Luật Hành Chính

Giải quyết bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính

Bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính là một trong những vấn đề “hot” được rất nhiều người quan tâm. Vậy pháp luật hành chính quy định về quy trình giải quyết bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính như thế nào? Ai là người có thẩm quyền giải quyết bồi thường thiệt hại? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính

Bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính được giải quyết như thế nào?

>>Xem thêm: Vụ UBND TP Vũng Tàu bị tố chậm thi hành án: Bài 2: Những khuất tất trong việc giải quyết bồi thường

Cơ sở pháp lý về yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính

Căn cứ vào Điều 7 Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2019) – LTTHC quy định người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri gây ra.

Trường hợp trong vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì Tòa án có thể tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính

Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật này nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật này và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự. Đồng thời, thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.

Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 6 Luật này còn quy định về thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường. Cụ thể:

  • Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự làm cho người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật này không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường;
  • Khoảng thời gian mà người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện đã chết hoặc không thể tiếp tục là người đại diện cho tới khi có người đại diện mới.”

Và người yêu cầu bồi thường có nghĩa vụ phải chứng minh khoảng thời gian không tính vào thời hiệu quy định tại khoản 3 Điều này.

Thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính

Thời hiệu khởi kiện trong vụ án hành chính được quy định như thế nào?

Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính

Căn cứ Điều 7 LTTHC và Điều 41 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 người bị thiệt hại trực tiếp yêu cầu bồi thường phải nộp đầy đủ hồ sơ bao gồm:

  • Văn bản yêu cầu bồi thường;
  • Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp người bị thiệt hại không được gửi hoặc không thể có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;
  • Giấy tờ chứng minh nhân thân của người bị thiệt hại;
  • Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường (nếu có).

Trong trường hợp người yêu cầu bồi thường là người thừa kế hoặc người đại diện của người bị thiệt hại thì ngoài những tài liệu a, b và d thì hồ sơ yêu cầu còn phải bổ sung thêm:

  • Giấy tờ chứng minh nhân thân của người thừa kế, người đại diện của người bị thiệt hại;
  • Văn bản ủy quyền hợp pháp trong trường hợp đại diện theo ủy quyền;
  • Trường hợp người bị thiệt hại chết mà có di chúc thì người yêu cầu bồi thường phải cung cấp di chúc, trường hợp không có di chúc thì phải có văn bản hợp pháp về quyền thừa kế.

Nguyên tắc giải quyết bồi thường thiệt hại và căn cứ bồi thường thiệt hại

Nguyên tắc giải quyết bồi thường thiệt hại

Nguyên tắc giải quyết bồi thường trong vụ án hành chính áp dụng tương tự như trong pháp luật dân sự. Cụ thể, Điều 13 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Theo đó, nguyên tắc bồi thường thiệt hại cũng được Bộ luật này quy định rất rõ ràng tại Điều 585 như sau:

  • Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  • Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
  • Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
  • Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
  • Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Nguyên tắc giải quyết bồi thường thiệt hại

Các nguyên tắc xử lý yêu cầu bồi thường thiệt hại

Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trong hoạt động hành chính Nhà nước, tại Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước 2017 quy định Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau:

  • Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này;
  • Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này;
  • Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

Đồng thời, để có căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm:

  • Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường;
  • Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại;
  • Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

>>Xem thêm: Khởi kiện và thụ lý vụ án hành chính

Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động quản lý hành chính

  • Điều 598 BLDS 2015 quy định rằng Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
  • Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, Điều 17 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong một số trường hợp như: ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật…

Có thể nói, hoạt động giải quyết bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính được pháp luật Hành chính Nhà nước quy định rất chặt chẽ. Nếu còn thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về vấn đề trên, quý khách vui thông liên hệ Luật sư tư vấn Luật Hành chính thông qua hotline 1900.63.63.87 Xin cảm ơn!

4.9 (15 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 895 bài viết