Văn phòng đại diện có thể ký hợp đồng được không là một câu hỏi phổ biến trong lĩnh vực pháp lý liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các văn phòng đại diện. Trong bối cảnh kinh doanh ngày nay, các công ty thường thiết lập văn phòng đại diện tại các quốc gia khác nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh và thâm nhập thị trường mới. Tuy nhiên, quyền hạn và trách nhiệm của văn phòng đại diện thường bị giới hạn theo quy định của pháp luật. Bài viết sao đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về vấn đề này.
Mục Lục
Khái niệm văn phòng đại diện theo quy định pháp luật
Văn phòng đại diện gồm có: Văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong nước và Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài.
Theo Khoản 2 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.”.
Căn cứ Điều 45, LDN 2020, văn phòng đại diện phải được đăng ký. Trình tự thủ tục được Điều 31, Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định cụ thể. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký, Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện. Từ thời điểm được cấp giấy, văn phòng đại diện mới có đủ tính pháp lý để hoạt động
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Luật Thương mại 2005 thì Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.
>>> Xem thêm: Những lưu ý khi doanh nghiệp mở thêm chi nhánh, văn phòng đại diện
Văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong nước có thể ký hợp đồng không?
Căn cứ Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 thì “văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó..”
Theo quy định trên, bản thân Văn phòng đại diện không có tư cách pháp nhân và trên nguyên tắc không có quyền ký kết hợp đồng thay mặt Doanh nghiệp.
Dù vậy, căn Khoản 5 Điều 84 Bộ luật dân sự 2015 thì “Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền..”
Như vậy, văn phòng đại diện không được ký kết hợp đồng, nhưng người đứng đầu văn phòng đại diện thì có quyền ký kết (nếu được pháp nhân mà văn phòng đại diện đó trực thuộc ủy quyền).
>>>Xem thêm: Hợp đồng được ký bằng chữ ký điện tử có hiệu lực pháp luật không?
Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có thể ký hợp đồng không?
Theo Điều 30 Nghị định 07/2016/NĐ-CP thì trong phạm vi hoạt động của mình, Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài có chức năng như sau: Thực hiện chức năng văn phòng liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thúc đẩy cơ hội đầu tư kinh doanh của thương nhân mà mình đại diện, không bao gồm ngành dịch vụ mà việc thành lập Văn phòng đại diện trong lĩnh vực đó được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
Từ căn cứ trên, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam không có quyền ký hợp đồng.
Ngoài ra, theo Điều 18 Luật thương mại 2005 quy định Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam chỉ được thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại theo luật định chứ không được thực hiện hoạt động sinh lợi tại Việt Nam. Nghĩa là, Văn phòng đại diện không được phép ký kết hợp đồng vì mục đích kinh doanh, hợp đồng mua bán hàng hóa và liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa vì nó được coi là hoạt động sinh lợi tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài vẫn có quyền ký hợp đồng trong hai trường hợp sau đây:
Thứ nhất, theo khoản 3 Điều 18 Luật thương mại 2005 Văn phòng đại diện được ký những hợp đồng phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của mình như: Thuê địa điểm đặt trụ sở, thuê, mua các phương tiện vật dụng cần thiết cho hoạt động của Văn phòng đại diện; Tuyển dụng lao động (người Việt Nam, người nước ngoài); Mở tài khoản ngoại tệ để phục vụ cho hoạt động của Văn phòng đại diện.
Thứ hai, việc ký hợp đồng vẫn có thể được thực hiện theo khoản 3 Điều 18 Luật Thương mại 2005 và cụ thể ở khoản 7 Điều 33 Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam quy định: Trong trường hợp thương nhân nước ngoài ủy quyền cho người đứng đầu Văn phòng đại diện giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết thì phải thực hiện việc ủy quyền bằng văn bản cho từng lần giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết. Như vậy, khi có giấy ủy quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài, Trưởng Văn phòng đại diện có thể thay mặt công ty ký hợp đồng mua bán nhân danh công ty.
>>>Xem thêm: Hướng dẫn soạn mẫu điều lệ công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp 2020
Dịch vụ tư vấn quyền hạn của Văn phòng đại diện trong giao kết hợp đồng
Luật sư chuyên tư vấn pháp luật doanh nghiệp sẽ hỗ trợ khách hàng như sau:
- Tư vấn về quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện;
- Tư vấn giá trị pháp lý của giao dịch do văn phòng đại diện ký kết;
- Tư vấn trường hợp văn phòng đại diện không được ký hợp đồng;
- Tư vấn hướng dẫn soạn thảo hợp đồng dân sự, thương mại;
- Tư vấn giải quyết tranh chấp giao dịch cho văn phòng đại diện giao kết.
Tóm lại, văn phòng đại diện có thể ký hợp đồng thay mặt công ty theo đúng phạm vi quyền hạn được ủy quyền. Điều quan trọng là phải tuân thủ các quy định pháp luật và thủ tục nội bộ của công ty. Nếu được thực hiện đúng cách, việc ký kết hợp đồng qua văn phòng đại diện sẽ giúp công ty hoạt động hiệu quả hơn trên thị trường. Trong trường hợp Quý khách hàng còn thắc mắc hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, hãy liên hệ với Chuyên Tư Vấn Luât qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn thủ tục thành lập văn phòng đại diện của công ty, cách thực hoạt đông và quyền hạn giao kết hợp đồng.
Bài viết liên quan có thể bạn quan tâm: