Dịch Vụ Luật Sư

Tư vấn quy trình giải quyết tố cáo trong thi hành án dân sự

Tư vấn quy trình giải quyết tố cáo trong thi hành án dân sự là dịch vụ tưu vấn thủ tục xử lý đơn tố cáo của công dân về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự. Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, công dân. Để tìm hiểu quy định pháp luật về quy trình xử lý, giải quyết tố cáo trong thi hành án dân sự, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

Giải quyết đơn tố cáo trong thi hành án dân sự

Giải quyết đơn tố cáo trong thi hành án dân sự

Người tố cáo trong thi hành án dân sự là ai?

Tại Điều 154 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định: Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Theo đó, chủ thể tố cáo trong thi hành án dân sự là công dân.

Quy trình giải quyết tố cáo theo quy định pháp luật

Thẩm quyền

Pháp luật về thi hành án dân sự quy định thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo như sau:

Người bị tố cáo là Thủ trưởng, Phó thủ trường cơ quan thi hành án

Trường hợp người bị tố cáo Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm giải quyết tố cáo;

Trường hợp người bị tố cáo là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm giải quyết;

Người bị tố cáo đã chuyển công tác hoặc không còn là công chức

Trường hợp người bị tố cáo là Thủ trưởng, Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án dân sự đã chuyển cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là công chức được giải quyết theo khoản 3 Điều 12 Luật Tố cáo 2018 như sau:

  • Trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;
  • Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và giữ chức vụ cao hơn thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.

Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết;

  • Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không thuộc trường hợp quy định nêu trên thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;
  • Trường hợp người bị tố cáo không còn là cán bộ, công chức, viên chức thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.

Người bị tố cáo làm việc cơ quan thi hành án đã hợp nhất, chia, tách hoặc giải thể

Trường hợp người bị tố cáo là Thủ trưởng, Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể được giải quyết theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 12 Luật Tố cáo 2018 như sau:

  • Trường hợp người bị tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách do người đứng đầu cơ quan, tổ chức sau hợp nhất, sáp nhập, chia, tách mà người bị tố cáo đang công tác chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết;
  • Trường hợp người bị tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý cơ quan, tổ chức trước khi bị giải thể giải quyết.

Một số trường hợp khác

Trường hợp người bị tố cáo là Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu thì Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm giải quyết;

Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo có trách nhiệm giải quyết lại vụ việc tố cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Tố cáo nếu người tố cáo có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng quy định của pháp luật và tố cáo tiếp.

Trường hợp tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm thì được giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thời hạn để giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Tuy nhiên, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể dài hơn, nhưng không quá 90 ngày kể từ ngày thụ lý.

Cơ sở pháp lý: Khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 157 Luật Thi hành án dân sự 2008; Điều 15 Thông tư 13/2021/TT-BTP ngày 30/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định quy trình xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự; khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 12 Luật Tố cáo 2018.

Thủ tục thực hiện

Căn cứ quy định tại Mục 3 xử lý, giải quyết tố cáo Thông tư 13/2021/TT-BTP quy định quy trình xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự, tố cáo trong thi hành án dân sự được giải quyết theo trình tự thủ tục sau:

Bước 1: Xử lý đơn, thụ lý tố cáo

Đối với nội dung tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết:

  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo. Trường hợp phải kiểm tra, xác minh hoặc ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc. Trường hợp không đủ điều kiện thụ lý theo quy định tại Điều 29 Luật Tố cáo thì người có thẩm quyền không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo.
  • Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể làm việc trực tiếp với người tố cáo để làm rõ nội dung tố cáo và các vấn đề khác có liên quan trước khi thụ lý giải quyết tố cáo.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo phải thông báo việc thụ lý cho người tố cáo và thông báo về nội dung tố cáo cho người bị tố cáo biết.

Đối với nội dung tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn và thông báo cho người tố cáo biết.

Cơ sở pháp lý: Điều 16, Điều 17 Thông tư 13/2021/TT-BTP.

Bước 2: Xác minh nội dung tố cáo

Tại Điều 19 Thông tư 13/2021/TT-BTP quy định: Người giải quyết tố cáo thành lập Đoàn xác minh nội dung tố cáo. Đoàn xác minh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để xác minh nội dung tố cáo.

Bước 3: Báo cáo kết quả xác minh tố cáo

Sau khi kết thúc việc xác minh, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc, Trưởng đoàn xác minh phải báo cáo bằng văn bản về kết quả xác minh với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Trường hợp xác minh phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng Đoàn xác minh báo cáo người giải quyết tố cáo xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Cơ sở pháp lý: Điều 20 Thông tư 13/2021/TT-BTP.

Bước 4: Kết luận nội dung tố cáo

Người giải quyết tố cáo ban hành kết luận nội dung tố cáo dựa vào nội dung tố cáo, văn bản giải trình của người bị tố cáo, báo cáo kết quả xác minh, các tài liệu, bằng chứng có liên quan, đối chiếu với các quy định của pháp luật, với các nội dung chính sau:

  • Kết quả xác minh nội dung tố cáo;
  • Căn cứ pháp luật để xác định có hay không có hành vi vi phạm pháp luật;
  • Kết luận về nội dung tố cáo là đúng, đúng một phần hoặc tố cáo sai sự thật; xác định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung tố cáo;
  • Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền cần thực hiện; kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật;
  • Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, áp dụng các biện pháp cần thiết đề bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cơ sở pháp lý: Điều 22 Thông tư 13/2021/TT-BTP.

Bước 5: Công khai kết luận nội dung tố cáo, thông báo nội dung kết luận tố cáo cho người tố cáo và quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo

  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo gửi kết luận nội dung tố cáo đến người bị tố cáo, cơ quan quản lý người bị tố cáo, cơ quan cấp trên trực tiếp, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và thông báo về kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo.
  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, người giải quyết tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Cơ sở pháp lý: Điều 24 Thông tư 13/2021/TT-BTP.

Bước 6: Thực hiện kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo

Sau khi ban hành kết luận nội dung tố cáo trong thời hạn 7 ngày làm việc, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm xử lý như sau:

  • Trường hợp kết luận người bị tố cáo không vi phạm pháp luật thi khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo do việc tố cáo không đúng sự thật gây ra, đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật.
  • Trường hợp kết luận người bị tố cáo vi phạm pháp luật thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra, áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì có văn bản chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Cơ sở pháp lý: Điều 25 Thông tư 13/2021/TT-BTP.

Trên thực tế không phải vụ việc tố cáo nào cũng thực hiện đầy đủ các bước nêu trên, đối với trường hợp không có hành vi vi phạm nên không phải xử lý hành vi vi phạm tại bước 6.

Mẫu đơn tố cáo trong thi hành án dân sự

Mẫu đơn tố cáo trong thi hành án dân sự

>>> Xem thêm: Trình tự, thủ tục khiếu nại quyết định thi hành án dân sự

Lý do cần luật sư tư vấn quy trình giải quyết tố cáo

Trong quá trình thực hiện quyền tố cáo, sự hỗ trợ, tư vấn của luật sư là rất cần thiết đối với người tố cáo bởi những nguyên nhân chính sau:

  • Thứ nhất, hệ thống quy phạm pháp luật về tố cáo rất rộng lớn nên đối với những cá nhân không có sự tiếp xúc nhiều với các quy định pháp luật thì rất dễ dẫn tới tình trạng nhầm lẫn, không hiểu đúng các quyền và nghĩa vụ của bản thân, đôi khi dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi đó, luật sư là những người đã nghiên cứu chuyên sâu, có sự am hiểu sâu sắc về pháp luật nên có thể tư vấn và hỗ trợ người tố cáo thực hiện các quyền mang lại tối đa lợi ích cho mình.
  • Thứ hai, trong trường hợp cần thiết, luật sư sẽ thay mặt người tố cáo thực hiện một số quyền theo quy định pháp luật hiện hành. Với việc am hiểu chuyên sâu các quy định pháp luật, Luật sư sẽ thực hiện những quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng.
  • Thứ ba, luật sư sẽ hướng dẫn khách hàng tìm kiếm và thu thập nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc để trở thành chứng cứ chứng minh cho họ.

Có thể thấy sự hỗ trợ của luật sư trong quá trình giải quyết tố cáo sẽ giúp quá trình giải quyết được hiểu quả, nhanh chóng và tránh được các rủi ro pháp lý.

