDS thì Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện một vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể lao động do pháp luật quy định.

Trường hợp người khởi kiện là người lao động thì họ phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự mà pháp luật dành cho họ. Theo quy định tại khoản 6 Điều 69 BLTTDS thì người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động thì được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động. Trong trường hợp này, Tòa án có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo pháp luật.

Trong trường hợp người lao động đã chết thì người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng sẽ khởi kiện và tham gia tố tụng theo quy định tại khoản 1 Điều 74 BLTTDS.

Trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật thì Tổ chức đại diện tập thể lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 187 BLTTDS và theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 43/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành điều 10 của luật công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là ngày 10/05/2013 thì công đoàn cơ sở tại đơn vị sử dụng lao động có quyền, trách nhiệm đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án. Trong trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp, hính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động uỷ quyền, công đoàn cơ sở tại đơn vị sử dụng lao động có quyền, trách nhiệm đại diện cho người lao động khởi kiện ra Toà án.

b. Đơn khởi kiện:

Người khởi kiện nộp đơn khởi kiện có nội dung và hình thức tuân thủ quy định tại Điều 189 BLTTDS đến Tòa án có thẩm quyền, kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của mình như: Những giấy tờ, tài liệu chứng minh cho quan hệ lao động giữa các bên tranh chấp: hợp đồng lao động, phụ lục hợp đồng; Biên bản hòa giải không thành của Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc tài liệu chứng minh các bên trong tranh chấp đã yêu cầu hòa giải nhưng Hội đồng hòa giải lao động cơ sở không tiến hành hòa giải trong thời hạn luật định kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải; Tài liệu chứng minh tranh chấp như: Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; Quyết định kỷ luật sa thải, biên bản họp kỷ luật đối với tranh chấp về kỷ luật sa thải; Bản cam kết giữa hai bên về thời gian làm việc bắt buộc cho doanh nghiệp sau khi học; bảng tổng hợp chi phí đào tạo đối với tranh chấp về bồi thường phí đào tạo.

giải quyết tranh chấp lao động theo pháp luật

Giải quyết tranh chấp lao động theo pháp luật

c. Tòa án có thẩm quyền thụ lý

Chỉ các tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 BLTTDS thuộc thẩm quyền giải quyết tại Tòa án. Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo lãnh thổ, theo cấp, theo sự lữạ chọn của nguyên đơn được quy định thực hiện theo Điều 35, Điều 37, Điều 39, Điều 40 BLTTDS.

d. Về thời hiệu khởi kiện

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 202 BLTTDS thì thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Cần lưu ý là Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc .

Bước 2: Nhận và thụ lý đơn khởi kiện

Theo quy định tại Điều 191 BLTTDS thì khi nhận đơn khởi kiện bộ phận tiếp nhận đơn của Tòa án phải ghi vào sổ nhận đơn và cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày được phân công Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện như quyền khởi kiện, năng lực hành vi dân sự của cá nhân khởi kiện, xem xét các tranh chấp yêu cầu phải hòa giải đã được giải quyết tại Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên của cơ quan lao động cấp huyện hoặc Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh hay chưa, vụ án có thuộc thẩm quyền Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hay không nếu không thì chuyển cho Tòa có thẩm quyền. Nếu đáp ứng các yêu cầu luật định thì Thẩm phán tiến hành thủ tục thụ lý vụ án thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của BLTTDS và thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí . Tòa án chính thức thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí hoặc khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo với trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.

Bước 3: Thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử

Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án về các tranh chấp lao động quy định tại Điều 32 BLTTDS là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 01 tháng.

Trong thời hạn này Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều 203 BLTTDS. Trong đó việc xác minh, thu thập chứng cứ có ý nghĩa và vai trò quan trọng để giải quyết khách quan, chính xác tranh chấp lao động nhất là các tranh chấp phức tạp liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động,… . Nếu đương sự đã cung cấp tài liệu và bổ sung tài liệu nhưng chưa đủ cơ sở để giải quyết vụ án và khi đương sự có yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết, Thẩm phán thực hiện thu thập chứng cứ như: lấy lời khai, ghi nhận lời khai của đương sự, trưng cầu giám định, thu thập chứng cứ do các cá nhân cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được,… .

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, đây là một thủ tục bắt buộc của Tòa án.Việc hòa giải trong giai đoạn này giúp các bên có thể thực hiện quyền tự định đoạt của mình, vụ án có thể được chấm dứt một cách nhanh chóng sau khi hòa giải thành, giúp giảm bớt chi phí, thời gian, tiền bạc cho quá trình tố tụng cũng nhưu chính các bên tranh chấp.

Trong phiên họp hòa giải ngoài các chủ thể như Thẩm phán, thư ký , các đương sự thì đối với vụ án lao động cần có đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động đối với vụ án lao động khi có yêu cầu của người lao động .

Tiến hành hòa giải tranh chấp lao động hợp pháp

Tiến hành hòa giải tranh chấp lao động hợp pháp

Nếu thông qua hòa giải các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khi hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Trường hợp hòa giải không thành thì Tòa sẽ lập biên bản hòa giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại Điều 220 BLTTDS.

Ngoài ra trong quá trình chuẩn bị xét xử, tùy trường hợp và căn cứ luật định mà Tòa án có thể ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án lao động theo quy định tại Điều 214, Điều 217 BLTTDS.

Bước 4: Phiên tòa sơ thẩm

Trường hợp hòa giải không thành, Tòa án sẽ mở phiên tòa sơ thẩm để xét xửu giải quyết tranh chấp dân sự.

Thành phần hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm sơ thẩm vụ án dân sự theo quy định tại Điều 63 BLTTDS thì HĐXX gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân và vì là vụ án lao động nên Hội thẩm nhân dân phải có người đã hoặc đang công tác trong tổ chức đại diện tập thể lao động hoặc người có kiến thức về pháp luật lao động.

Người tham gia tố tụng: nguyên đơn, bị đơn, người đại diện, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra Viện kiểm sát cử Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.

* Chuẩn bị khai mạc phiên tòa:

Để đảm bảo phiên tòa diễn ra một cách trật tự, tôn trọng pháp luật, và tạo thuận lợi cho việc tổ chức phiên tòa và giải quyết vụ án, Trước khi khai mạc phiên tòa, Thư ký phiên tòa phải tiến hành các công việc theo quy định tại Điều 237 BLTTDS như Phổ biến nội quy phiên tòa, kiểm tra, xác định sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên tòa và lý do vắng mặt, vắng mặt có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hay không. Việc xem xét sự có mặt phiên tòa ảnh hưởng đến việc tổ chức phiên tòa:

Theo quy định tại Điều 227 BLTTDS thì: Nếu triệu tập hợp lệ lần một mà đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt hoặc lần hai nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa . Tuy nhiên đối với lần hai nếu vắng vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì:

– Đối với nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện/ từ bỏ yêu cầu phản tố/ yêu cầu độc lập và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện/ yêu cầu phản tố/ yêu cầu độc lập của người đó.

– Đối với bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ.

Khi các tất cả đương sự vắng mặt một cách hợp lệ thì Tòa án có thể giải quyết tranh chấp lao động theo thủ tục xét xử vắng mặt tất cả những người tham gia tố tụng quy định tại Điều 238 BLTTDS.

* Thủ tục bắt đầu phiên tòa

Thủ tục bắt đầu phiên tòa được quy định từ Điều 239 đến Điều 246 BLTTDS, bao gồm các thủ tục sau:

– Khai mạc phiên tòa và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đây là thủ tục bắt buộc

– Chủ tọa phiên tòa kiểm tra lại sự có mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và kiểm tra căn cước của đương sự. Khi có người vắng mặt mà thuộc trường hợp phải hoãn phiên tòa thì Tòa án hoãn phiên tòa, trường hợp không bắt buộc hoãn thì chủ tọa phiên tòa phải hỏi xem có ai đề nghị hoãn phiên tòa hay không; nếu có người đề nghị thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định theo thủ tục do Bộ luật này quy định và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận; trường hợp không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do.

– Chủ tọa phiên tòa phổ biến quyền và nghĩa vụ của các đương sự và của những người tham gia tố tụng khác như đề nghị thay đổi người tham gia tố tụng.

– Chủ tọa phiên tòa giới thiệu họ, tên những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch (nếu có). Việc chủ tọa phiên tòa giới thiệu về họ tên của những người tiến hành tố tụng nhằm để đương sự, người tham gia tố tụng thực hiện việc yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm dân sự nhằm bảo đảm việc xét xử phải được thực hiện bởi một hội đồng xét xử hợp pháp và kết quả xét xử phải khách quan, vô tư. Theo quy định tại Điều 52, 83 BLTTDS, trong trường hợp có người yêu cầu thay đổi người tham gia tố tụng khác, người giám định, người phiên dịch thì hội đồng xét xử phải xem xét, nghe ý kiến của người bị thay đổi tại phiên tòa trước khi quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận. Trường hợp không chấp nhận thì hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do. Trong trường hợp phải thay đổi người tham gia tố tụng khác, người giám định, người phiên dịch mà không có người thay thế ngay thì hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa.

* Thủ tục hỏi tại phiên tòa

Hỏi tại phiên tòa là một thủ tục đặc trưng tại Tòa án, thông qua việc hỏi HĐXX có thể nhận định đầy đủ các tình tiết tại vụ án trước khi quyết định. Việc hỏi này còn nhằm công khai của việc xét xử vụ án lao động, quyền định đoạt của các đương sự được tôn trọng triệt để hơn nên thủ tục hỏi được bắt đầu bằng việc chủ tọa hỏi các đương sự về việc có thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu hay không. Theo đó thủ tục hỏi được quy định tại Điều 243 đến Điều 231 BLTTDS

* Tranh luận tại phiên tòa

Thủ tục tranh tụng là hoạt động trung tâm của phiên tòa, qua đó có thể nắm bắt và xem xét toàn bộ tình tiết của vụ án, được quy định từ Điều 247 đến Điều BLTTDS. Cụ thể

Chủ tọa phiên tòa tiến hành điều khiển các đương sự đối đáp trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án lao động, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của các đương sự trong vụ án. Phát biểu của các bên khi tranh luận là bình đẳng và thông qua đó các bên thể hiện quan điểm của mình về đánh giá chứng cứ, đánh giá yêu cầu, từ đó đưa ra phương án giải quyết vụ án. Đối với những vấn đề mà các bên còn có những ý kiến không thống nhất, trái ngược nhau thì họ có quyền đối đáp lại ý kiến của người khác. Do đó, hoạt động tranh luận có thể diễn ra trong khoảng thời gian không xác định, việc kết thúc tranh luận phụ thuộc vào các chủ thể tham gia tranh luận, khi sự thật khách quan đã được xác định hoặc các bên chấp nhận.

* Nghị án và tuyên án

Nghị án là việc HĐXX xem xét, quyết định giải quyết vụ án. Sau khi kết thúc phần tranh luận, trên cơ sở kết quả của việc hỏi và tranh luận tại phiên toà, HĐXX vào phòng nghị án để thảo luận quyết định giải quyết các vấn đề của vụ án và thông qua bản án tại phòng nghị án. Chỉ có các thành viên của HĐXX mới có quyền nghị án. Khi nghị án phải có biên bản ghi lại ý kiến đã thảo luận và quyết định của HĐXX. Việc nghị án được thực hiện theo quy định tại Điều 264 BLTTDS. Qua nghị án, trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, việc nghị án đòi hỏi phải có thời gian dài thì HĐXX có thể quyết định thời gian nghị án, nhưng không quá năm ngày làm việc kể từ khi kết thúc tranh luận tại phiên toà; nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc hỏi chưa đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì HĐXX quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận.

Như vậy, về nguyên tắc việc nghị án là bí mật, là trường hợp đặc biệt của nguyên tắc xét xử công khai, được tiến hành tại phòng riêng và trong quá trình nghị án không ai được vào phòng nghị án. Quy định về nghị án đảm bảo cho việc nghị án được độc lập, khách quan, vô tư, công minh và không bị tác động từ các yếu tố bên ngoài.

Bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm vì nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan vẫn có thể có những thiếu sót, sai lầm. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đồng thời khắc phục những sai lầm có thể có trong các bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm thì pháp luật tố tụng dân sự quy định cách xử lý thông qua kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục xét xử phúc thẩm. Theo đó, xét xử phúc thẩm là việc Toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị nhằm kiểm tra tính hợp pháp,tính căn cứ của các bản án, quyết định sơ thẩm, khắc phục kịp thời sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm, đảm bảo việc xét xử đúng đắn, thống nhất.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng theo số hotline 1900 63 63 87.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

Trân trọng./.

4.7 (13 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 754 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *