Luật Doanh Nghiệp

Hợp đồng chìa khóa trao tay là gì?

Hợp đồng chìa khóa trao tay là gì, đây là vấn đề được cả các doanh nghiệp và nhiều người quan tâm khi lựa chọn hợp đồng xây dựng. Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BXD hợp nhất Nghị định số 50/2021/NĐ-CP và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, quy định về hợp đồng chìa khóa trao tay như thế nào, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, các lưu ý với hợp đồng này là gì? Vấn đề này sẽ được làm rõ tại bài viết này.

Hợp đồng chìa khóa trao tay là gì?

Hợp đồng chìa khóa trao tay là gì?

Khái niệm hợp đồng chìa khóa trao tay

Quy định tại điểm h khoản 1 Điều 3 VBHN số 02/ VBHN-BXD  quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, theo đó hợp đồng chìa khóa trao tay là hợp đồng xây dựng để thực hiện toàn bộ các công việc lập dự án, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình của một dự án đầu tư xây dựng.

>>Xem thêm: Hợp Đồng Xây Dựng Là Gì?

Quy định pháp luật về hợp đồng chìa khóa trao tay

Nội dung hợp đồng

Tùy theo loại hợp đồng xây dựng cụ thể, phạm vi công việc thực hiện được xác định khác nhau.

Theo điểm đ khoản 1 điều 12 VBHN số 02/VBHN-BXD quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, đối với hợp đồng chìa khóa trao tay nội dung chủ yếu là:

  • Việc lập dự án đầu tư xây dựng; thiết kế; cung cấp thiết bị và thi công xây dựng công trình
  • Đào tạo và hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa
  • Chuyển giao công nghệ
  • Vận hành thử không tải và có tải
  • Bàn giao công trình sẵn sàng đi vào hoạt động cho bên giao thầu và những công việc khác theo đúng dự án được phê duyệt.

Hình thức hợp đồng

Quy định tại Khoản 1 Điều 138 Luật Xây dựng năm 2014 (có sửa đổi bổ sung năm 2020) – Luật Xây dựng hiện hành, hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Hợp đồng chìa khóa trao tay là hợp đồng xây dựng, theo đó, hình thức của hợp đồng này là văn bản.

Hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay

Hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay

Quyền và nghĩa vụ của bên giao, nhận thầu chìa khóa trao tay

Bên nhận thầu

Theo điều 34 VBHN số 02/ VBHN-BXD quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, bên nhận thầu hợp đồng chìa khóa trao tay có một số quyền và nghĩa vụ sau:

Quyền của bên nhận thầu:

  • Được đề xuất với bên giao thầu về những công việc phát sinh ngoài phạm vi hợp đồng; từ chối thực hiện những công việc ngoài phạm vi hợp đồng đã ký kết khi chưa được hai bên thống nhất hoặc những yêu cầu trái pháp luật của bên giao thầu.
  • Tổ chức, quản lý thực hiện các công việc theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
  • Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ của bên nhận thầu:

  • Cung cấp đủ nhân lực, vật liệu, máy móc, thiết bị và các phương tiện cần thiết khác để thực hiện các công việc theo hợp đồng.
  • Thông báo cho bên giao thầu về những thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện làm việc không đảm bảo ảnh hưởng đến việc thực hiện công việc theo hợp đồng đã ký kết.
  • Giữ bí mật các thông tin liên quan đến hợp đồng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.
  • Thực hiện công việc theo hợp đồng đảm bảo an toàn, chất lượng, đúng tiến độ và các thỏa thuận khác trong hợp đồng.
  • Thực hiện các công việc thử nghiệm, hiệu chỉnh, vận hành chạy thử đồng bộ công trình và bàn giao công trình hoàn thành cho bên giao thầu theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng và theo quy định của pháp luật hiện hành.
  • Đảm bảo các sản phẩm do mình cung cấp không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.
  • Bàn giao các hồ sơ, tài liệu liên quan đến sản phẩm của hợp đồng cho bên giao thầu theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
  • Lập dự án đầu tư xây dựng, tham gia bảo vệ dự án cùng bên giao thầu trước người có thẩm quyền quyết định đầu tư và hoàn thiện dự án theo yêu cầu của bên giao thầu phù hợp với các thỏa thuận trong hợp đồng.

Bên giao thầu

Theo điều 33 VBHN số 02/ VBHN-BXD quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, bên nhận thầu hợp đồng chìa khóa trao tay có một số quyền và nghĩa vụ sau:

>>Xem thêm: Hợp Đồng Xây Dựng Nhà Ở Phần Nhân Công

Quyền của bên giao thầu:

  • Từ chối nghiệm thu sản phẩm không đạt chất lượng theo hợp đồng; không nghiệm thu những thiết bị công nghệ không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ và các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
  • Kiểm tra việc thực hiện các công việc của bên nhận thầu theo nội dung hợp đồng đã ký kết nhưng không được làm cản trở hoạt động bình thường của bên nhận thầu.
  • Tạm dừng việc thực hiện công việc theo hợp đồng và yêu cầu khắc phục hậu quả khi phát hiện bên nhận thầu thực hiện công việc vi phạm các nội dung đã ký kết trong hợp đồng hoặc các quy định của nhà nước.
  • Yêu cầu bên nhận thầu bàn giao các hồ sơ, tài liệu liên quan đến sản phẩm của hợp đồng theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
  • Xem xét, chấp thuận danh sách các nhà thầu phụ đủ điều kiện năng lực chưa có trong hợp đồng EPC theo đề nghị của bên nhận thầu.
  • Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
  • Nghiệm thu dự án đầu tư xây dựng để trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng, người có thẩm quyền quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt hoặc thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền.
Quyền và nghĩa vụ của bên giao, nhận thầu chìa khóa trao tay

Quyền và nghĩa vụ của bên giao, nhận thầu chìa khóa trao tay

Nghĩa vụ của bên giao thầu:

  • Thanh toán cho bên nhận thầu theo tiến độ thanh toán đã thỏa thuận trong hợp đồng.
  • Cử và thông báo bằng văn bản cho bên nhận thầu về nhân lực chính tham gia quản lý và thực hiện hợp đồng.
  • Xin giấy phép xây dựng theo quy định, bàn giao mặt bằng sạch cho bên nhận thầu theo tiến độ thực hiện hợp đồng.
  • Giám sát việc thực hiện công việc theo nội dung hợp đồng đã ký kết; kiểm tra các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định.
  • Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán hợp đồng đúng thời hạn theo quy định.
  • Bảo đảm quyền tác giả đối với các sản phẩm tư vấn theo hợp đồng.
  • Tổ chức đào tạo cán bộ quản lý và công nhân vận hành sử dụng công trình.
  • Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

>>Xem thêm: Giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng

Những nội dung cần chú ý với hợp đồng chìa khóa trao tay

Khi thực hiện ký kết hợp đồng chìa khóa trao tay cần chú ý một số nội dung cần phải có trong hợp đồng:

  • Điều khoản bảo hành
  • Chất lượng và yêu cầu kỹ thuật
  • Cam kết về tiến độ và thời gian bàn giao.
  • Cần có danh mục vật tư chi tiết

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến “Hợp đồng chìa khóa trao tay là gì?” Nếu như bạn có bất cứ vướng mắc nào, xin vui lòng liên hệ TƯ VẤN LUẬT DOANH NGHIỆP qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được tư vấn kịp thời và hỗ trợ tốt nhất. Xin cảm ơn.

4.8 (17 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 719 bài viết