Luật Đất Đai

Thủ tục xin cấp lại sổ đất theo quyết định/ bản án của tòa án

Sổ đất là gì? Trường hợp nào người dân cần tiến hành thủ tục xin cấp lại sổ đất? Ai có thẩm quyền cấp lại sổ đất? Quy định của pháp luật về việc xin cấp lại sổ đất theo quyết định/bản án của tòa án như thế nào? Bài viết này sẽ giải đáp những thắc mắc trên của bạn đọc.

Yêu cầu cấp lại sổ đỏ theo quyết định của Tòa án

Các loại sổ đất có giá trị pháp lý hiện nay

Luật Đất đai qua nhiều lần sửa đổi bổ sung và ban hành mới, vì vậy hiện vẫn lưu hành nhiều loại giấy tờ về đất đai khác nhau. Do đó, Điều 97 Luât Đất đai năm 2013 quy định một số giấy tờ nhất định được công nhận giá trị pháp lý. Đó là

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường gọi là sổ đỏ) được cấp trước ngày 12/10/2009 với mọi loại đất, trong trường hợp có tài sản gắn liền với đất thì tài sản đó được ghi nhận trên sổ đỏ.
  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được cấp trước ngày 12/10/2009 với đối tượng có nhà ở và tài sản gắn liền với đất ở tại nội thành, nội thị xã, thị trấn (đất ở đô thị).
  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng cũ) được cấp trước ngày 12/10/2009 đối với trường hợp nhà mà chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở (nhà chung cư).
  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng được cấp trước ngày 12/10/2009 đối tượng được cấp là công trình xây dựng được tạo lập hợp pháp tại Việt Nam mà không phải là nhà ở.
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) được cấp từ ngày 12/10/2009 cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Như vậy, tính từ ngày 12/10/2009 đến thời điểm hiện tai chỉ được cấp một loại sổ đất duy nhất chứng nhận quyền sử dụng đất đai là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Cách giải quyết khi người bán không chịu giao sổ đất
Giấy chứng nhận quyến sử dụng đất – căn cứ chứng minh quyền sử dụng đất

Thẩm quyền cấp lại sổ đất theo quyết định, bản án của Tòa án

Việc cấp lại, cấp đổi sổ đất trong trường hợp sổ đất bị mất, bị rách, ố nhòe, hư hỏng hay đổi sổ đỏ,sổ hồng cũ thành sổ hồng mới là việc chủ sở hữu giấy chứng nhận có quyền yêu cầu Văn phòng đăng kí đất đai cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không cần phải đăng kí biến động.

Không giống như việc cấp lại sổ đất trong trường hợp nêu trên, đối với việc cấp lại mà làm thay đổi nội dung bên trong của sổ đất như chuyển nhượng, sang tên, tách thửa, tặng cho, thừa kế, thế chấp, góp vốn,… phải đăng kí biến động theo quy định tại Điều 95 Luật đất đai 2013.

Đối với việc cấp lại sổ đất theo quyết định/bản án của Tòa là thủ tục làm thay đổi tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất đai. Ví dụ: Thay đổi người sử dụng, chia/tách thửa do chia thừa kế hoặc chia tài sản khi ly hôn,… do đó thuộc trường hợp phải đăng kí biến động.

Việc cấp lại Giấy chứng nhận trong những trường hợp trên đều do cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện theo quy định của Chính phủ, cụ thể như sau:

Đối vối địa phương đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai theo quy định pháp luật thì Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất.

Đối với địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật thì việc cấp Giấy chứng nhận thực hiện như sau:

  • Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
  • Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Các trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền khi thực hiện đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất và việc xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.

Tuy nhiên, ở hai trường hợp sau, văn phòng đăng kí đất đai phải cập nhật, chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai. Về hình thức, cả ba trường hợp trên đề giống nhau, về mặt pháp lý và thủ tục lại hoàn toàn khác nhau.

Trình tự thủ tục xin cấp lại sổ đất theo quyết định, bản án của Tòa án

Các nội dung thủ tục hành chính về đất đai đã được trụ sở cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả niêm yết tại trụ sở hoặc công khai trên trang thông tin điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia, bao gồm :

  • Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả;
  • Thời gian giải quyết đối với mỗi thủ tục hành chính;
  • Thành phần hồ sơ đối với từng thủ tục hành chính;
  • Quy trình và trách nhiệm giải quyết từng loại thủ tục hành chính.

Chuẩn bị hồ sơ

Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành cấp lại sổ đỏ
Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành cấp lại sổ đỏ
Hồ sơ đề nghị đăng ký biến động đất đai theo bản án/quyết định của Tòa án quy định tại khoản 5 Điều 9, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT như sau:
  • Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;

  • Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

  • Bản án, quyết định của Tòa để làm căn cứ xác nhận quyền sở hữu theo Khoản 1 Điều 19 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Thủ tục xin cấp lại sổ đất

Căn cứ các Điều 60, 61 và 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (Sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP)

  1. Cá nhân, tổ chức chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của Pháp luật
  2. Nộp tại UBND xã/ phường nơi có đất hoặc văn phòng đăng ký đất đai .
  3. UBND xã/phường nơi có đất xem xét nguồn gốc đất, nhà ở và công trình trên đất xác nhận vào đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, niêm yết công khai tại trụ sở UBND;
  4. Trong thời gian 15 ngày UBND xã/phường nơi có đất sẽ lập Tờ trình kèm theo hồ sơ gửi UBND cấp huyện (qua Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện) đề nghị cấp Giấy chứng nhận;
  5. Trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì chuẩn bị hồ sơ của  Phòng Tài nguyên và Môi trường, dự thảo Quyết định của UBND cấp huyện, Giấy chứng nhận và gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra;
  6. Phòng Tài nguyên môi trường tiếp nhận hồ sơ; thực hiện kiểm tra hồ sơ và trình UBND cấp huyện ký Quyết định công nhận quyền sử dụng đất và Giấy chứng nhận;
  7. Sau khi UBND cấp huyện ký Quyết định công nhận quyền sử dụng đất và Giấy chứng nhận.
  8. Người đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính và nhận Giấy chứng nhận theo quy định. 

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm nộp hồ sơ là người nhận quyền sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất nộp hồ sơ đối với trường hợp xin cấp lại sổ đất theo quyết định/bản án của Tòa án.

Trên đây là bài viết tư vấn trình tự thủ đăng kí biến động đất đai trong trường hợp có quyết định/bản án của Tòa án. Mọi thắc mắc xin liên hệ hotline 1900 63 63 87 để được Luật sư tư vấn và giải đáp chi tiết. Cảm ơn quý bạn đọc đã theo dõi./.

4.7 (16 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 982 bài viết