Dịch vụ tư vấn pháp luật về thi hành án dân sự

Gói dịch vụ

Giai đoạn thi hành án dân sự là giai đoạn rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án dân sự đã có quyết định/bản án có hiệu lực pháp luật. Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên và tránh các rủi ro pháp lý, đội ngũ luật sư nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực dân sự của chúng tôi cung cấp đến khách hàng các gói dịch vụ tư vấn, hỗ trợ liên quan đến thi hành án dân sự như sau:

Dịch vụ tư vấn pháp luật

  • Tư vấn, giải thích về nội dung bản án, quyết định dân sự được thi hành, về quyền và nghĩa vụ của các bên trong bản án, quyết định;
  • Tư vấn về tiến hành thỏa thuận việc thi hành án;
  • Tư vấn về soạn thảo đơn yêu cầu thi hành án, về hồ sơ cần chuẩn bị khi yêu cầu thi hành án;
  • Tư vấn về các trường hợp cơ quan thi hành án chủ động thi hành bản án, quyết định;
  • Tư vấn về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự;
  • Tư vấn về các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án;
  • Tư vấn về xác minh điều kiện thi hành án;
  • Tư vấn về các nghĩa vụ tài chính trong quá trình thi hành án;
  • Tư vấn về các vấn đề pháp lý, các rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong quá trình thi hành án;
  • Tư vấn về thủ tục khiếu nại, tố cáo khi phát hiện có sai phạm của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thi hành án;
  • Thay mặt khách hàng soạn thảo các đơn từ có liên quan đến thi hành án.

Đại diện ủy quyền tham gia thi hành án dân sự

Dịch vụ luật sư đại diện theo ủy quyền để tham gia thi hành án dân sự:

  • Luật sư nhận ủy quyền tham gia vào quá trình thi hành án dân sự theo yêu cầu của khách hàng;
  • Thay mặt khách hàng tiến hành thỏa thuận về việc thi hành án;
  • Thay mặt khách hàng chuẩn bị hồ sơ yêu cầu thi hành án và làm việc với cơ quan có thẩm quyền;
  • Trực tiếp xác minh về điều kiện thi hành án, yêu cầu áp dụng biện pháp đảm bảo thi hành án;
  • Thay mặt khách hàng nhận kết quả và trả kết quả thi hành án đến khách hàng;
  • Soạn thảo các đơn từ có liên quan trong quá trình thi hành án;
  • Soạn thảo đơn khiếu nại, tố cáo khi phát hiện có sai phạm của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thi hành án dân sự.

Trên đây là một số dịch vụ cơ bản, tùy vào tính chất vụ án và yêu cầu của khách hàng mà phạm vi tư vấn, cung cấp dịch vụ luật sư sẽ khác nhau.

Chi phí

Chi phí dịch vụ tư vấn pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự được xác định dựa trên tính chất và phạm vi công việc mà khách hàng yêu cầu.

Trường hợp khách hàng có nhu cầu liên hệ đặt lịch tư vấn với luật sư chuyên môn, phí tư vấn ban đầu cùng luật sư chuyên môn là 1.000.000 đồng/giờ tư vấn. Trường hợp tư vấn ngoài giờ hành chính, phí tư vấn là 1.500.000 đồng/giờ tư vấn. Phí tư vấn ban đầu này sẽ được khấu trừ vào phí dịch vụ pháp lý trong hợp đồng dịch vụ pháp lý khi khách hàng tiếp tục có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư để giải quyết vấn đề đã được tư vấn. Trường hợp trong quá trình thực hiện hợp đồng mà có phát sinh các vấn đề mới dẫn đến phí dịch vụ thay đổi thì mức phí sẽ cập nhật vào phụ lục hợp đồng.

Tư vấn thủ tục giải quyết tố cáo trong thi hành án dân sự

Tư vấn thủ tục giải quyết tố cáo trong thi hành án dân sự

Giải quyết tố cáo trong thi hành án dân sự là một hoạt động có vai trò quan trọng, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, tổ chức trong giai đoạn thi hành án dân sự. Tuy nhiên, đây là một thủ tục phức tạp, nếu không có sự am hiểu pháp luật có thể dẫn tới các rủi ro pháp lý, do đó, bạn có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn chi tiết hơn, bạn hãy liên hệ với luật sư dân sự thông qua hotline: 1900636387.

Bài viết liên quan có thể bạn quan tâm

4.5 (15 bình chọn)

Bài viết được Chuyên Tư Vấn Luật
Chuyên Tư Vấn Luật

Tác giả: Luật sư tư vấn

Lĩnh vực tư vấn: Tư vấn giải đáp tất cả các lĩnh vực pháp luật, Tố tụng giải quyết các tranh chấp, Cung cấp dịch vụ luật sư, dịch vụ pháp lý trên Toàn Quốc

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 12

Tổng số bài viết: 125 bài viết