Trong quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, khi người để lại di sản là đất đai chết mà không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, thì theo pháp luật, những người được hưởng di sản đầu tiên là cha, mẹ, vợ, chồng và các con của họ. Đối với cháu hoặc chắt (nội, ngoại) sẽ là những người được hưởng di sản thừa kế được ưu tiên hàng thứ 2 và thứ 3 khi những người nêu trên không còn ai. Tuy nhiên, những người cháu, chắt (nội, ngoại) này vẫn có thể được hưởng di sản thừa kế ngang hàng với bố, mẹ, vợ, chồng hoặc những người con còn lại của người chết với vai trò là người thừa kế thế vị. Thừa kế thế vị là gì và các quy định có liên quan là chủ đề sẽ được trình bày trong bài viết này.
Mục Lục
Thừa kế thế vị được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào?
Theo quy định tại (Điều 652 BLDS 2015) quy định về thừa kế thế vị như sau:
- Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Thừa kế thế vị có thể hiểu là việc con đẻ thay thế vị trí của cha hoặc mẹ để hưởng thừa kế của ông nội, bà nội hoặc ông ngoại, bà ngoại đối với phần di sản mà cha mẹ được hưởng nếu còn sống nhưng cha đã chết trước ông nội, bà nội hoặc mẹ đã chết trước ông ngoại, bà ngoại đồng thời cũng là việc con đẻ thay thế vị trí của cha hoặc mẹ để hưởng thừa kế của cụ đối với phần di sản mà cha, mẹ được hưởng nhưng cha, mẹ đã chết trước hoặc cùng một thời điểm với cụ.
Điều kiện để được hưởng thừa kế thế vị là gì?
- Điều kiện đầu tiên làm phát sinh quan hệ thừa kế thế vị đó là phải xảy ra sự kiện cha hoặc mẹ của cháu hoặc của chắt chết trước hoặc chết cùng vào một thời điểm với ông, bà (nội, ngoại) hoặc các cụ (nội, ngoại).
- Những người thừa kế thế vị phải là người có quan hệ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và người thế vị luôn ở vị trí đời sau, tức là chỉ có con thế vị cha, mẹ để hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ chứ không xảy ra trường hợp cha, mẹ thế vị con để hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ.
- Giữa họ phải có quan hệ huyết thống về trực hệ (chỉ có con đẻ thay thế vị trí của cha, mẹ đẻ).
- Người thừa kế thế vị phải còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản
- Khi còn sống, người cha hoặc mẹ của người được thế vị phải có quyền được hưởng di sản của người chết.
- Bản thân người thế vị không bị tước quyền thừa.
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản là đất đai
Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Vì đất đai là bất động sản nên thời hiệu yêu cầu chia di sản sẽ là 30 năm.
Quy định về trình tự, thủ tục giải quyết?
Hồ sơ khởi kiện chia di sản thừa kế:
- Đơn khởi kiện
- Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế;
- Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;
- Bản kê khai các di sản;
- Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản ( Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, …)
- Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong hộ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn ( nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản ( Nếu có)
Trình tự giải quyết khởi kiện:
Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho đương sự biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí, đương sự nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Tòa án thụ lý việc dân sự hoặc vụ án dân sự kể từ khi nhận được biên lai này.
Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Tòa án có thẩm quyền giải quyết:
Vụ tranh chấp yêu cầu chia thừa kế mà di sản là bất động sản theo quy định tại Khoản 5 Điều 26, Điểm a Khoản 1 Điều 35, Điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về đề “Thủ tục yêu cầu chia thừa kế thế vị đất đai”. Nếu có bất cứ vướng mắc, câu hỏi hoặc cần tư vấn luật đất đai, xin vui lòng liên hệ Chuyên Tư Vấn Luật theo số điện thoại hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn pháp luật đất đai, uy tín, hiệu quả và tận tình. Trân trọng!