Luật Đất Đai

Ủy ban xã không hòa giải thì có khởi kiện tranh chấp đất đai được không?

Tranh chấp liên quan đến đất đai không phải là tranh chấp hiếm gặp trong thực tiễn. Có nhiều loại tranh chấp và tùy vào từng loại sẽ có quy định điều chỉnh khác nhau. Trong đó, có những loại tranh chấp để có thể khởi kiện ra Tòa phải trải qua thủ tục hòa giải tại cơ sở. Tuy nhiên, có một số trường hợp, Ủy ban nhân dân có thẩm quyền hòa giải lại không làm tròn trách nhiệm khi không tiến hành mở phiên hòa giải. Vậy, nếu Ủy ban xã không hòa giải thì có khởi kiện tranh chấp đất đai được không?

Ủy ban nhân dân xã trong một số trường hợp tranh chấp đất đai bắt buộc phải mở phiên hòa giải
Ủy ban xã không hòa giải thì có khởi kiện tranh chấp đất đai được không?

Những trường hợp nào phải hòa giải tại cơ sở trước khi khởi kiện?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP thì chỉ có tranh chấp đất đai về vấn đề ai là người có quyền sử dụng đất thì mới bắt buộc phải hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất. Còn đối với tranh chấp đất đai về thừa kế quyền sử dụng đất, phân chia tài sản chung của vợ chồng,… thì không bắt buộc phải hòa giải.

Theo đó, tranh chấp đất đai về vấn đề ai là người có quyền sử dụng đất khi chưa tiến hành hòa giải tại cơ sở thì được xem là chưa có đủ điều kiện khởi kiện.

Những trường hợp nào phải hòa giải tại cơ sở trước khi khởi kiện ra Tòa
Tranh chấp ai có quyền sử dụng đất cần hòa giải trước khởi kiện

Phải xử lý như thế nào nếu Chủ tịch UBND xã không hòa giải ?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính 2015 thì hành vi hành chính là hành vi của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện công vụ theo pháp luật. Từ căn cứ trên, ta có thể thấy hành vi tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai cấp xã của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã theo quy định tại Khoản 3 Điều 202 Luật Đất đai 2013 là hành vi hành chính.

Việc không tiến hành hòa giải trong trường hợp này là hành vi làm trái với quy định của pháp luật, sẽ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền khởi kiện của các bên tranh chấp. Như vậy, hành vi không tiến hành hòa giải trên là hành vi hành chính, vi phạm pháp luật, và nó sẽ là đối tượng bị kiện theo Khoản 4 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính 2015. Lúc này, một trong hai bên tranh chấp có thể khởi kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ra Tòa án yêu cầu Tòa án xử lý vi phạm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, buộc Ủy ban nhân dân xã tiến hành hòa giải lại theo như luật định.

Ngoài ra, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cũng là đối tượng khiếu nại theo Luật Khiếu nại 2011. Vậy nên, ta vẫn có thể làm đơn khiếu nại hành vi này lên Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các cơ quan Thanh tra để yêu cầu Chủ tịch UBND xã thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc tổ chức phiên hòa giải.

Phải xử lý như thế nào nếu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã không hòa giải?
Chủ tịch UBND Xã không hòa giải theo quy định

Pháp luật quy định như nào về thủ tục hòa giải, khởi kiện?

Đối với việc hòa giải tại cơ sở:

Như quy định tại tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP thì chỉ có những tranh chấp về ai là người có quyền sử dụng đất thì mới bắt buộc phải hòa giải tại cơ sở trước khi khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết.

Với trường hợp này, thủ tục hòa giải sẽ diễn ra như sau:

1. Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã phải thực hiện các công việc sau:

  • Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;
  • Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải;
  • Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
  • Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.

2. Việc hòa giải hay hay không thành đều phải ghi vào biên bản hòa giải. Nếu hòa giải không thành, các bên có thể gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền (trong đó có Tòa án) để yêu cầu giải quyết theo các thủ tục như luật định.

CSPL: Theo Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Đối với thủ tục khởi kiện ra Tòa

Sau khi hòa giải không thành, một trong hai bên có quyền gửi đơn khởi kiện theo mẫu đơn khởi kiện tranh chấp đất đai ra Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp theo Điều 5, Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 như sau:

  1. Đương sự gởi đơn khởi kiện lên Tòa án và kèm theo các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án như bản sao in Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà, chứng minh nhân dân của đương sự, văn bản ủy quyền (nếu có),… theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
  2. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán sẽ thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí (trong trường hợp đương sự bắt buộc phải nộp tiền tạm ứng án phí theo luật định) – Theo khoản 1 Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
  3. Theo Điều 10 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, nơi nộp tạm ứng án phí là Cơ quan thi hành án dân sự. Cơ quan thi hành án dân sự có nhiệm vụ thu án phí quy định tại Điều 3 và các loại lệ phí Tòa án quy định tại khoản 1, điềm b khoản 2, các khoản 4, 5 và 8 Điều 4 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14;
  4. Sau khi nộp tạm ứng án phí xong, người nộp đơn lấy biên lai gửi lại Tòa án. Tòa án sẽ thụ lý vụ án và giải quyết tranh chấp của hai bên theo đúng quy định về thủ tục xét xử theo pháp luật hiện hành.

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn khởi kiện đối với hành vi không hòa giải tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND xã. Trường hợp quý khách hàng có thắc mắc bất kì vấn đề gì liên quan đến bài viết hoặc quý khách hàng đang cần hỗ trợ pháp lý, xin vui liên hệ ngay với Chuyên Tư Vấn Luật qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn nhanh chóng.

4.8 (10 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 894 bài viết