Thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân là thủ tục chuyển đổi loại hình kinh doanh khá phổ biến trên thực tế. Việc chuyển đổi sang kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân sẽ mang lại khá nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Dưới đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp để hướng dẫn hồ sơ, quy trình, thủ tục chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân
Mục Lục
Lợi ích khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân
Các lợi ích khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân có thể kể đến như sau:
Một là, có thể được miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí
Căn cứ Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, Điều 18, Điều 19 Nghị định 80/2021/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi là Nghị định 80/2021/NĐ-CP), việc chuyển đổi loại hình kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân có thể được miễn một số loại thuế, phí, lệ phí sau:
- Miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
- Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
- Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.
Hai là, được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục thành lập doanh nghiệp và thủ tục hành chính
- Tư vấn trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp;
- Tư vấn trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện (nếu có).
- Tư vấn hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Cơ sở pháp lý: Điều 15, khoản 1 Điều 19 Nghị định 80/2021/NĐ-CP
Ba là, mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh
Căn cứ khoản 2 Điều 10 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (được sửa đổi bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013):
- Hộ kinh doanh không được xuất hóa đơn Giá trị gia tăng (VAT), không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Điều này sẽ khiến cho hộ kinh doanh bị hạn chế đối tác mua bán
- Doanh nghiệp tư nhân sẽ được xuất hóa đơn Giá trị gia tăng (VAT), không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng, qua đó một phần sẽ giúp mở rộng được phạm vi khách hàng, đối tác làm ăn
Bên cạnh đó, theo Điều 86 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp (sau đây gọi là Nghị định 01/2021/NĐ-CP), hộ kinh doanh không được phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại. Điều này sẽ có gây nên các hạn chế nhất định khi muốn mở rộng kinh doanh.
Còn đối với doanh nghiệp tư nhân, căn cứ khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân có thể được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh mà không bị hạn chế số lượng và có thể mở rộng quy mô kinh doanh ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân sẽ được tự do kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm, không bị giới hạn như hộ kinh doanh.
Trên đây là một số lợi ích khi chủ hộ kinh doanh thực hiện thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân.
>>> Xem thêm: Doanh nghiệp nào không chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn
Một số ưu điểm khi chuyển thành doanh nghiệp tư nhân
Thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân
Hồ sơ cần chuẩn bị
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 và Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân bao gồm:
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký thuế;
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân (theo Phụ lục I-1, TT01/2021);
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tục thực hiện
Căn cứ theo quy định tại Điều 27, Điều 32 và Điều 33, Điều 44, Điều 45 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì, thủ tục để chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân trực tiếp sẽ gồm các bước dưới đây:
- Bước 1: Người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được tiếp nhận để nhập thông tin vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
- Bước 2: Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.
Sau khi trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh nhập đầy đủ, chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tải các văn bản đã được số hóa trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
- Bước 4: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở để thực hiện chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh.
Đối với hình thức đăng ký qua mạng điện tử sử dụng chữ ký số công cộng
- Bước 1: Kê khai thông tin, nộp hồ sơ và thanh toán phí, lệ phí đăng ký.
Doanh nghiệp thực hiện kê khai thông tin, tải văn bản điện tử, ký xác thực hồ sơ đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử và thanh toán phí, lệ phí theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Bước 2: Nhận Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký.
Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, người nộp hồ sơ sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký qua mạng thông tin điện tử.
- Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh cấp đăng ký doanh nghiệp.
Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện cấp đăng ký doanh nghiệp và thông báo cho doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo qua mạng thông tin điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Đối với hình thức đăng ký qua mạng thông tin điện tử sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh
- Bước 1: Nộp hồ sơ qua mạng thông tin điện tử
Doanh nghiệp sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để kê khai thông tin, tải văn bản điện tử và ký xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử và thanh toán phí, lệ phí đăng ký theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký qua mạng thông tin điện tử sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh, văn bản ủy quyền phải có thông tin liên hệ của người ủy quyền để xác thực việc nộp hồ sơ đăng ký qua mạng thông tin điện tử.
- Bước 2: Nhận Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh
Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký, người nộp hồ sơ sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký qua mạng thông tin điện tử.
- Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh cấp đăng ký hoạt động chi nhánh.
Phòng Đăng ký kinh doanh cấp đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong trường hợp hồ sơ đủ điều kiện và thông báo cho doanh nghiệp về việc cấp đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo qua mạng thông tin điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
>>> Xem thêm: Thủ tục chuyển đổi công ty TNHH sang công ty cổ phần
Các nghĩa vụ phải thực hiện sau khi chuyển đổi loại hình kinh doanh
Căn cứ khoản 3 Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, sau khi có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh cũ thực hiện việc chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh theo quy định tại Điều 92 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Theo đó
Khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh phải gửi thông báo về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký. Kèm theo thông báo phải có các giấy tờ sau đây:
- Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của Cơ quan thuế;
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Ngoài ra, Hộ kinh doanh có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản nợ, gồm cả nợ thuế và nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện trước khi nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh, trừ trường hợp hộ kinh doanh và chủ nợ có thỏa thuận khác.
Tóm lại, để chuyển hoàn toàn sang kinh doanh dưới hình thức là doanh nghiệp tư nhân, thì hộ kinh doanh cần thức hiện hết các nghĩa vụ về tài chính và thuế. Sau khi thực hiện hết các nghĩa vụ của mình, hộ kinh doanh tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh theo quy định trên.
Bên cạnh đó, sau khi đã hoàn thành chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp cần phải thực hiện các thủ tục khác như sau:
- Treo bảng hiệu
- Đăng ký và kích hoạt chữ ký số điện tử
- Mở tài khoản ngân hàng
- Kê khai và nộp lệ phí môn bài
- Đăng ký mua và phát hành hóa đơn điện tử
Trên đây là một số nghĩa vụ cũng như thủ tục cần thiết khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân.
>>> Xem thêm: Thủ tục sau khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
Dịch vụ luật sư tư vấn chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân
Một số dịch vụ luật sư cung cấp khi tư vấn chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân:
- Tư vấn hồ sơ, thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân
- Tư vấn các điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định
- Tư vấn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Hướng dẫn cụ thể thủ tục thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
- Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
- Hoàn tất các thủ tục pháp lý có liên quan đến việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
- Tư vấn, thực hiện các công việc khác có liên quan.
Luật sư tư vấn chuyển đổi loại hình kinh doanh
Về cơ bản thủ tục chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân khá giống với thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân mới. Tuy nhiên vẫn cần lưu ý thêm một số thủ tục để có thể chấm dứt hoàn toàn hoạt động của hộ kinh doanh trước đó. Trên đây là toàn bộ thông tin về thủ tục chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân. Nếu bạn còn bất cứ thắc mắc nào hãy liên hệ tới HOTLINE 1900.63.63.87 để được luật sư doanh nghiệp tư vấn và hỗ trợ.
Bài viết liên quan có thể bạn quan tâm: