Phí trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam là một vấn đề được quan tâm bởi có ngày càng nhiều những mâu thuẫn và tranh chấp xảy ra. Đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được ưu tiên sử dụng và phí trọng tài là điều đáng lưu tâm khi tham gia tố tụng trọng tài. Vì thế trong bài viết dưới đây, Chuyên tư vấn luật sẽ cung cấp những thông tin cần thiết giúp đọc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Phí trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
Mục Lục
Khi nào giải quyết tranh chấp bằng trọng tài?
Điều kiện giải quyết tranh chấp
Theo Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010, điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài bao gồm:
- Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
- Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
- Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Trung tâm trọng tài chỉ giải quyết các tranh chấp khi có yêu cầu của các bên tranh chấp và thuộc thẩm quyền của trọng tài được quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010.
- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại
- Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại
- Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài
Tuy nhiên đối với một số trường hợp, các bên có thỏa thuận về trọng tài nhưng thuộc các trường hợp sau thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về Tòa án trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác được quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như sau:
- Có quyết định của Tòa án hủy phán quyết trọng tài, hủy quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên;
- Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài quy định tại Khoản 1 Điều 43 các điểm a, b, d và đ Khoản 1 Điều 59 Luật Trọng tài thương mại 2010;
- Tranh chấp thuộc trường hợp quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 4 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP.
>>> Xem thêm: Những điểm cần lưu ý thỏa thuận Trọng tài trong hợp đồng thương mại
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được quy định tại Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau:
- Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.
- Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.
- Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
- Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Phán quyết trọng tài là chung thẩm.
Các Trọng tài viên thuộc Hội đồng trọng tài phải tuân thủ đầy đủ những nguyên tắc trên nhằm đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật khi tham gia giải quyết tranh chấp.
>>> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Cơ sở tính phí và nộp phí trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
Người ấn định phí trọng tài được quy định tại Khoản 2 Điều 34 Luật Trọng tài thương mại 2010: Phí trọng tài do Trung tâm trọng tài ấn định. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài vụ việc, phí trọng tài do Hội đồng trọng tài ấn định. Do đó, tùy vào từng Trung tâm trọng tài hay Hội đồng trọng tài mà mức phí có thể khác nhau.
Việc tính phí trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam ( viết tắt là VIAC) được quy định theo Điều 34 Quy tắc Tố tụng trọng tài VIAC bao gồm:
- Chi phí để trả thù lao cho các Trọng tài viên giải quyết vụ tranh chấp;
- Chi phí hành chính của Trung tâm liên quan đến việc giải quyết vụ tranh chấp;
- Chi phí đi lại, ở và các chi phí có liên quan khác của các Trọng tài viên giải quyết vụ tranh chấp được quy định tại Văn bản hướng dẫn của Trung tâm có hiệu lực tại thời điểm lập dự tính chi phí; chi phí cho các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng Trọng tài;
- Chi phí giám định, định giá tài sản, chi phí tham vấn ý kiến chuyên gia.
Cơ sở tính phí trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam được quy định tại Quyết định số 89/QĐ-VIAC ngày 25/01/2016 của Chủ tịch VIAC gồm các trường hợp như sau:
Thứ nhất, Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại nêu trị giá vụ tranh chấp:
- Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng trọng tài gồm ba Trọng tài viên.
Trị giá vụ tranh chấp | Phí trọng tài (đã bao gồm VAT) |
100.000.000 trở xuống | 16,500,000 |
100.000.001 đến 1.000.000.000 | 16.500.000 + 7,7% số tiền vượt quá 100.000.000 |
1.000.000.001 đến 5.000.000.000 | 85,800,000 + 4.4% số tiền vượt quá 1,000,000,000 |
5.000.000.001 đến 10.000.000.000 | 261,800,000 + 2.75% số tiền vượt quá 5,000,000,000 |
10.000.000.001 đến 50.000.000.000 | 399,300,000 + 1.65% số tiền vượt quá 10,000,000,000 |
50.000.000.001 đến 100.000.000.000 | 1,059,300,000 + 1.1% số tiền vượt quá 50,000,000,000 |
100.000.000.001 đến 500.000.000.000 | 1,609,300,000 + 0.50% số tiền vượt quá 100,000,000,000 |
500.000.000.001 trở lên |
3,609,300,000 + 0.30% số tiền vượt quá 500,000,000,000 |
- Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài viên duy nhất, mức phí trọng tài bằng 70% của phí trọng tài nêu tại biểu biểu phí trọng tài nói trên đối với cùng trị giá vụ tranh chấp.
- Trị giá vụ tranh chấp bằng ngoại tệ được chuyển đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá chuyển khoản của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VIETCOMBANK) tại thời điểm nộp Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại
Thứ hai, Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại không nêu trị giá vụ tranh chấp thì Chủ tịch VIAC quyết định số phí trọng tài căn cứ vào tính chất của vụ tranh chấp, thời gian giải quyết vụ tranh chấp và số lượng Trọng tài viên.
Thứ ba, trường hợp Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại vừa có yêu cầu nêu trị giá vừa có yêu cầu khác không nêu trị giá thì phí trọng tài đối với các yêu cầu nêu trị giá được tính theo trường hợp một, phí trọng tài đối với yêu cầu không nêu trị giá được tính theo trường hợp thứ hai nêu trên.
Thứ tư, Phí trọng tài nêu tại trường hợp một, hai và ba trên đây không bao gồm chi phí đi lại, ở và các chi phí có liên quan khác của các Trọng tài viên và thư ký phiên họp giải quyết vụ tranh chấp; chi phí giám định, định giá tài sản, chi phí tham vấn ý kiến chuyên gia và chi phí cho các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng Trọng tài.
Các quy định tại các trường hợp nêu trên cũng áp dụng đối với việc sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện có điều chỉnh tăng về trị giá của vụ tranh chấp; việc sửa đổi, bổ sung Đơn kiện lại có điều chỉnh tăng về trị giá của vụ kiện lại. Trường hợp có điều chỉnh giảm về trị giá của vụ tranh chấp hoặc điều chỉnh giảm trị giá của vụ kiện lại thì phí trọng tài không điều chỉnh giảm. Sau khi đã tính toán được chi phí của từng yêu cầu thì mức phí trọng tài cuối cùng sẽ là mức phí được cộng gộp từ các khoản phí trọng tài trên.
Bên cạnh đó, việc nộp phí trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC được quy định chi tiết tại Điều 35 Quy tắc VIAC như sau:
- Khi nộp Đơn khởi kiện, trừ khi các bên có thỏa thuận khác, Nguyên đơn phải nộp đủ các chi phí được quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 34 của Quy tắc VIAC theo Biểu phí trọng tài của Trung tâm có hiệu lực tại thời điểm nộp Đơn khởi kiện.
- Trong trường hợp có Đơn kiện lại, trừ khi các bên có thỏa thuận khác, Bị đơn phải nộp đủ các chi phí nêu tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 34 của Quy tắc VIAC theo Biểu phí trọng tài của Trung tâm có hiệu lực tại thời điểm nộp Đơn kiện lại.
- Các chi phí nêu tại Khoản 3 Điều 34 của Quy tắc VIAC được tạm ứng sau khi Hội đồng Trọng tài được thành lập. Trung tâm tham khảo ý kiến của Hội đồng Trọng tài để lập dự tính, quyết định một bên hoặc các bên phải tạm ứng các chi phí này và thông báo cho các bên biết. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Trung tâm, bên hoặc các bên được yêu cầu phải tạm ứng đủ các chi phí này, trừ khi các bên có thoả thuận khác.
- Các chi phí nêu tại Khoản 4 Điều 34 của Quy tắc VIAC được nộp theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 19 của Quy tắc VIAC.
