Luật Doanh Nghiệp

Thủ Tục Giải Thể Công Ty TNHH Một Thành Viên

Thủ tục giải thể công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên được pháp luật quy định cụ thể, việc giải thể công ty là việc chấm dứt sự tồn tại và hoạt động của một doanh nghiệp, công ty theo ý chí của doanh nghiệp và sự can thiệp của cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt. Vậy hôm nay chúng tôi xin giải đáp thắc mắc cho quý khách cụ thể hơn về thủ tục giải thể như sau.

Hướng dẫn thủ tục giải thể công ty TNHH MTV
Hướng dẫn thủ tục giải thể công ty TNHH MTV

Thành phần hồ sơ

Hồ sơ cần để chuẩn bị làm thủ tục giải thể công ty TNHH một thành viên gồm:

  • Thông báo về việc giải thể Công ty TNHH 1 thành viên (Theo mẫu tại Phụ lục II-22, Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);
  • Quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH một thành viên;
  • Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có);
  • Con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có) hoặc giấy chứng nhận đã thu hồi con dấu;
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Đối với doanh nghiệp được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương thì ngoài các giấy tờ nêu trên, doanh nghiệp nộp kèm theo: Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư; Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế; Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp.

CSPL: Điều 210 Luật Doanh nghiệp 2020

Thông qua quyết định giải thể công ty

Việc thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp nằm trong thủ tục giải thể công ty TNHH một thành viên thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu công ty.

Theo quy định tại Điều 208 Luật doanh nghiệp 2020, nội dung quyết định giải thể công ty phải có:

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
  • Lý do giải thể;
  • Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp;
  • Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;
  • Họ, tên, chữ ký của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị;
Chủ sở hữu công ty TNHH MTV là người thông qua quyết định giải thể công ty
Chủ sở hữu công ty TNHH MTV là người thông qua quyết định giải thể công ty

Chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng. Sau khi tiến hành thanh lý tài sản phải lập biên bản về việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày thông qua, quyết định giải thể phải được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, Cơ quan thuế, tất cả các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan, người lao động trong doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính và chi nhánh của doanh nghiệp (nếu có). Đồng thời quyết định giải thể doanh nghiệp phải được đăng ít nhất trên một tờ báo viết hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp.

Quyết định giải thể phải được gửi cho các chủ nợ kèm theo thông báo về phương án giải quyết nợ. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

Thông báo tình trạng doanh nghiệp và giải quyết các khoản nợ

Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể công ty TNHH một thành viên trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ngay sau khi nhận được quyết định giải thể của doanh nghiệp. Kèm theo thông báo phải đăng tải quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ (nếu có). Đồng thời gửi thông tin về việc giải thể của doanh nghiệp cho Cơ quan thuế. Doanh nghiệp thực hiện thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế với Cơ quan thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Các khoản nợ của công ty phải được thanh toán theo thứ tự ưu tiên như sau: (i) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; (ii) Nợ thuế; (iii) Các khoản nợ khác.

Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại chia cho chủ công ty, các thành viên theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp.

Thủ tục giải thể

Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của công ty, người đại diện theo pháp luật của công ty gửi hồ sơ đã chuẩn bị đề nghị giải thể cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Sau thời hạn 180 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải thể, mà không nhận được ý kiến về việc giải thể từ công ty hoặc phản đối của bên có liên quan bằng văn bản hoặc trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

CSPL: Điều 70 Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Trên đây là nội dung liên quan về “Thủ tục giải thể công ty TNHH một thành viên” theo quy định pháp luật. Trước tiên phải thông qua quyết định giải thể và tổ chức thanh lý hợp đồng và các khoản nợ để làm thủ tục giải thể công ty TNHH một thành viên, sau đó nộp hồ sơ để thực hiện giải thể. Trường hợp quý khách có nhu cầu cần tư vấn nhanh chóng hoặc soạn thảo hãy liên hệ với chúng tôi theo số hotline 1900 63 63 87 để được hướng dẫn cụ thể hơn.

4.8 (16 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 719 bài viết