Luật Doanh Nghiệp

Doanh nghiệp khoa học công nghệ là gì ?

Phát triển Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước ta đặt ra và quyết tâm triển khai thực hiện. Tính đến thời điểm tháng 31/12/2022, cả nước hiện có 712 Doanh nghiệp KH&CN. Việc phát triển Doanh nghiệp KH&CN ở nước ta còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trong bài viết này chúng ta cũng tìm hiểu Doanh nghiệp khoa học công nghệ là gì?

Doanh nghiệp khoa học công nghệ là gì?

Khái niệm Doanh nghiệp khoa học công nghệ

Doanh nghiệp KH&CN là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hoá từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

CSPL: Khoản 1 Điều 58 Luật Khoa học và công nghệ 2013. 

Các hình thức kết quả khoa học và công nghệ, gồm:

  • Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng đã được cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc được công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; chương trình máy tính đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả;
  • Giống vật nuôi mới, giống cây trồng mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận;
  • Kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về khoa học và công nghệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp tổ chức xét tặng giải thưởng hoặc đồng ý cho tổ chức xét tặng giải thưởng theo quy định của pháp luật về giải thưởng khoa học và công nghệ;
  • Các kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, công nhận theo quy định của pháp luật;
  • Công nghệ nhận chuyển giao được cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định của pháp luật.

CSPL: Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.

Thủ tục thành lập và đăng ký Doanh nghiệp Khoa học và công nghệ

Để được cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp khoa học và công nghệ thì doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện:

  1. Doanh nghiệp phải được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;
  2. Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận;
  3. Có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.

Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm đáp ứng các điều kiện thứ nhất và thứ hai nêu trên được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

CSPL: Điều 6 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.

Như vậy, khi các doanh nghiệp xét thấy đủ điều kiện nêu trên thì tiến hành gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ về cơ quan có thểm quyền quy định tại điều Điều 5 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP. Có thể nộp hồ sơ trực tiếp , qua được bưu điện hoặc nộp trực tuyến. Trong thời hạn 10 ngày và kéo dài không quá 15 ngày làm việc  kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ có trách nhiệm xem xét việc cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ:

  • Đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo Mẫu số 01 tại Phụ lục Nghị định 13/2019/NĐ-CP;
  • Văn bản xác nhận, công nhận kết quả khoa học và công nghệ của cơ quan có thẩm quyền (bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực);
  • Phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo Mẫu.

CSPL: Điều 7 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.

Chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ

Chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ

>>>Xem thêm: Lại Thêm Một Doanh Nghiệp Kiện Grab, Đã Đủ Điều Kiện Để Tòa Thụ Lý?

Việt Nam đã có những chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm khuyến khích thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ, tạo đà cho các doanh nghiệp phát triển để từ đó kéo theo sự phát triển ở các lĩnh vực khác nhờ ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội.

Các ưu đãi này được quy định cụ thể tại Điều 57 Luật Khoa học và công nghệ 2013, Điều 20 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP, Chương III Nghị định số 13/2019/NĐ-CP:

  • Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu các kết quả khoa học và công nghệ thuộc sở hữu nhà nước.
  • Hưởng chế độ miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan.
  • Các khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác thực hiện theo quy định của pháp luật.
  • Được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà.
  • Hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ và các quỹ khác theo quy định của pháp luật để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh.
  • Ưu tiên trong việc sử dụng trang thiết bị nghiên cứu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của nhà nước.
  • Được hỗ trợ các dịch vụ tư vấn, đào tạo của các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp do các cơ quan nhà nước thành lập.
  • Được Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao và Ủy ban nhân dân các địa phương ưu tiên cho thuê đất, cơ sở hạ tầng với mức giá thấp nhất theo quy định.
  • Được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định.

Trên đây là nội dung liên quan về Doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định pháp luật. Nếu quý khách còn vấn đề nào chưa rõ cần được giải đáp hoặc cần thực hiện tư vấn thủ tục thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline 1900 63 63 87 để nhận được sự hỗ trợ nhanh nhất.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.      

5 (14 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 724 bài viết