Luật Doanh Nghiệp

Thủ Tục Thành Lập Công Ty Tài Chính

Thủ tục hành lập công ty tài chính đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm bởi công ty tài chính đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của quốc gia. Đây là một loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng với chức năng sử dụng các nguồn vốn khác nhau để thực hiện các hoạt động cho vay, đầu tư, cung ứng các dịch vụ về tài chính, tiền tệ và một số hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn thủ tục thành lập công ty tài chính
Hướng dẫn thủ tục thành lập công ty tài chính

>>Xem thêm: Thủ tục thành lập công ty hỗ trợ tài chính

Điều kiện cấp Giấy phép của công ty tài chính

Công ty tài chính là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, mà hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng phi ngân hàng thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Do đó, trước khi thành lập công ty tài chính phải đáp ứng các điều kiện để được cấp Giấy phép của Ngân hàng nhà nước.

Theo đó, Công ty tài chính được cấp Giấy phép khi có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 20 Luật Các TCTD và Điều 11, 12 Thông tư 30/2015/TT-NHNN, đó là:

  • Có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định là 500 tỷ đồng;
  • Chủ sở hữu là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn; cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ khả năng tài chính để góp vốn.

Điều kiện đối với chủ sở hữu là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập thực hiện theo quy định tại Điều 11, 12 Thông tư 30/2015/TT-NHNN.

  • Người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 50 của Luật Các TCTD;
  • Có Điều lệ phù hợp với quy định của Luật các TCTD và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
  • Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng.

Hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính

Hồ sơ chung xin cấp Giấy phép đối với công ty tài chính theo quy định tại Điều 14 Thông tư 30/2015/TT-NHNN gồm:

Hồ sơ xin cấp phép thành lập công ty tài chính
Hồ sơ xin cấp phép thành lập công ty tài chính
  1. Đơn đề nghị cấp phép (theo mẫu);
  2. Dư thảo Điều lệ công ty;
  3. Đề án thành lập công ty tài chính đã được Hội nghị thành lập thông qua hoặc chủ sở hữu công ty phê duyệt;
  4. Tài liệu chứng minh năng lực của bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành dự kiến;
  5. Biên bản Hội nghị thành lập thông qua hoặc văn bản của chủ sở hữu phê duyệt dự thảo Điều lệ, đề án thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng, danh sách các chức danh quản trị, kiểm soát, điều hành dự kiến và lựa chọn Ban trù bị, Trưởng Ban trù bị.

Hồ sơ cụ thể đối với từng loại hình thực hiện theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 Thông tư 30/2015/TT-NHNN.

Trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động của Công ty tài chính

Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 30/2015/TT-NHNN, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép của công ty tài chính được thực hiện qua các bước sau:

Trình tự, thủ tục cấp phép thành lập công ty tài chính
Trình tự, thủ tục cấp phép thành lập công ty tài chính

Bước 1. Ban trù bị lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 13, 14, 15, 16 Thông tư 30/2015/TT-NHNN và gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước.

Ban trù bị gồm những người trong danh sách dự kiến bầu, bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Trưởng ban và thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) công ty tài chính nhiệm kỳ đầu tiên để thay mặt triển khai các công việc liên quan đến việc đề nghị cấp Giấy phép. Ban trù bị phải có tối thiểu 02 thành viên trong đó có 01 thành viên là Trưởng ban.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi Ban trù bị xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ để xem xét chấp thuận nguyên tắc. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không đầy đủ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi Ban trù bị yêu cầu bổ sung hồ sơ.

Bước 2. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày gửi văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập công ty tài chính. Trường hợp không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do không chấp thuận.

Bước 3. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập công ty tài chính, Ban trù bị lập các văn bản bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 15, khoản 7 Điều 16 Thông tư này và gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước. Quá thời hạn nêu trên, Ngân hàng Nhà nước không nhận được hoặc nhận được không đầy đủ các văn bản nêu trên thì văn bản chấp thuận nguyên tắc không còn giá trị.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước xác nhận bằng văn bản về việc đã nhận đầy đủ văn bản.

Bước 4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước tiến hành cấp Giấy phép theo quy định. Trường hợp không cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do không cấp Giấy phép.

Thành lập công ty tài chính

Sau khi được cấp Giấy phép, Công ty Tài chính phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh như thông thường. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập đối với công ty tài chính thực hiện tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ phải có bản sao hợp lệ giấy phép hoặc văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hồ sơ thành lập công ty tài chính được thực hiện theo quy định tại Điều 26, Điều 22 và Điều 23 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến vấn đề “Thủ tục thành lập công ty tài chính”. Công ty Luật Long Phan chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn, thực hiện các thủ tục thành lập doanh nghiệp nói chung và công ty tài chính nói riêng. Nếu quý khách hàng còn vấn đề nào chưa rõ hoặc cần tư vấn thành lập doanh nghiệp, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Phan Mạnh Thăng qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn.

Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo, tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc góp ý vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.9 (14 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 724 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *