Luật Doanh Nghiệp

Giải quyết tranh chấp hợp đồng vận chuyển logistics

Giải quyết tranh chấp hợp đồng vận chuyển logistics là vấn đề được quan tâm khi có tranh chấp trong quá trình xử lý, thực hiện hợp đồng vận chuyển nhưng quý khách hàng vẫn chưa biết phương thức giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền lợi và tránh thiệt hại. Chính vì vậy, Luật sư tới từ Chuyển Tư Vấn Luật xin gửi đến bài viết về các phương thức như khởi kiện, thương lượng, hòa giải, để giải quyết tranh chấp hợp đồng vận chuyển logistics

Giải quyết tranh chấp hợp đồng vận chuyển logistics

Hợp đồng vận chuyển logistics là gì?

Theo Điều 513 Bộ luật Dân sự năm 2015: Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là một công việc cụ thể, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Theo Điều 233 Luật Thương mại 2005, Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao.

Như vậy, có thể hiểu hợp đồng dịch vụ logistics là sự thỏa thuận giữa một bên cung cấp dịch vụ và một bên là khách hàng, theo đó bên cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện tích hợp một hoặc nhiều dịch vụ trong chuỗi cung ứng logistics bao gồm việc nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác liên quan đến hàng hóa, còn bên kia (khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán phí dịch vụ.

>>>Xem thêm: Yêu cầu đối tác bồi thường thiệt hại do giao hàng bị khuyết tật

Những tranh chấp hợp đồng logistics phổ biến hiện nay

Tranh chấp hợp đồng logistics

Tranh chấp hợp đồng logistics được hiểu là những xung đột, bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên về việc thực hiện hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận và ký kết trong hợp đồng.

Hiện nay, trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên thường xảy ra tranh chấp đối với những vấn đề sau:

  • Tranh chấp về xác lập hợp đồng giữa các bên. Theo quy định hợp đồng logistics có thể được giao kết nhiều hình thức khác nhau như bằng văn bản hoặc các hình thức tương đương bằng văn bản, hợp đồng miệng,… Tuy nhiên, việc giao kết hợp đồng khó xác thực là hợp đồng miệng, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp trong việc có tồn tại hợp đồng hay không.
  • Vi phạm nghĩa vụ hoặc cho rằng là vi phạm nghĩa vụ của một bên trong quan hệ hợp đồng. Bởi lẽ, mỗi bên tham gia hợp đồng đều có các quyền và nghĩa vụ được các bên thỏa thuận ghi nhận trong hợp đồng. Việc các bên vi phạm (hoặc có căn cứ cho rằng là vi phạm) điều khoản quyền và nghĩa vụ là một trong những tranh chấp phổ biến hiện nay.

>>>Xem thêm: Tư vấn khởi kiện khi đối tác không thanh toán phí vận chuyển

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng vận chuyển logistics

Theo quy định tại Điều 317 Luật Thương mại 2005, để giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ logistics, các chủ thể tham gia trong hợp đồng có thể chọn các phương thức sau để giải quyết:

  • Thương lượng giữa các bên.
  • Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.
  • Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.

Thương lượng

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 317 Luật Thương mại 2005, thương lượng là một trong những hình thức mà các bên có thể lựa chọn để giải quyết khi xảy ra tranh chấp thương mại.

Có thể hiểu hình thức giải quyết tranh chấp thương lượng giữa các bên là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tự nguyện bàn bạc, thỏa thuận, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào.

Trong quá trình thực hiện giải quyết tranh chấp bằng hình thức thương lượng hòa giải giữa các bên sẽ không có sự ràng buộc của quy định pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết. Kết quả của quá trình giải quyết tranh chấp sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên.

Hòa giải

Bên cạnh hình thức thương lượng, theo Khoản 2 Điều 317 Luật Thương mại 2005 là một hình thức giải quyết tranh chấp giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.

Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định về khái niệm hòa giải thương mại như sau: Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.

Theo quy định của pháp luật thương mại, các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định Nguyên tắc khi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại:

  • Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
  • Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
  • Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.

Trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải tranh chấp thương mại được quy định tại Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

Sau khi tiến hành hòa giải, khi đạt được kết quả hòa giải thành các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành. Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Trường hợp không đạt được kết quả hòa giải thành, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 3, Điều 4, Điều 6, Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

Giải quyết thông qua tòa án hoặc trọng tài

Giải quyết thông qua trọng tài

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của Trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện.

Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài gồm:

  • Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài.
  • Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

CSPL: Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010.

Khi đã có đủ các điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng TTTM như có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực… thì các bên thực hiện các bước theo trình tự tố tụng trọng tài.

  • Nộp đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo;
  • Bị đơn nộp bản tự bảo vệ (theo Điều 35 Luật TTTM 2010);
  • Thành lập Hội đồng trọng tài;
  • Hòa giải (theo Điều 58 Luật TTTM 2010);
  • Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp (theo Điều 55 Luật TTTM 2010);
  • Hội đồng trọng tài ra phán quyết;

Áp dụng trong trường hợp: các bên thỏa thuận đưa ra những tranh chấp đã hoặc sẽ phát sinh giữa họ ra giải quyết tại Trọng tài. Trọng tài sau khi xem xét sự việc tranh chấp, sẽ đưa ra phán quyết có giá trị cưỡng chế thi hàng đối với các bên.

Giải quyết thông qua tòa án

Giải quyết tranh chấp tại Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực Nhà nước để đưa ra phán quyết buộc các bên có nghĩa vụ thi hành. Và bản án của Tòa án sẽ được thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước.

Thủ tục giải quyết căn cứ theo Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó:

  • Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này.
  • Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng. Do đó, khi có tranh chấp, Tòa án sẽ xác định dựa vào luật mà các bên thỏa thuận áp dụng.
  • Theo đó căn cứ vào khoản 3, Điều 26, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì tranh chấp hợp đồng thuộc thẩm quyền của Tòa án. Hồ sơ để khởi kiện giải quyết tranh chấp Hợp đồng bao gồm đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ chứng minh đính kèm theo đơn theo khoản 4 và khoản 5 Điều 189, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
  • Mức án phí xác định theo Danh mục mức án phí, lệ án phí được quy định tại Nghị quyết 326/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
  • Áp dụng trong trường hợp: khi phát sinh tranh chấp các bên có thể khởi kiện và đưa vụ án ra giải quyết tại Tòa án.

Luật sư giải quyết hợp đồng vận chuyển logistics

Luật sư tư vấn

  • Tư vấn quy định của pháp luật về hợp đồng logistics.
  • Tư vấn soạn thảo hợp đồng logistics.
  • Tư vấn, giải đáp thắc mắc các vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án, Trọng tài thương mại.
  • Hướng dẫn soạn thảo văn bản, đơn khởi kiện, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của Quý khách hàng.
  • Trực tiếp tham gia giải quyết với tư cách người đại diện ủy quyền hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
  • Tư vấn, hướng dẫn thân chủ những hướng giải quyết tranh chấp tốt nhất.

>>>Xem thêm: Luật sư tư vấn soạn thảo hợp đồng thương mại

Để giải quyết được tranh chấp hợp đồng vận chuyển logistics, trước hết quý khách hàng cần hiểu được hợp đồng vận chuyển logistics là gì và các quy định của pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, để việc giải quyết tranh chấp được diễn ra dễ dàng hơn, bài viết cũng đã phân tích các phương thức để giải quyết tranh chấp. Trường hợp quý bạn đọc cần tư vấn hoặc liên hệ luật sư, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn về luật hợp đồng một cách nhanh chóng và kịp thời.

4.6 (19 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 719 bài viết