Luật Đất Đai

Giải quyết tranh chấp đất đai không có giấy tờ

Tranh chấp đất đai không có giấy tờ là việc các bên không cung cấp đầy đủ 01 hoặc một số giấy tờ cần thiết khác để làm căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp. Các giấy tờ này có thể là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất; hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng, di chúc; biên lai đóng thuế sử dụng đất….hoặc các giấy tờ khác chứng minh người sử dụng đất có quyền sử dụng hợp pháp đối với diện tích đất đang tranh chấp. 

Giải quyết tranh chấp đất đai không có giấy tờ
Đất nông nghiệp không có giấy tờ dễ phát sinh tranh chấp

Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai không có giấy tờ

Theo khoản 1 Điều 91 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, tranh chấp đất đai không có giấy tờ hợp pháp hoặc không có sổ đỏ thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện dựa theo các căn cứ như sau:

  • Chứng cứ về “nguồn gốc và quá trình sử dụng đất” do các bên đưa ra. Có thể ví dụ các giấy tờ: biên lai thu thuế đất, giấy tờ thuê mướn nhân công đào đất, giấy tờ chứng minh quá trình khai thác hưởng hoa lợi từ đất, người làm chứng…
  • Thực tế diện tích đất đang sử dụng được xác định thông qua đo đạc, thẩm định tại chỗ, vẽ sơ đồ thửa đất, diện tích đất tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương.
  • Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
  • Chính sách ưu đãi người có công, bởi Nhà nước có quyền giao đất, công nhận QSDĐ.
  • Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất không có giấy tờ

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai không có giấy tờ được xác định như sau:

Thứ nhất, Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định Điều 202 Luật Đất đai 2013: Các tranh chấp đất đai phải được tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã, đây là thủ tục bắt buộc. Do vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp ban đầu.

Thứ hai, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền. Căn cứ khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013 thì Ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh có thẩm quyền giải quyết khi đương sự lựa chọn sau khi tranh chấp đã được giải quyết hòa giải bắt buộc. 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất: trong trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất:

  • Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
  • Giải quyết khiếu nại quyết định giải quyết tranh chấp của Ủy ban nhân dân cấp huyện

Thứ ba, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 

Thứ tư, Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền. Căn cứ khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013 và khoản 9 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 thì Tòa án sẽ có quyền giải quyết tranh chấp đất không có giấy tờ khi đương sự lựa chọn nộp đơn khởi kiện tại Tòa án.

>> Xem thêm: Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp huyện

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất không có giấy tờ tại Ủy ban nhân dân 

Thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã

Quy trình hòa giải tranh chấp đất tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện như sau:

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp

Bước 2: Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;

Bước 3: Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải

Thành phần Hội đồng gồm:

  • Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng;
  • Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn;
  • Tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc;
  • Người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc;
  • Đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó;
  • Cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn.
  • Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Bước 4: Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.

Bước 5: Lập thành biên bản ghi nhận kết quả hòa giải tranh chấp đất đai

Bước 6:  Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.

Hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã

Hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã

Thủ tục yêu cầu giải quyết tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền

Thủ tục này được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc tỉnh tùy vào thành phần các bên tranh chấp:

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền

Bước 2: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết.

Bước 3: Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.

Bước 4: Lập hồ sơ giải quyết tranh chấp: 

  • Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;

  • Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã; biên bản làm việc với các bên tranh chấp và người có liên quan; biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp; biên bản cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai đối với trường hợp hòa giải không thành; biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp;

  • Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp và các tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp;

  • Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp hoặc dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành.

Bước 5:  Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành.

Bước 6: Gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án

Hồ sơ chuẩn bị 

Hồ sơ khởi kiện gồm: 

  • Đơn khởi kiện theo mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
  • Căn cước công dân người khởi kiện;
  • Tài liệu, văn bản khác có giá trị chứng minh yêu cầu khởi kiện

Thủ tục thực hiện

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án: 

  1. Bước 1: Nộp đơn khởi kiện. 
  2. Bước 2: Chánh án Tòa án phân công thẩm phán xem xét đơn.
  3. Bước 3: Thẩm phán xem xét đơn ra quyết định phù hợp theo quy định.
  4. Bước 4: Thông báo tạm ứng án phí. Người được thông báo phải nộp lại biên lại tạm ứng án phí cho Tòa án trong thời hạn quy định
  5. Bước 5: Tòa án thụ lý vụ án và ra thông báo đến các cơ quan và cá nhân liên quan.
  6. Bước 6: Tiến hành hòa giải và mở phiên họp tiếp cận, công khai chứng cứ.
  7. Bước 7: Chuẩn bị xét xử.
  8. Bước 8: Đưa vụ án ra xét xử ở phiên tòa sơ thẩm.

>> Xem thêm: Cơ sở giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án

Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai không có giấy tờ

Luật sư chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp đất đai sẽ hỗ trợ cho khách hàng:

  • Tư vấn luật đất đai về cách thức giải quyết tranh chấp, đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của các bên tranh chấp. Đưa ra những phương án cụ thể có lợi nhất trong quá trình đàm phán, hòa giải (nếu có);
  • Hướng dẫn và tư vấn cho khách hàng trình tự thủ tục hòa giải;
  • Hướng dẫn thực hiện khởi kiện;
  • Hướng dẫn chuẩn bị tài liệu, chứng cứ khởi kiện tranh chấp đất đai; thu thập, tìm kiếm đưa ra các chứng cứ chứng minh quyền sử dụng đất;
  • Soạn thảo đơn từ và các giấy tờ liên quan khác cho đương sự;
  • Tham gia tố tụng với tư cách là luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ tại tòa án các cấp trong các vụ án liên quan đến nhà đất;
  • Tham gia tố tụng với tư cách là đại diện ủy quyền – nhân danh khách hàng thực hiện tất cả các phương án và cách thức theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng một cách tốt nhất tại các cấp tòa xét xử.

Tư vấn giải quyết tranh chấp đất không có giấy tờ

Tư vấn giải quyết tranh chấp đất không có giấy tờ

Theo quy định pháp luật việc giải quyết các tranh chấp đất đai phải thực hiện hòa giải bắt buộc tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Dù đất có giấy chứng nhận hay cá giấy tờ khách theo quy định của luật đất đai hay không thì Tòa án vẫn có quyền giải quyết các tranh chấp này. Tuy nhiên đối với tranh chấp đất đai mà không có bất kỳ giấy tờ nào thì thẩm quyền giải quyết còn có Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Hãy liên hệ qua hotline: 1900.63.63.87 để được tư vấn luật đất đai hiệu quả nhất. 

4.7 (16 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết

One thought on “Giải quyết tranh chấp đất đai không có giấy tờ

  1. Avatar
    Bùi Thị xuân Diệu says:

    Tôi dc sang nhượng đất năm 2005 và Đất nhà tôi dc nhà nước cấp QSDD cho chủ đất cũ năm 2001. Vì chưa đủ điều kiện nên tôi chưa làm tới đất trong thời gian đó có một số hộ đi tắt giữa lô đất của nhà tôi vẫn để đi bình thường. Năm 2008 các hộ tự ý tiến hành mở rộng đường trên giữa đất tôi, tôi có ý kiến vẫn cho các hộ đó đi nhưng phải bảo quản và ko được tự ý mở rộng đất tôi ra để làm đường quá lớn nữa. Nhưng họ ko đồng ý thừa nhận mà còn chửi bới kiện tụng và đánh đập chị e tôi. Sau một năm giải quyết cấp thôn, xã, huyện đã giải quyết xong và có lập biên bản là các cấp ko đủ thẩm quyền mở đường cho họ đi vì con đường đó nằm trong sổ của nhà tôi. Mọi việc đã đâu đó xong xuôi nay năm 2010 họ tiếp tục gởi đơn kiện tại toà án chính thẩm phán đi lên thực tế xác định đất là của vợ chồng tôi, lúc đó tôi cũng có mời cả chủ đất cũ ra làm chứng. Nhưng khi mời tôi xuống toà toà án ko cho tôi ý kiến còn các hộ kia thì ko có giấy tờ gì chứng minh đó là con đường và đất của họ nhưng họ vẫn dc mở miệng nói tùm lum, trong phòng riêng của thẩm phán gồm thẩm phán, thư kí đánh máy, tôi và 3 người là 2 hộ tranh chấp đất đường đi , thư kí phát cho 4 người một tờ giấy nói là sơ đồ đất xem coi có đất mình trong đó k và thẩm phán nói do a địa chính huyện làm gì đó nên ko đóng dấu trên giấy này, rồi thẩm phán nói đất tôi là địa chính cấp sai vị trí đất, đất ko có trong tờ bản đồ yêu cầu tôi giao nộp sổ đỏ của tôi để hủy và làm lại sổ khác, và các hộ kia nói địa chính trước đây ngồi ở nhà vẽ chứ ko đi đo… Tôi có ý kiến là đất tôi sang nhượng lâu rồi và giấy tờ sang nhượng dc UBND xã can thiệp làm xong thủ tục và tôi đã đóng thuế cho nhà nước, tôi đề nghị toà giải quyết vụ việc họ ko có giấy tờ liên quan đến thửa đất nhà tôi làm và đất họ cũng ko gần đất tôi tại sao lại tranh chấp với tôi, đất đã dc nhà nước cấp QSDĐ rồi. Còn giả sử như đất tôi có làm đúng diện tích hay sai nếu cần tôi sẽ làm việc với địa chính để dc giải quyết về việc này sau đó đề nghị được điều chỉnh bổ sung hoặc cấp lại còn những hộ này ko liên qua.n. Và tôi nhận thấy sự thiên vị trong lời nói giữa tôi và 2 hộ kia, thẩm phán nạt nộ và đuổi tôi ra khỏi phòng. Tôi là người dân trước giờ rất tôn trọng pháp luật và chưa làm gì sai, mọi thứ tôi đều đi từ cấp thôn đến xã, huyện thuế đóng nhà nước đầy đủ. Giờ ra toà biết mình ko sai nhưng vẫn đi vì tôn trọng pháp luật nhà nước với hi vọng toà án sẽ giải quyết đúng, công bằng để tôi còn có thời gian làm ăn lo cho việc gia đình chứ ko mất thời gian nhiều như vậy nữa nhưng họ có ý ép tôi. Tôi rất mong dc sự tư vấn giúp đỡ,xin cảm ơn nhiều ạ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *