Luật Dân sự

Gặp rủi ro khi tiêm vắc xin, có được bồi thường không?

Tiêm vắc xin là một trong những cách phòng ngừa sự lây lan của các virus gây bệnh và làm giảm thiểu sự nghiêm trọng khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp xảy ra tai biến nặng hoặc tử vong sau khi tiêm vắc xin. Vậy, đối với các trường hợp gặp rủi ro khi tiêm vắc xin, có được bồi thường không? Và mức bồi thường, hồ sơ, trình tự như thế nào? Bài viết sau đây sẽ làm rõ các vấn đề này.

Gặp rủi ro khi tiêm vắc xin, có được bồi thường không?

Gặp rủi ro khi tiêm vắc xin, có được bồi thường không?

>>> Xem thêm: Trách nhiệm bồi thường của ai khi đi xe khách mà bị thiệt hại sức khỏe tính mạng?

Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi tiêm vắc xin gặp rủi ro

Căn cứ vào khoản 6 Điều 30 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và Điều 15 Nghị định 104/2016/NĐ-CP thì:

  • Khi sử dụng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch nếu xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.
  • Trường hợp xác định được lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế hoặc người làm công tác tiêm chủng thì tổ chức, cá nhân này phải bồi hoàn cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
  • Trường hợp được Nhà nước bồi thường bao gồm: Người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật hoặc Người được tiêm chủng bị tử vong.

Mức bồi thường thiệt hại khi gặp tai biến hoặc tử vong sau khi tiêm vắc xin

Mức bồi thường thiệt hại khi gặp tai biến hoặc tử vong sau khi tiêm vắc xin

Chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế

Căn cứ vào khoản 3 Điều 16 Nghị định 104/2016/NĐ-CP thì chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được bồi thường như sau:

  • Trường hợp người được tiêm chủng được Nhà nước bồi thường có thẻ bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Phần chi phí mà đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế phải đồng chi trả và các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chi phí vượt mức thanh toán của bảo hiểm y tế hoặc ngoài phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế thì được thanh toán theo hóađơn (mức tối đa không quá khung giá dịch vụ đăng ký với Bộ Y tế).
  • Trường hợp người được tiêm chủng được Nhà nước bồi thường không có thẻ bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, vận chuyển bệnh nhân được thực hiện theo như quy định hiện hành vềgiá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế công lập và có hóa đơn kèm theo.
  • Trường hợp người được tiêm chủng được Nhà nước bồi thường phải nhập viện điều trị, trong quá trình điều trị nếu phát hiện các bệnh khác kèm theo không liên quan đến tiêm chủng thì cá nhân phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh đó theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Nếu người này có thẻ bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh của bệnh đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút

Căn cứ vào khoản 4 Điều 16 Nghị định 104/2016/NĐ-CP thì chi phí bồi thường do thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút như sau:

  • Hỗ trợ thiệt hại vật chất cho 01 người phải nghỉ việc không hưởng lương để chăm sóc cho trường hợp được Nhà nước bồi thường thì được hỗ trợ theo thu nhập thực tế bằng mức đóng bảo hiểm xã hội của tháng trước liền kề, cụ thể:
Mức hỗ trợ = Mức lương đóng bảo hiểm xã hội của người chăm sóc phải nghỉ việc không hưởng lương x Số ngày chăm sóc thực tế
22 ngày
  • Nếu người chăm sóc cho trường hợpđược Nhà nước bồi thường mà không xác định được thu nhập thực tế của người đó thì xác định mức hỗ trợ như sau:
Mức hỗ trợ = Mức lương tối thiểu vùng nơi người chăm sóc thường trú tại thời điểm giải quyết bồi thường x Số ngày chăm sóc thực tế
22 ngày
  • Trường hợp người được tiêm chủng được Nhà nước bồi thường là người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì được hỗ trợ thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút trong thời gian cứu chữa. Mức hỗ trợ tương tự như mức hỗ trợcho người chăm sóc được quy định như trên.

Mức bồi thường người bị di chứng dẫn đến khuyết tật

Căn cứ vào khoản 1 Điều 16 Nghị định 104/2016/NĐ-CP thì mức bồi thường người bị di chứng dẫn đến khuyết tật như sau:

  • Thiệt hại do để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật được bồi thường 30 tháng lương cơ sở và các chi phí khám, chữa bệnh, bồi thường thiệt hại do thu nhập bị giảm sút.
  • Hiện nay, theo Nghị quyết số 70/2018/QH14 và Nghị quyết 128/2020/QH14 thì mức lương cơ sở của năm 2021 là 1.490.000 đồng. Nếu tiêm vắc xin Covid-19 dẫn đến bị khuyết tật thì được bồi thường 44.700.000 đồng.

Mức bồi thường đối với thân nhân người tử vong

Căn cứ vào khoản 2 Điều 16 Nghị định 104/2016/NĐ-CP thì mức bồi thường đối với thân nhân người tử vong như sau:

  • Các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trước khi tử vong;
  • Chi phí mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định;
  • Chi bù đắp tổn thất về tinh thần là 100.000.000 đồng cho thân nhân của người bị thiệt hại;
  • Các chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút như trên.

Hồ sơ, thủ tục xác định trường hợp được bồi thường

Hồ sơ, thủ tục xác định trường hợp được bồi thường

Hồ sơ

Căn cứ vào khoản 2 Điều 17 Nghị định 104/2016/NĐ-CP hồ sơ xác định trường hợp được bồi thường bao gồm:

  • Đơn yêu cầu xác định nguyên nhân gây tai biến và mức độ tổn thương;
  • Phiếu, sổ xác nhận tiêm chủng loại vắc xin có liên quan;
  • Giấy ra viện, hóa đơn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, vận chuyển bệnh nhân (bản chính hoặc bản sao có chứng thực);
  • Giấy chứng tử (trong trường hợp bị tử vong);
  • Các giấy tờ khác có liên quan chứng minh tai biến hoặc thiệt hại khác (nếu có).

Thủ tục

Căn cứ vào Điều 17, Điều 18 và Điều 19 Nghị định 104/2016/NĐ-CP thì thủ tục xác định trường hợp được bồi thường được thực hiện như sau:

  • Trường hợp người được tiêm chủng hoặc thân nhân của người được tiêm chủng cho rằng mình hoặc thân nhân của mình thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường thì phải chuẩn bị và gửi cho Sở Y tế hồ sơ bao gồm các tài liệu như trên.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn và các giấy tờ hợp lệ, nếu xác định yêu cầu thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì Sở Y tế phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của người bị thiệt hại (sau đây gọi tắt là người bị thiệt hại). Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì Sở Y tế có văn bản hướng dẫn người bị thiệt hại bổ sung.
  • Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người bị thiệt hại, Sở Y tế phải hoàn thành việc xác định nguyên nhân gây tai biến, mức độ tổn thương và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu đồng thời báo cáo Bộ Y tế.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết luận của Hội đồng tư vấn chuyên môn tỉnh (thời điểm tiếp nhận được tính theo dấu tiếp nhận công văn đến của Sở Y tế), Sở Y tế ra quyết định giải quyết bồi thường đối với các trường hợp được Nhà nước bồi thường.
  • Quyết định giải quyết bồi thường phải được gửi cho người bị thiệt hại, người có lỗi hoặc cơ quan tổ chức có lỗi gây thiệt hại (nếu có). Quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định, trừ trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý và khởi kiện ra tòa án.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, Sở Y tế phải có văn bản gửi Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đề nghị cấp kinh phí để thực hiện bồi thường kèm theo quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật.
  • Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp kinh phí để thực hiện bồi thường, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia phải cấp kinh phí cho Sở Y tế để chi trả cho người bị thiệt hại.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kinh phí do Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cấp, Sở Y tế phải thực hiện việc chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại.
  • Việc chi trả phải thực hiện 01 lần bằng tiền mặt cho người bị thiệt hại hoặc chuyển khoản theo yêu cầu của người bị thiệt hại. Trường hợpngười bị thiệt hại có yêu cầu trả bằng chuyển khoản thì thực hiện theo yêu cầu và thông báo bằng văn bản cho người bị thiệt hại. Nếu chi trả bồi thường bằng tiền mặt thì phải thông báo trước ít nhất 02 ngày cho người bị thiệt hại, việc nhận tiền bồi thường được lập thành 02 bản, mỗi bên tham gia giao nhận giữ 01 bản.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết

Sở Y tế là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại khi tiêm vắc xin căn cứ vào Điều 17, Điều 18 và Điều 19 Nghị định 104/2016/NĐ-CP.

Trên đây là tư vấn về Gặp rủi ro khi tiêm vắc xin, có được bồi thường không? Quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này cần TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87 để được  tư vấn nhanh nhất và kịp thời. Xin cảm ơn!

4.7 (13 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 751 bài viết