- Các chi phí nêu tại Khoản 3 Điều 34 của Quy tắc VIAC được Trung tâm tính và thông báo cho các bên và cho Hội đồng Trọng tài trước khi Hội đồng Trọng tài lập Phán quyết trọng tài. Nếu số tiền tạm ứng cao hơn chi phí thực tế thì Trung tâm hoàn trả số tiền còn dư cho bên đã tạm ứng. Nếu chi phí thực tế cao hơn số tiền tạm ứng thì các bên phải nộp bổ sung cho Trung tâm.
Cơ sở tính phí và nguyên tắc nộp phí trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC được quy định cụ thể tại Quy tắc VIAC. Phí trọng tài phải được nộp đầy đủ và kịp thời nhằm đảm bảo quy trình giải quyết tranh chấp được diễn ra đúng thời hạn.
Phí trọng tài tranh chấp thương mại
Việc không nộp phí trọng tài thì khởi kiện có được giải quyết?
Trong trường hợp các bên tham gia tranh chấp không thực hiện đúng các quy định của Trung tâm về nộp phí, việc khởi kiện của các bên sẽ bị gián đoạn bằng các hình thức như:
- Thứ nhất, nếu nguyên đơn không nộp đủ các chi phí tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 34 Quy tắc VIAC trong thời hạn do trung tâm ấn định thì được coi là rút Đơn khởi kiện nhưng không ảnh hưởng đến quyền được nộp lại Đơn khởi kiện. Tức đơn khởi kiện sẽ không được giải quyết nhưng vẫn sẽ có thể giải quyết nếu nguyên đơn nộp lại Đơn khởi kiện.
- Thứ hai, nếu bị đơn không nộp đủ các chi phí nếu tại Khoản 1 và Khoản 2 ĐIều 34 Quy tắc VIAC trong thời hạn do Trung tâm ấn định thì được coi là rút đơn kiện lại. Trường hợp này thì việc kiện lại của bị đơn sẽ không được giải quyết.
- Thứ ba, nếu các bên không nộp đầy đủ đối với các chi phí tại Khoản 3 Điều 34 Quy tắc VIAC thì Trung tâm có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài tạm dừng việc giải quyết tranh chấp.
Để việc tranh chấp tiếp tục diễn ra, một trong các bên tranh chấp có thể đóng tạm ứng phí trọng tài cho bên còn lại.
- Thứ tư, nếu các bên yêu cầu thực hiện định giá, giám định hay tham vấn ý kiến chuyên gia mà không thực hiện đủ các khoản phí này theo tại khoản 4 Điều 35 của Quy tắc VIAC thì Hội đồng trọng tài sẽ giải quyết tranh chấp trên cơ sở hiện có theo quy định tại khoản 3 và 4 Điều 19 của Quy tắc VIAC.
Các bên tham gia cần chủ động theo dõi, nắm bắt quy định nộp phí của từng loại phí và thực hiện nộp phí đúng quy định, tránh trường hợp giải quyết tranh chấp bị đình chỉ gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên tham gia tranh chấp.
Luật sư tư vấn, tham gia giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
Luật sư Chuyên tư vấn luật sẽ cung cấp một số dịch vụ liên quan đến tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam gồm:
- Tiếp nhận yêu cầu khách hàng về nộp phí và tranh chấp thương mại tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam;
- Tư vấn những vấn đề pháp lý liên quan đến giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại;
- Thực hiện lập hồ sơ, soạn thảo những văn bản cần thiết liên quan;
- Luật sư hướng dẫn hiện các thủ tục tố tụng và tham gia tranh tụng về tranh chấp thương mại tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khi có yêu cầu.
Hướng dẫn các quy định về phí trọng tài sẽ giúp quý khách hàng dễ dàng hơn trong việc nộp phí. Để tiến trình giải quyết tranh chấp được diễn ra hiệu quả và đúng tiến độ thì việc thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến phí trọng tài là điều phải được thực hiện đúng quy định của trung tâm trọng tài. Nếu quý khách hàng có những thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ dịch vụ luật sư qua hotline 1900.63.63.87 hoặc để được hỗ trợ một cách nhanh chóng nhất.