Việc chuyển từ đất trồng lúa sang đất trồng cây hằng năm ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu nền nông nghiệp, trong khi lúa gạo là một loại sản phẩm nông nghiệp chính ở nước ta. Hiện nay, người dân có xu hướng chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất trồng cây hằng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản vì nhu cầu khác nhau. Tuy nhiên để thực hiện việc chuyển đổi thì người dân phải đảm bảo các điều kiện pháp luật quy định. Để biết chính xác các điều kiện để thực hiện việc chuyển đổi, mời Quý bạn đọc theo dõi bài viết sau.
Mục Lục
Thế nào là đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm
Về khái niệm của đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm được quy định rõ tại khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 8 Điều 3 Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa (Nghị định 35/2015/NĐ-CP). Cụ thể như sau:
Đất trồng lúa là đất có các điều kiện phù hợp để trồng lúa, bao gồm đất chuyên trồng lúa nước và đất trồng lúa khác. Trong đó, đất chuyên trồng lúa nước là đất trồng được hai vụ lúa nước trở lên trong năm. Đất trồng lúa khác bao gồm đất trồng lúa nước còn lại (đất chỉ phù hợp trồng được một vụ lúa nước trong năm) và đất trồng lúa nương.
Trong khi đó, cây hàng năm là loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá 01 (một) năm, kể cả cây hàng năm lưu gốc để thu hoạch không quá 05 (năm) năm.
Điều kiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất trồng cây hằng năm
Điều kiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất trồng cây hằng năm được quy định tại Điều 4 Nghị định 35/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP, cụ thể:
- Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa;
- Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã (sau đây gọi là kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa), đảm bảo công khai, minh bạch;
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải theo vùng, để hình thành các vùng sản xuất tập trung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương;
- Trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120 cm, khi cần thiết phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa trở lại.
Khi có nhu cầu tiến hành chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất trồng cây hàng năm, người sử dụng đất phải đảm bảo các điều kiện nêu trên. Khi đó, người sử dụng đất sẽ tiến hành đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét sự phù hợp với các điều kiện quy định được nêu trên khi tiếp nhận bản đăng ký và thống kê theo dõi việc sử dụng đất trồng lúa. Đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn được thống kê là đất trồng lúa, trừ diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi hoàn toàn sang trồng cây hàng năm hoặc nuôi trồng thủy sản.
Trình tự, thủ tục thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất trồng cây hằng năm
Khi có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, người sử dụng đất phải nộp 01 bản đăng ký (theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP) đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Người sử dụng đất được hiểu là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất trồng lúa hợp pháp.
Sau đó, Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành tiếp nhận, xử lý bản đăng ký. Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi không hợp lệ, trong thời gian 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã phải hướng dẫn cho người sử dụng đất, chỉnh sửa, bổ sung bản đăng ký. Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi hợp lệ và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của Ủy ban nhân dân cấp xã, trong thời gian 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã có ý kiến “Đồng ý cho chuyển đổi”, đóng dấu vào Bản đăng ký, vào sổ theo dõi và gửi lại cho người sử dụng đất. Trường hợp không đồng ý, Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời bằng văn bản theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP.
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập sổ theo dõi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.
Trên đây là bài viết tư vấn về vấn đề Muốn chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây hằng năm cần điều kiện gì? Nếu quý khách hàng có những thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về vấn đề này, vui lòng liên hệ Luật sư Phan Mạnh Thăng qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn trực tiếp.